Ảnh minh họa - Internet
Kiếm bộn tiền từ nội dung xấu độc
Trên mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok, những nội dung bẩn về tuyên truyền bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục, gợi dục, tuyên truyền mê tín dị đoan nhằm thu hút lượt theo dõi, bán quảng cáo đã và đang là hiện tượng nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một phần trách nhiệm về sự tồn tại của những nội dung xấu, độc trên không gian mạng thuộc về các nền tảng như YouTube, TikTok, Facebook khi không kiểm soát được nội dung, người dùng trên nền tảng. Mặt khác, các nhà quảng cáo cũng phải chịu trách nhiệm khi vẫn chi tiền vào nội dung bẩn.
"Nhà nước không làm khó doanh nghiệp muốn quảng cáo trên không gian mạng, nhưng không thể có chuyện một đồng tiền chảy vào nội dung tử tế và nội dung độc hại mà doanh nghiệp vẫn thấy bình thường", ông Lâm chia sẻ.
Theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh việc chia sẻ, lan tỏa những nội dung tích cực thì trên mạng xã hội vẫn tồn tại những người sáng tạo nội dung số, người nổi tiếng chủ ý truyền đưa những nội dung nhảm nhí, lệch chuẩn, thậm chí phát tán tin giả, xuyên tạc, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ. Nhiều nội dung vô bổ, độc hại trên mạng trở thành mảnh đất sinh lời dồi dào, mang lại doanh thu quảng cáo, bán hàng khổng lồ trong khi những thông tin chính thống, bổ ích thì bị mờ nhạt.
Tình trạng này, nếu không được chấn chỉnh và định hướng kịp thời, sẽ dẫn đến xu hướng phát triển lệch lạc trong ngành công nghiệp nội dung số, làm mất đi động lực sáng tạo và khả năng cạnh tranh của những nhà sáng tạo nội dung số lành mạnh. Đặc biệt, tình trạng này sẽ để lại nhiều hệ lụy xấu trong lĩnh vực thông tin - văn hóa - tư tưởng, ảnh hưởng quá trình hình thành, phát triển nhận thức và nhân cách của giới trẻ.
Làm nội dung sạch cũng kiếm không ít tiền!
Có muôn vàn cách kiếm tiền trên mạng xã hội như: thu từ hợp tác với mạng xã hội như quảng bá sản phẩm và thương hiệu cho các nhãn hàng; tặng quà qua livetream; bán hàng online; tiếp thị liên kết…
Youtuber Lý Tử Thất là ví dụ điển hình. Hiện tại, kênh YouTube của Lý Tử Thất có 17,4 triệu người theo dõi và đạt gần 3 tỷ lượt xem. Kể cả khi cô tạm ngừng sản xuất 2 năm qua, mỗi tháng cô vẫn thu về được 2,7 tỷ đồng.
Tại Việt Nam, TikToker nổi tiếng bán hàng online và livestream trên mạng xã hội là Phạm Thoại đã bất ngờ tạo nên sức hút bởi cách tư vấn quần áo cho khách "chẳng giống ai".
Với kênh TikTok có 4 triệu người theo dõi và hơn 102 triệu lượt yêu thích, mỗi video của Phạm Thoại có thể mang về khoảng 56,3 - 94 triệu đồng.
Hay như “chiến thần review” Võ Hà Linh sở hữu kênh TikTok với 3,6 triệu lượt theo dõi và hơn 68,4 triệu lượt yêu thích. Theo thống kê từ trang ubiwiz, mỗi video của Hà Linh có thể kiếm từ 51,6 - 87 triệu đồng.
Đây mới chỉ là thu nhập bề nổi của hai Tiktoker này. Thu nhập của Võ Hà Linh và Phạm Thoại còn đến từ việc gắn link liên kết sản phẩm, hợp đồng quảng cáo cho các nhãn hàng và việc kinh doanh.
Theo ông Trần Mạnh Duy (Duy Muối), Nhà sáng lập, kiêm CEO của DC Media, đơn vị này đang cố gắng trở thành đơn vị đầu tiên đạt 100 tỷ lượt xem trên TikTok.
“Một trong những khẩu hiệu của kênh truyền hình Disney (chuyên sản xuất nội dung cho trẻ em) là ‘Lòng tốt có thể bán được’. Do đó, họ chỉ làm chuyện cổ tích, những câu chuyện thần tiên. Họ truyền đi thông điệp rằng, xã hội vẫn luôn có chỉ dấu niềm tin vào những điều tử tế. Họ làm nội dung tử tế vẫn sống được, thậm chí là sống tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Ông Lâm cho biết thêm, cùng với việc định danh người dùng mạng xã hội, phạt nặng bên sai phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tạo danh sách trắng (white list) tập hợp các kênh có nội dung sạch, từ đó hỗ trợ các kênh này bằng cách kết nối với nhãn hàng.
“Một kênh TikTok chuyên về làm đẹp, y tế, khi được xác thực trong white list, thì Bộ Thông tin và Truyền thông có thể giới thiệu kênh đó với Bộ Y tế và các cơ quan trực thuộc”, ông Lâm nêu ví dụ.
Ngoài white list đang được xây dựng mở rộng, cơ quan chức năng cũng đưa ra danh sách black list, gồm những kênh bị cấm để doanh nghiệp tham khảo.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, Bộ đang trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định mới này sẽ bổ sung nhiều quy định nhằm tăng trách nhiệm của các chủ kênh, tài khoản trên các nền tảng xuyên biên giới; chỉ cho phép các kênh, tài khoản có đăng ký thông báo với Bộ được tham gia hoạt động có phát sinh doanh thu; các quy định khóa kênh, khóa tài khoản rõ ràng hơn trước đây.
"Sắp tới sẽ có thêm nhiều chế tài để hạn chế người làm nội dung bẩn không thể kiếm tiền, không thể tiếp cận với công chúng", ông Lê Quang Tự Do khẳng định.
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đang làm việc với 5 nhà sản xuất tivi lớn tại Việt Nam gồm: Samsung, LG, Sony, TCL, Casper… là đơn vị sản xuất tivi thông minh.
Các nhà sản xuất đã cài sẵn nút trên trên điều khiển TV tại Việt Nam để người dùng truy cập dễ dàng nền tảng xuyên biên giới, trong đó có những nền tảng chưa tuân thủ đầy đủ, thậm chí vi phạm pháp luật. Cơ quan Nhà nước yêu cầu nhà sản xuất tivi không cài đặt ứng dụng vi phạm pháp luật.