Đây là lệnh phong tỏa mới được chính quyền Trung Quốc ban hành ở 4 thành phố lớn của tỉnh ven biển Chiết Giang, gồm Ôn Châu, Hàng Châu, Thai Châu và Ninh Ba, nhằm ngăn dịch viêm phổi do chủng mới virus corona (nCoV) lây lan.
Hơn 30 triệu cư dân ở 4 thành phố lớn nếu muốn rời khỏi khu sinh sống của họ để tới khu dân cư khác hoặc tới siêu thị phải được chính quyền phát vé được đóng dấu hoặc có mã quét nhận dạng cá nhân. Nhân viên tại mỗi trạm thu phí sẽ đo nhiệt độ cơ thể cho từng người đi qua.
"Các nhà ở đây đều đóng kín cửa. Chúng tôi hoàn toàn bị cô lập", Chen Zongyao, người đàn ông 55 tuổi ở Ôn Châu, người may mắn tích trữ gạo và cá trước khi dịch lan tới Chiết Giang, cho biết.
Chiết Giang, cách Vũ Hán 800 km, là nơi ghi nhận số ca nhiễm dịch lớn thứ hai ở Trung Quốc, sau tỉnh Hồ Bắc. Trong đó, Ôn Châu là thành phố bên ngoài tỉnh Hồ Bắc có số ca nhiễm cao nhất. Hơn 100.000 người sống ở Vũ Hán đến từ Ôn Châu và rất nhiều người mang mầm bệnh trong số đó đã trở về quê trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Giao thông công cộng ở Ôn Châu bị tạm ngừng từ ngày 31/1 và cơ sở kinh doanh được yêu cầu đóng cửa ít nhất đến 18/2. Đám tang và đám cưới đều bị cấm tổ chức.
"Như tôi nói với bạn, nơi này không khác gì Vũ Hán. Nó chính là Vũ Hán thứ hai", người phụ nữ không muốn tiết lộ tên làm việc tại trạm nghỉ cạnh trạm thu phí vào thành phố, nói và ra hiệu về phía Ôn Châu.
Trạm thu phí đóng hai làn đường để cảnh sát mặc đồ bảo hộ kiểm tra giấy thông hành và nhiệt độ của người đi đường. Chỉ những cư dân có giấy phép hợp lệ mới được vào thành phố và được thông báo không được phép quay ra.
"Vì sức khỏe của bạn, xin vui lòng hợp tác trong quá trình kiểm tra", một biển chỉ dẫn viết. Những người ngồi trên xe qua trạm, như gia đình có trẻ nhỏ, giám đốc kinh doanh hay cặp vợ chồng trẻ, đều bịt khẩu trang kín mít.
Những chiếc xe con nối hàng dài cùng xe tải chở đầy khoai lang với băng-rôn dán trên mui xe cho biết chở thực phẩm hỗ trợ. Giới chức đã gửi thực phẩm gồm trái cây, cháo, bánh mì và mì ăn liền cho cư dân mắc kẹt trong thành phố hàng ngày.
Tuy nhiên, thiếu lương thực vẫn là chủ đề mà nhiều người bàn tán. Tại siêu thị Walmart ở Ôn Châu, từng hàng người dài chờ đợi, đôi khi là hai tiếng, để mua gạo, mì ăn liền và thực phẩm đóng hộp. Một người mua hàng cho biết siêu thị đã hết sạch thực phẩm tươi sống.
Sau khi dịch bùng phát, Ôn Châu đã cách ly khoảng 20.000 người tại các khách sạn trong thành phố. Đây là nơi tập trung tất cả người từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc từng tới Hồ Bắc trong vòng hai tuần trước đó.
Luật sư Chen Bin được đưa tới điểm cách ly sau khi về thăm quê ở tỉnh Hồ Bắc cùng với hai đứa trẻ và bố mẹ vợ. Họ hiện ở phòng riêng trong cùng khách sạn và chỉ được liên lạc với nhau qua điện thoại. Chen cho biết lúc đầu anh không ngủ được vì lo lắng rằng "không khí cũng chứa đầy vi trùng".
