The Vissai mua tiếp Xi măng Dầu khí 12/9

Tập đoàn Xi măng The Vissai đang thực hiện chiến lược phát triển thành doanh nghiệp sản xuất, cung ứng xi măng lớn khi tiếp tục mua thêm Dự án Xi măng Dầu khí 12/9.
Sau khi tiếp nhận Xi măng Dầu khí 12/9, The Vissai sẽ có 9 dây chuyền sản xuất clinker và xi măng

Sau khi tiếp nhận Xi măng Dầu khí 12/9, The Vissai sẽ có 9 dây chuyền sản xuất clinker và xi măng

Sau gần 2 năm tạm dừng thi công do chủ đầu tư cạn vốn, Dự án Xi măng Dầu khí 12/9 (Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) đã tìm được nhà đầu tư bỏ vốn hoàn thiện để Dự án sớm được đưa vào vận hành, cung cấp sản phẩm ra thị trường..

Ông Nguyễn Đăng Tịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Dầu khí 12/9 cho biết, đối tác mới là Tập đoàn Xi măng The Vissai (Ninh Bình). Hiện The Vissai đã hoàn tất mọi thủ tục để sở hữu dự án này.

Với việc The Vissai chấp thuận bỏ vốn hoàn thiện, tương lai cho Dự án Xi măng Dầu khí 12/9 sẽ không còn mờ mịt và ngành xi măng không phải lo ngại sẽ có thêm một dự án bị đắp chiếu, gây lãng phí, hao tốn tiền của và giảm bớt thiệt hại về kinh tế trong đầu tư xây dựng cho chủ đầu tư, các đơn vị liên quan, cũng như địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai cho biết, Tập đoàn sẽ nỗ lực thi công và khắc phục những tồn tại từ chủ đầu tư trước đó để sau 6 tháng nữa, Nhà máy có thể chính thức đi vào vận hành.

Do Dự án Xi măng Dầu khí 12/9 để dở dang quá lâu, nên The Vissai phải đầu tư thêm một phần chi phí để hoàn thiện nốt phần xây dựng cơ bản, cũng như lắp đặt thiết bị.

Theo tính toán của The Vissai, với 25% khối lượng xây dựng cơ bản và 65% khối lượng lắp đặt máy móc thiết bị còn dở dang, khoản vốn mà The Vissai cần bổ sung thêm cho Xi măng Dầu khí 12/9 là khoảng 500 tỷ đồng.

“Chúng tôi biết khó khăn của những dự án công suất nhỏ, nhưng do dây chuyền thiết bị đã nhập về, nên trước mắt, phải hoàn thiện nhanh để đưa vào vận hành sớm ngày nào tốt ngày đó. Có như vậy mới có tiền trang trải chi phí đầu tư và nợ nần. Sau khi Nhà máy hoạt động ổn định, sẽ cân nhắc những bước tiếp theo”, ông Trường nói.

Liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm của Xi măng Dầu khí 12/9, ông Trường cho biết, khi đã về với The Vissai, tiêu thụ sản phẩm không phải là vấn đề lớn, bởi Tập đoàn có nhiều nhà máy với sản lượng lớn, đầu ra tại nội địa, cũng như xuất khẩu được đảm bảo.

Tính đến cuối năm 2014, Tập đoàn Xi măng The Vissai có năng lực sản xuất 8 triệu tấn/năm. Tập đoàn cũng mới mua lại Dự án Xi măng Đô Lương tại Nghệ An và đổi tên thành Xi măng Sông Lam với công suất 6 triệu tấn xi măng/năm. Đầu tháng 2/2015, giai đoạn I của Dự án Xi măng Sông Lam (4 triệu tấn/năm) đã chính thức được khởi công xây dựng.

Như vậy, sau khi tiếp nhận Dự án Xi măng Đô Lương và nay là Xi măng Dầu khí 12/9, Tập đoàn Xi măng The Vissai sẽ có 9 dây chuyền sản xuất clinker và xi măng chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tin bài liên quan