The New York Times: Việt Nam là “phép màu châu Á” tiếp theo

The New York Times: Việt Nam là “phép màu châu Á” tiếp theo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam đang trở thành phép màu châu Á, nhưng ở điều kiện hoàn toàn mới.

Trong vòng vài ngày sau khi Trung Quốc công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Việt Nam đã tổng động viên nhiều nguồn lực để ngăn chặn đà lây nhiễm. Nhắn tin tới tất cả người dân, quảng cáo trên TV, băng rôn, biểu ngữ, phát thành công cộng…, chính phủ Việt Nam chủ trương xác định mọi sự tiếp xúc đối với nguồn bệnh tại đất nước 100 triệu dân này. Tốc độ nhanh chóng và cách ly khẩn trương đã giữ tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Việt Nam nằm trong nhóm 4 quốc gia thấp nhất thế giới – chưa tới 1 ca tử vong trên 1 triệu dân.

Kiểm soát dịch bệnh tốt giúp Việt Nam có thể mở cửa lại các hoạt động kinh tế trong thời gian ngắn và được đánh giá sẽ trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay. Trong khi nhiều quốc gia còn vật lộn với suy giảm và tìm kiếm sự cứu trợ từ Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam đang tăng trưởng ở mức 3%.

Ấn tượng hơn, đà leo dốc này có động lực từ thặng dư thương mại, bất chấp giao thương toàn cầu xuống dốc.

Khoảnh khắc bùng nổ của Việt Nam thực tế đã có thời gian chờ đợi khá dài. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, những “phép màu châu Á” xuất hiện, đầu tiên là Nhật Bản, sau đó là Đài Loan, Hàn Quốc và gần đây nhất là Trung Quốc.

Đây là các khu vực kinh tế đã thoát khỏi nghèo khó bằng việc mở cửa giao thương, đầu tư và trở thành những công xưởng sản xuất lớn.

Hiện tại, Việt Nam đang đi trên con đường này, nhưng ở một thời đại hoàn toàn mới. Điều kiện tạo nên những phép màu châu Á trong quá khứ đã biến mất. Thế hệ baby boom sau chiến tranh đã qua. Kỷ nguyên của toàn cầu hóa nhanh chóng, thương mại thế giới tăng trưởng và dòng vốn đầu tư dồi dào chấm dứt.

Trên toàn cầu, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong môi trường này, những thế lực mạnh không còn làm ngơ trước những điều kiện mà trước đây từng tạo nên phép màu cho các khu vực kinh tế tại châu Á. Trong tuần trước, Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và bắt đầu mở các cuộc điều tra – tương tự diễn biến ban đầu tạo nên cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Trong những năm tăng trưởng bùng nổ, những “phép màu châu Á” có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gần 20%/năm – cao gần gấp đôi mức tăng trưởng tại các quốc gia có thu nhập thấp – trung bình vào thời điểm đó. Việt Nam duy trì được đà leo dốc này trong 3 thập kỷ. Ngay cả khi thương mại toàn cầu giảm sút những năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 16% mỗi năm – tốc độ nhanh nhất thế giới và cao gấp 3 lần mức trung bình tại các thị trường mới nổi.

Trong khi các nền kinh tế mới nổi khác chi tiêu mạnh tay cho phúc lợi xã hội nhằm làm vừa lòng cử tri, Việt Nam sử dụng nguồn lực cho xuất khẩu, xây dựng đường xá, cảng biển và xây dựng trường học để đào tạo nhân lực. Chính phủ Việt Nam đầu tư khoảng 8% GDP mỗi năm để xây dựng cơ sở hạ tầng mới và hiện tại có chất lượng cơ sở hạ tầng ở mức cao hơn bất kỳ quốc gia nào cùng phân khúc.

Cùng với đó, Việt Nam không ngừng gia tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm qua, giá trị đầu tư trực tiếp trung bình ở mức hơn 6% GDP Việt Nam, mức cao nhất trong số các quốc gia mới nổi. Đa phần số tiền này để xây dựng các nhà máy sản xuất, công trình liên quan tới hạ tầng. Trong đó, dòng vốn chủ yếu tới từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Như vậy, những phép màu châu Á cũ góp phần tạo nên điều kỳ diệu mới.

Việt Nam vẫn đang là “phép màu” châu Á mới từ kỷ nguyên đã xa, dần tiến trên con đường thịnh vượng.

Việt Nam trở thành điểm đến được ưa chuộng nhất của các nhà sản xuất trong làn sóng rời khỏi Trung Quốc nhờ chi phí lao động ở mức thấp. Thu nhập trung bình đầu người tại Việt Nam đã tăng gấp 5 lần kể từ cuối những năm 1980 tới gần 3.000 USD/người hiện tại nhưng con số này mới bằng một nửa tại Trung Quốc.

Đáng chú ý, kỹ năng của người lao động giúp Việt Nam tiến thêm một nấc thang nữa, tạo sức hút đối với các nhà sản xuất sản phẩm phức tạp. Công nghệ đã vượt mặt hàng may mặc tại Việt Nam trong nhóm sản phẩm xuất khẩu năm 2015 và chiếm đa phần thặng dư thương mại trong năm này.

Nếu xét về bảo hộ thương mại, Việt Nam thể hiện quan điểm cởi mở và vừa ký kết hơn 12 hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định lớn nhất với Liên minh châu Âu.

Liệu Việt Nam có tiếp nối thành công, bất chấp một số trở ngại như dân số giảm, thương mại đi xuống? Câu trả lời là Việt Nam có thể duy trì thành công hiện tại. Đa phần người dân vẫn sống ở các vùng quê, nên nền kinh tế có thể tăng trưởng bằng việc dịch chuyển nguồn lao động tới các khu vực đô thị công nghiệp. Trong 5 năm qua, không một quốc gia lớn nào có tốc độ gia tăng thị phần xuất khẩu trên toàn cầu nhanh hơn Việt nam.

Người ta vẫn thường nhắc tới các nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng sau chiến tranh, sau đó đổ vỡ bởi chế độ quản lý độc đoán. Tuy nhiên, Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian dài nhờ những chính sách kinh tế mở và quản lý tài chính hiệu quả.

Chỉ còn 1 vấn đề suy nhất: Sau nhiều lần cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ chỉ còn sở hữu số ít công ty. Tuy nhiên, số ít doanh nghiệp nhà nước này vẫn có quy mô khổng lồ và đang chiếm tới gần 1/3 sản lượng đầu ra – tương tự cách đây 1 thập kỷ. Nếu những rắc rối xảy ra, nhóm doanh nghiệp “béo múp”, hiện đóng góp khá lớn nợ xấu cho hệ thống ngân hàng này sẽ là nơi đầu tiên trục trặc.

Cần chú ý rằng, nợ xấu gia tăng cũng là nguyên nhân khởi đầu của khủng hoảng tài chính, kết thúc đà tăng trưởng bền vững của các khu vực kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và hiện tại đang tạo áp lực lên Trung Quốc. Bởi vậy, đằng sau sự tăng trưởng luôn là những rủi ro.

Hiện tại, Việt Nam vẫn đang là “phép màu” châu Á mới từ kỷ nguyên đã xa, dần tiến trên con đường thịnh vượng.

Tin bài liên quan