Một người phụ nữ bị cách ly tại phòng khách sạn ở Ôn Châu đã viết trên Douyin, tên của Tik Tok ở Trung Quốc, rằng: "Tôi sắp phát điên. Tôi không thể ngồi hay nằm một cách thoải mái. Cả người tôi đau ê ẩm".
Biển chỉ dẫn có nội dung "Vì sức khỏe của bạn, xin vui lòng hợp tác trong quá trình kiểm tra" tại trạm thu phí phía nam Ôn Châu, Chiết Giang. Ảnh: Washington Post.
Thậm chí một vài người khác tỏ ra khó chịu hơn. Khi cảnh sát mang theo dụng cụ của lực lượng đặc nhiệm gồm cả khiên nhựa xuất hiện trước cửa nhà một phụ nữ ở Ôn Châu, từng tiếp xúc với trường hợp nhiễm dịch, bà đã từ chối đi tới điểm cách ly.
"Tôi không cần cách ly", người phụ nữ trong bộ đồ ngủ màu hồng hét lên với cảnh sát.
"Đây là điều bắt buộc. Nó là lệnh của chính quyền", sĩ quan cảnh sát hét lại. Người phụ nữ định cầm dao tấn công cảnh sát nhưng bị khống chế và đưa tới điểm cách ly sau đó. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp cá biệt.
Nhiều cư dân Ôn Châu đồng tình với quy định của chính quyền sau khi thấy rõ tình hình ở Vũ Hán. "Tôi nghĩ mọi người đều hiểu và đồng ý với chính sách phong tỏa hiện giờ. Tất cả họ đều sợ lây nhiễm virus", Chen cho biết.
Trong khu chung cư gần đó, người mẹ 32 tuổi tự gọi mình là "Lemon" cho biết đã học nấu ăn trong thời gian phong tỏa. Hiện cô ở cùng với chồng và con gái 4 tuổi.
"Tôi thấy ổn khi ở trong nhà như vậy, thậm chí là lâu hơn", Lemon, người làm việc cho chính phủ, nói khi con gái cô cười khúc khích bên cạnh. "Con bé còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Con bé chỉ biết rằng virus này rất đáng sợ và chúng tôi không thể ra khỏi nhà", Lemon nói thêm.
Người phụ nữ họ Xia, hiện điều hành nhà máy sản xuất dụng cụ trong nhà nhỏ ở khu vực này, không thấy có vấn đề gì khi phải đóng cửa doanh nghiệp trong thời gian không xác định. "Tính mạng quan trọng hơn kiếm tiền", Xia nói.
Tuy nhiên, dịch bùng phát khiến người Ôn Châu đối mặt với tình trạng bị kỳ thị và phân biệt đối xử giống như người ở Hồ Bắc. Nhiều người được yêu cầu cách ly tại nhà cho biết họ thấy không được chào đón ở khu dân cư và nhiều hàng xóm đề nghị họ chuyển tới khách sạn thay vì ở nhà.
Một số người ở nơi khác trong tỉnh Chiết Giang cho biết họ bị xa lánh khi trở về từ Ôn Châu. Giới chức ở nhiều địa phương còn đặt biển "Không cho phép khách ghé thăm" trước nhà của Allen Li ở Hàng Châu và niêm phong cửa bằng thanh kim loại.
"Chúng tôi đã cãi nhau với họ nhưng họ nói đó là quyết định của cấp trên. Chúng tôi hiểu mình không nên ra ngoài. Nhưng hành động của họ thật vô nhân đạo. Sẽ thế nào nếu chẳng may nhà tôi xảy ra hỏa hoạn vào nửa đêm và chẳng tìm được ai mở khóa?", Li nói.
Mọi người giờ đã quen với tình trạng phong tỏa hiện tại. Chen, cư dân đến từ phía bắc Ôn Châu, hy vọng được về nhà trong vài tuần tới. "Tôi nghĩ lệnh phong tỏa sẽ không thể gỡ bỏ trong tháng này", Chen nói.