Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2019, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt doanh thu 48.134 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có hơn 1,2 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được ký kết, nâng số lượng hợp đồng đang khai thác lên 9,3 triệu hồ sơ.
Hiện tại, theo đánh giá của các công ty bảo hiểm, nhận thức của người dân về bảo hiểm nhân thọ tích cực hơn trước rất nhiều. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai các kênh phân phối mới (bảo hiểm trực tuyến, tư vấn bán hàng trực tiếp qua thiết bị số hóa) và cải tiến các dịch vụ liên quan đến chăm sóc khách hàng của các hãng bảo hiểm đã giúp người dân dễ dàng tìm hiểu và kết nối với bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tỷ lệ dân số đã có hợp đồng bảo hiểm (ước tính dưới 10% dân số) thì tỷ lệ này còn rất khiêm tốn. Con số này ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản lên đến trên 90%.
Ngay trong khu vực Ðông Nam Á, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ của các nước láng giềng cũng cao vượt trội: Singapore là 80%, Malaysia là 50%.
Có nhiều nguyên nhân tạo ra sự chênh lệch này, trước hết là thị trường bảo hiểm Việt Nam còn khá non trẻ nếu so với sự phát triển của các thị trường khác.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hình thành từ cuối những năm 1990, trong khi một hợp đồng thường có thời hạn trung bình khoảng 15 năm.
Vì thế, đến thời điểm này, giá trị của các hợp đồng bảo hiểm vẫn chưa thật sự rõ rệt với đại đa số người dùng. Phần đông người dân chưa biết cách chủ động xây dựng các kế hoạch tài chính dài hạn, quan điểm về quản trị rủi ro cũng có nhiều khác biệt so với các thị trường khác.
Ngoài ra, do thị trường còn non trẻ nên cũng không thể loại trừ nguyên nhân đến từ chất lượng tư vấn viên bảo hiểm chưa thật sự truyền tải đúng và đủ những giá trị của bảo hiểm nhân thọ đến khách hàng.
Ðể hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý bảo hiểm, ngoài việc tuyển dụng, đào tạo và thi lấy chứng chỉ theo quy định của Bộ Tài chính, một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang có những chương trình đào tạo nâng cao cho đội ngũ đại lý bảo hiểm nòng cốt, còn gọi là đại lý toàn thời gian.
Chính thức ra mắt ngày 19/8/2019, kênh The Gallerie của Prudential đang tìm kiếm những ứng viên tiềm năng để chinh phục lộ trình đào tạo chuyên sâu toàn diện trong vòng 24 tháng.
Theo đại diện hãng bảo hiểm này, Prudential triển khai mô hình đại lý kiểu mới với những PruPlanners - chuyên viên hoạch định tài chính chuyên nghiệp, không chỉ đảm nhận việc “bán bảo hiểm” như quan niệm trước đây, mà là một chuyên viên có kiến thức tài chính, có thể đưa ra các nhận định và tư vấn về các giải pháp tài chính, bảo hiểm phù hợp nhất với từng nhu cầu khách hàng.
Hiện tại, Prudential đang trong giai đoạn triển khai mô hình mới này, tập trung ở 2 thành phố lớn: TP.HCM và Hà Nội. Chiến lược của The Gallerie là tiếp cận với đối tượng khách hàng trẻ, thành thị, có kiến thức về tài chính.
The Gallerie hứa hẹn sẽ nối tiếp thành công trong chiến lược đa dạng hóa kênh phân phối của Prudential nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của phân khúc khách hàng thành thị.
Ðiểm nổi bật của The Gallerie so với các dự án khác trên thị trường là Chương trình Ðào tạo và Phát triển (EDP) chuyên sâu, toàn diện trong 24 tháng.
Tận dụng thế mạnh vốn có của một trung tâm bài bản, The Gallerie tự tin, với chương trình đào tạo của mình, mỗi chuyên viên hoạch định tài chính đều có cơ hội trở thành chủ doanh nghiệp trẻ thành đạt trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm.
Với tốc độ gia tăng nhanh của tầng lớp khách hàng trung lưu thành thị, cơ hội thành công trong ngành bảo hiểm đang rộng mở cho những bạn trẻ đam mê kinh doanh và muốn thử sức ở lĩnh vực tài chính - bảo hiểm.
Mô hình The Gallerie, có thể nói, chính là cánh cửa cơ hội cho những bạn trẻ có đam mê và dám dấn thân để hiện thực hóa khát vọng doanh nhân một cách bài bản, có lộ trình và mục tiêu rõ rệt.