Những quyết định lạ
8 năm kể từ sau biến cố lớn về nhân sự điều hành cấp cao đi cùng là sự chuyển giao chiếc ghế Chủ tịch HĐQT, một điều được Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) duy trì thực hiện là gọi tên cho cuốn báo cáo thường niên ban hành hàng năm. “Tham vọng bứt phá” là tiêu đề được lựa chọn cho năm nay. Và một ACB muốn bứt khỏi vùng đất cũ cũng là điều có thể thấy trong các tờ trình mà nhà băng này vừa gửi các cổ đông chuẩn bị cho cuộc họp ngày 16/6.
Ở kỳ họp này, ACB trình cổ đông hai nội dung chưa từng được trình trong các năm trước đây, gồm chuyển cổ phiếu ACB từ sàn HNX sang HoSE và phương án phát hành trái phiếu quốc tế.
Theo lý giải của ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB, việc chuyển sàn một mặt là bước đi chủ động khi việc sáp nhập hai Sở giao dịch chứng khoán chỉ là vấn đề thời gian. Cùng đó, tham vọng của cổ phiếu ACB khi chuyển sàn còn nhắm đến việc lọt vào trong các rổ chỉ số của HoSE như VN30 (ước tính tỷ trọng khoảng 4%), VN Diamond (10%), VNFinselect (12%), VNFinlead (12%)...
Đối với kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế, ACB đặt mục tiêu từ năm 2020 sẽ phát hành bằng đồng USD ở kỳ hạn trung và dài hạn nhằm bổ sung vốn cấp II và nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng. Quy mô phát hành chưa được nhà băng này công bố cụ thể nhưng cũng đặt ra mức trần là 10% tổng huy động tiền gửi khách hàng. Đến cuối năm 2019, lượng tiền gửi khách hàng tại ACB là hơn 308.000 tỷ đồng. Như vậy, lượng trái phiếu quốc tế phát hành có thể lên tới tối đa hàng chục nghìn tỷ đồng.
Một vài ngân hàng trong nước cũng công bố kế hoạch huy động vốn trái phiếu nước ngoài. Chỉ duy nhất VPBank hoàn tất phát hành 300 triệu USD trái phiếu (tương đương hơn 7.000 tỷ đồng) nhưng cũng vừa quyết định mua lại số trái phiếu này. Thuận lợi hơn cho ACB ở giai đoạn này là mặt bằng thấp chung của lãi suất trên toàn cầu, nhưng tỷ giá cũng sẽ là yếu tố khó dự báo trong bối cảnh nhiều biến động này.
Quyết định lạ khác của ACB là phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Năm 2019, ACB cũng chi trả mức tương tự, nhưng duy trì một mức cổ tức “khủng” là điều không nhiều ngân hàng làm được trong bối cảnh hiện nay. Dù kết quả kinh doanh năm 2019 tăng trưởng, một số ngân hàng đã quyết định giữ lại lợi nhuận.
Thống đốc NHNN ngay tại Chỉ thị số 02/2020 cũng yêu cầu trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới. Không riêng Việt Nam, Cơ quan Quản lý An toàn (PRA) trực thuộc Ngân hàng Trung ương Anh hay Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển đã đưa ra lời khuyên hoãn chi trả cổ tức tới các tổ chức tài chính.
Trong tờ trình phân phối lợi nhuận, nguồn vốn chi trả cổ tức là 4.988 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ACB còn trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều gần 300 tỷ đồng, quỹ dự phòng tài chính 590 tỷ đồng, quỹ khen thưởng phúc lợi 100 tỷ đồng.
Cũng trong đầu năm 2020, ACB đã hoàn tất việc sử dụng quỹ khen thưởng phúc lợi để mua 6,22 triệu cổ phiếu quỹ với giá hơn 16.000 đồng/cp. Hơn 1,66 triệu cổ phiếu quỹ trong số trên đã được phân bổ tới 496 nhân sự của ACB. Đây nhiều khả năng là nguyên nhân đẩy mức thu nhập bình quân của nhân viên của ACB vọt lên hơn 47 triệu đồng/người/tháng, gần gấp đôi so với quý 1/2019 và vươn lên dẫn đầu hệ thống về chỉ tiêu này quý trước.
