Thay thế dần các nhà đầu tư

Thay thế dần các nhà đầu tư

(ĐTCK) Đối tượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang dần có sự thay đổi.

đi trước một bước so với tái cấu trúc nền kinh tế. Điều này thể hiện qua những kết quả cụ thể mà lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) mới cập nhật.

Đang tái cơ cấu 20% CTCK và Công ty QLQ

Tại Hội thảo quốc tế "Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính" do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức, vừa diễn ra, các chuyên gia nhìn nhận, tái cấu trúc TTCK đang đi trước một bước so với các lĩnh vực khác trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Sự “đi trước” của TTCK đang tạo hiệu ứng tích cực trong thúc đẩy tái cơ cấu DNNN, thị trường tài chính…

Đề án Tái cấu trúc CTCK và DN bảo hiểm, sau một năm triển khai, đến nay, theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBCK, đã đạt được những kết quả cụ thể, tích cực, thể hiện qua các điểm chính yếu dưới đây.

Thay thế dần các nhà đầu tư ảnh 1

Thứ nhất, về tái cấu trúc CTCK, công ty quản lý quỹ (QLQ), ngoài hoàn thiện các quy định theo hướng rút ngắn thời gian khắc phục tình trạng mất an toàn tài chính, nhằm giảm bớt số lượng các định chế trung gian, UBCK đã hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động theo hướng siết chặt quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ của CTCK, thể chế hóa các yêu cầu, tiêu chí và điều kiện về hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro và quản trị DN. Nhờ đó, đã đưa 20% tổ chức kinh doanh chứng khoán vào diện tái cấu trúc, trong đó có 9 CTCK và 6 công ty QLQ đã từng bước rút lui khỏi thị trường. Số còn lại đang nằm trong các tình trạng cảnh báo khác nhau và được UBCK giám sát chặt chẽ.

Sắp tới, ngoài khuyến khích các tổ chức kinh doanh chứng khoán hợp nhất, sáp nhập, UBCK sẽ quyết liệt thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc các tổ chức này theo hướng thận trọng, có trật tự và lộ trình phù hợp, theo nguyên tắc thị trường, đồng thời không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, không gây sốc cho thị trường và bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Thứ hai, về nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, qua áp dụng đồng bộ các biện pháp về nâng cao điều kiện và tiêu chuẩn niêm yết, đặc biệt là tiêu chí về hiệu quả hoạt động (tỷ suất lợi nhuận), đã hạn chế việc niêm yết các DN chưa đủ điều kiện theo tiêu chí mới. Đến nay đã giảm 20 DN niêm yết so với cuối năm 2012. Qua đó, đưa số lượng DN và quỹ đại chúng niêm yết trên cả hai sàn còn 683 công ty.

Thứ ba, liên quan đến tái cơ cấu nhà đầu tư (NĐT), đã có những chuyển biến rõ nét khi thay thế dần các quỹ đóng bằng quỹ mở; các quỹ thành viên được dần thay bằng quỹ đại chúng, hoạt động minh bạch hơn. Đến nay, có 9 quỹ mở được cấp phép thành lập, đưa tổng số quỹ đại chúng chiếm hơn 50% số lượng quỹ đang hoạt động. Hiện số lượng tài khoản NĐT đạt gần 1,3 triệu, tăng khoảng 4% so với cuối năm 2012. Tính đến ngày 18/12, có tổng số 16.711 NĐT nước ngoài tham gia thị trường, trong đó riêng năm nay có thêm 710 NĐT tham gia (283 NĐT tổ chức, 427 NĐT cá nhân).

Thứ tư, về tái cấu trúc Sở GDCK, UBCK đang xây dựng Đề án Hợp nhất hai Sở và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2014. Các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký (VSD) đang tập trung hoàn chỉnh hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL); hệ thống hạ tầng giao dịch chứng chỉ quỹ ETF để dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2014.

Trả lời câu hỏi của đại biểu tham dự Hội thảo về sự chuyển biến tích cực của TTCK trong thời gian gần đây, có phải do tác động tích cực của quá trình tái cấu trúc, ông Long, cho hay, TTCK về bản chất là tấm gương phản chiếu sức khỏe của nền kinh tế. Bởi vậy, sự phục hồi của TTCK trước hết là do hai yếu tố: kinh tế vĩ mô, DN có triển vọng vận động tích cực hơn; NĐT có niềm tin hơn vào các chính sách vĩ mô, thị trường, cũng như các giải pháp tái cấu trúc TTCK. Việc thực hiện các biện pháp tái cấu trúc TTCK, tuy không trực tiếp làm tăng các chỉ số trên thị trường, nhưng nhằm thúc đẩy TTCK minh bạch hơn, giúp DN huy động vốn tốt hơn, đồng thời góp phần phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế hợp lý hơn, qua đó cũng giúp TTCK tăng trưởng và hoạt động hiệu quả hơn.

