Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy tại hội nghị ở New Delhi. (Ảnh: Getty)

Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy tại hội nghị ở New Delhi. (Ảnh: Getty)

“Thế giới chuyển sang khủng hoảng tăng trưởng”

Ngày 7/9, phát biểu tại Hội nghị các nhà nghiên cứu đô thị quốc tế tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy nhấn mạnh thế giới đang đi từ khủng hoảng kinh tế tài chính sang khủng hoảng tăng trưởng.

Nền kinh tế thế giới đang trải qua thời kỳ bão tố với những thách thức nghiêm trọng như khủng hoảng nợ công, các thị trường tài chính bị mất lòng tin, các chính phủ thiếu phản ứng phối hợp để giải quyết các vấn đề cơ cấu khiến tăng trưởng trì trệ, thất nghiệp cao và thâm hụt tài chính không bền vững ở các nước phát triển.

 

Ông lưu ý rằng mặc dù đã phải thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế bất thường nhưng nhiều nền kinh tế không tăng trưởng đủ mức cần thiết để phục hồi tài chính và giảm tỷ lệ thất nghiệp cao gây biến động xã hội.

 

Buôn bán toàn cầu tăng trưởng 14,5% năm 2010 nhưng sẽ giảm mạnh xuống mức 6,5% trong năm 2011. Hệ thống buôn bán đa phương quốc tế trong tương lai sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, đặc biệt là sự không rõ ràng giữa chính sách buôn bán và các chính sách hối đoái, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng.

 

Thách thức trực tiếp và cấp thiết nhất là tìm ra được can đảm chính trị và các bước đi thực tế nhất để các nước thành viên WTO cùng thương lượng chân thành để sớm kết thúc thành công Vòng đàm phán phát triển Doha .

 

Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh hệ thống buôn bán toàn cầu trong tương lai có thể tiếp tục bị sức ép lớn của bảo hộ mậu dịch vì khủng hoảng kinh tế là mảnh đất màu mỡ phát sinh chủ nghĩa này, đồng thời hệ thống này cũng phải thúc đẩy tốt hơn các dây chuyền giá trị toàn cầu đang ngày càng trở nên quan trọng.

 

Hệ thống buôn bán toàn cầu trong tương lai cũng sẽ phải đối mặt với thách thức bắt nguồn từ xu hướng phổ biến các hiệp định ưu đãi buôn bán ngày càng phức tạp. Thách thức này tạo ra những phân khúc thị trường và thế giới cần khuôn khổ các quy chế mới để xử lý thích hợp với các hiệp định ưu đãi buôn bán này./.