Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Thế giới đang phát triển chi phối thị trường dầu mỏ

Ngày 18/8, các nhà phân tích thị trường dầu lửa thế giới khẳng định Mỹ đã không còn vị thế chi phối thị trường dầu mỏ thế giới và quyền này đã thuộc về thế giới đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi.

Tiến sỹ Kent Moors, nhà chiến lược năng lượng toàn cầu, nhấn mạnh việc Mỹ chi phối giá dầu mỏ thế giới đã lỗi thời mặc dù Washington hiện vẫn tiêu thụ 25% nguồn tài nguyên này của thế giới.

 

Ba biến số trên thị trường dầu mỏ thế giới đã giúp các nước đang phát triển thay thế Mỹ quyết định nhu cầu và giá dầu mỏ trên thị trường thế giới.

 

Một là tiến bộ công nghiệp và chế tạo của các nến kinh tế thị trường mới nổi cùng với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của các nước Đông Á và những chuyển biến kinh tế mới đây của Indonesia đã thực sự thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu về năng lượng toàn cầu, trong đó chủ yếu là dầu mỏ.

 

Hai là các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC, như Nga, đã giảm mạnh lượng dầu thô xuất khẩu ra thị trường thế giới để tăng cường khu vực lọc dầu và hóa dầu trong nước.

 

Hành động này không chỉ đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trong nước vốn đang tăng lên mà cũng nhằm tăng cường xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu có giá trị xuất khẩu lớn hơn.

 

Ba là những khu vực trước đây tiêu thụ ít dầu mỏ thường không được tính đến trong thị trường dầu mỏ thế giới, như Tây Phi, hiện đã tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này. Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ cũng tăng lên rõ rệt ở châu Á và châu Phi.

 

Các nhà phân tích thị trường dầu mỏ thế giới nhấn mạnh việc phối hợp 3 biến số mới trên đã làm lu mờ các số liệu về nhu cầu dầu mỏ của Mỹ. Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ đạt kỷ lục mới 88,2 triệu thùng/ngày trong năm 2011 và lên tới 89,4 triệu thùng/ ngày vào giữa năm 2012./.