Hôm thứ Ba, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất của mình, trong đó có một phát hiện mới đáng chú ý: 7 thị trường mới nổi lớn nhất hiện lớn hơn nhóm G7 gồm các nước công nghiệp phát triển lâu nay, xét về GDP tính theo sức mua (PPP).
Tổng GDP tính theo PPP của G7 cũ (màu nhạt) và G7 mới, tháng 4 và tháng 10
Phương pháp tính GDP theo sức mua cũng khẳng định rằng, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới, vượt qua Mỹ (theo báo cáo hồi tháng 4 thì chưa vượt). Nếu xét theo tỷ giá hối đoái trên thị trường thì nền kinh tế Mỹ có quy mô 17,4 nghìn tỷ USD, còn Trung Quốc là 10,4 nghìn tỷ USD. Nhưng nếu điều chỉnh theo giá cả tương đối thì nền Trung Quốc chuyển lên vị trí số một với GDP trị giá 17,6 nghìn tỷ USD.
Top 10 mới, với GDP tính theo sức mua
Phương pháp PPP là để ghi nhận thực tế rằng, một đồng USD sẽ mua được cho bạn nhiều hay ít hơn ở các nước khác nhau. Ví dụ, bạn cắt tóc ở Thượng Hải thì chỉ phải trả giá thấp hơn nhiều so với cắt ở New York, nhưng giá cả trên thị trường cắt tóc không được cân bằng hóa bởi cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, cách tính toán của PPP không hề là một khoa học chính xác, như các đợt điều chỉnh lại trong năm nay cho thấy. Nhưng các ước tính mới chỉ rõ một thế giới đã thay đổi nhiều: một nửa trong số 20 nền kinh té lớn nhất thế giới hiện là các thị trường mới nổi và nửa còn lại đến từ thế giới phát triển; Indonesia đã gia nhập top 10 và vượt qua Anh quốc để trở thành nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới; Nigeria - một nền kinh tế trong nhóm MINT khác - đã nhảy 10 bậc từ thứ 30 lên 20 sau khi Chính phủ nước này thiết lập lại phương pháp tính GDP của mình.