 

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ

“UBCK tiếp tục tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu TTCK trong thời gian tới, đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm...”, ông Long nói và cho biết, để đạt mục tiêu này, Bộ Tài chính, UBCK đang triển khai đồng bộ các biện pháp. Việc tái cấu trúc TTCK chưa phải là mục tiêu cuối cùng, mà cùng với việc tiếp tục phát triển thị trường, TTCK cần phải được coi là một trong những công cụ trọng yếu hỗ trợ hoạt động tái cấu trúc DNNN và hệ thống ngân hàng.

Sắp tới, để bổ sung hàng hóa chất lượng cao cho TTCK, cũng như tăng quy mô thị trường, Bộ Tài chính, UBCK sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN, đưa các ngân hàng lên niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn phù hợp với thực trạng nền kinh tế và điều kiện của Việt Nam về cơ chế tài chính, chuẩn mực và chế độ kế toán đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, các loại hình quỹ đầu tư…, nhằm tăng tính minh bạch và chính xác về thông tin tài chính cho công chúng đầu tư.

Bộ Tài chính, UBCK tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy triển khai đề án quỹ hưu trí tự nguyện thông qua khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, nhằm góp phần phát triển NĐT tổ chức, tăng sức cầu lành mạnh cho thị trường. Ngoài ra, các kiến nghị về lộ trình tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài, cũng đang được trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Để thu hút thêm NĐT, cũng như tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu về quản trị rủi ro, bảo toàn lợi nhuận cho NĐT, UBCK cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định về TTCK phái sinh và Đề án Tổ chức giao dịch chứng khoán phái sinh. Dự kiến, Đề án này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 12 này.     

 

“Phát triển mạnh TTCK, để trở thành kênh huy động vốn chiến lược cho DN”

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Vấn đề trọng tâm trong thời gian tới là phát triển đồng bộ, vững chắc thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Thị trường vốn là một kênh rất quan trọng để huy động mọi nguồn vốn của xã hội cho đầu tư phát triển. Nguồn vốn phải được dịch chuyển vào những nơi hoạt động có hiệu quả, nhất là khu vực kinh tế “thực”, kinh tế “xanh”, theo sự dẫn dắt của những tín hiệu tốt trên thị trường, không bị biến dạng do các quyết định hành chính, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết về đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính trong quá trình tái cấu trúc, Nhà nước cần đảm bảo cho thị trường tài chính vận hành ổn định, minh bạch theo những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường đầy đủ, được giám sát, đánh giá theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Cần phòng tránh và giảm thiểu rủi ro của thị trường tín dụng, TTCK và thị trường bất động sản trước những biến động xấu của thị trường tài chính toàn cầu. Đồng thời, phát triển mạnh TTCK và đổi mới hoạt động của những ngành nghề có liên quan đến hoạt động chứng khoán và TTCK, để thị trường này trở thành kênh quan trọng và có ý nghĩa chiến lược trong huy động vốn trung và dài hạn cho DN.

 

“Cần bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra ban đầu cho UBCK”

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia

Muốn nâng cao năng lực giám sát thị trường tài chính, các cơ quan thanh tra, giám sát cần được trao thêm thẩm quyền tiếp cận thông tin, điều tra đối với một số tội danh trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán. Cụ thể, cần bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra ban đầu cho UBCK đối với hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch, giao dịch nội gián, thao túng chứng khoán…

Trong quá trình thúc đẩy tái cấu trúc TTCK, cần tuân thủ nguyên tắc giám sát hiệu quả của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO). Theo đó, nguyên tắc nhấn mạnh hơn về tính thận trọng, công khai và kỷ luật thị trường. IOSCO khuyến nghị các cơ quan giám sát phải có trách nhiệm rõ ràng, độc lập, đủ quyền hạn và nguồn lực. Do TTCK có đặc thù là áp dụng công nghệ, kỹ thuật cao, nên IOSCO nhấn mạnh nên tổ chức tự giám sát một cách hợp lý. Để bảo vệ NĐT, tính công khai, minh bạch và khung pháp lý cần được thực hiện nghiêm túc và có kỷ luật.

 

>> Bộ trưởng Tài chính: "Tôi chưa hiểu nhiều về TTCK"

>> 6 trọng tâm trong chính sách trên TTCK quý IV