Động lực bứt phá từ đâu?
Phương án chi trả cổ tức năm 2019 duy trì được ở mức cao một phần nguyên nhân chính nhờ kết quả kinh doanh của ACB vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong năm vừa qua với lợi nhuận trước thuế đạt 7.516 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018 và vượt 3% kế hoạch. Trong đó, thu nhập lãi tăng 17%, thu nhập ngoài lãi tăng 9% so với năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân (ROA) và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu binh quân (ROE) lần lượt ở mức 1,69% và 24,65%, so với mức 1,67% và 27,73% của năm 2018.
Nhờ vậy, dù số lượng cổ phiếu đang lưu hành tăng thêm 30% do chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu của ACB vẫn ở mức cao 3.632 đồng, trong khi năm 2018 là 3.999 đồng. Tuy nhiên, khi vốn điều lệ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2020 với phương án tương tự, áp lực pha loãng là điều dễ thấy khi ban lãnh đạo ngân hàng cũng đang rất cẩn trọng khi đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay.
Trong bối cảnh hiện nay, HĐQT ACB nhận định có nhiều thách thức có thể đến với các ngân hàng thương mại như mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được liên tiếp điều chỉnh giám, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, nợ xấu có xu hướng dâng lên, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao.
Theo kế hoạch trình cổ đông dựa trên các dự báo, ban điều hành đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 2% lên 7.636 tỷ đồng. Đến quý I, ACB cũng vừa kịp hoàn thành vượt 25% mục tiêu. Quy mô tổng tài sản tăng 12%. Tăng trưởng tiền gửi và cho vay khách hàng lần lượt là 12% và 11,75% - cũng là giới hạn tín dụng tối đa mà NHNN đang cấp cho ACB. Sự chững lại của năm 2020 cũng đồng thời đẩy nhiệm vụ nặng hơn cho các năm sau khi kế hoạch 5 năm (2019-2024) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng bình 12-20% mỗi năm.
Lợi thế của ACB hiện nay là có một nền tảng vững với hàng loạt tỷ lệ an toàn đang vượt xa giới hạn quy định. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo đạt 10,91% và đều duy trì trên mức 10% tại các thời điểm trong năm, vượt mức tối thiểu quy định 8% quy định tại Thông tư 41. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn là 26,57% so với mức tối đa được phép là 45%. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi ở mức 77,55%, trong khi tối đa quy định là 80%. Cùng đó, tỷ lệ nợ xấu thấp (0,54% vào cuối năm 2019), ACB cũng đã sạch nợ VAMC.
“ACB trong quá trình hoạt động kinh doanh, tiếp tục cẩn trọng ở những mảng cần cẩn trọng và sẵn sàng mạnh dạn ở những mảng có thể mạnh dạn, tùy nghi theo khẩu vị rủi ro và điều kiện thị trường’, một thông điệp tổng quát cũng đã được Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy gửi tới các cổ đông. Nhưng cụ thể động lực cho kế hoạch bứt phá của ACB đến từ đâu là điều cần những người lãnh đạo của ACB chi tiết hơn trong cuộc họp cổ đông tới này.
Trong thông điệp của mình, ông Huy nêu sẽ tiếp tục phân bổ tỷ lệ lợi nhuận hợp lý để đầu tư cho công nghệ ngân hàng, phục vụ hoạt động kinh doanh 3-5 năm cũng là điều được nhắc đến. Năm 2019, ACB đã tiếp tục mạnh tay đầu tư vào các dự án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, tăng chi phí nhân sự thu hút nhân tài và tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo. Chi phí trong năm 2019 thấp hơn so với kế hoạch nhưng vẫn tăng 24%. Cũng chính vì vậy, tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập tăng từ 47,83% lên 51,61% - nằm trong nhóm cao so với mặt bằng chung các ngân hàng.
Mục tiêu của ACB còn là nâng tỷ trọng doanh thu dịch vụ trong tổng thu nhập lên 25-30%, từ mức 20% hiện tại. Tăng thị phần và hợp tác bancassurance độc quyền cũng là một trong những tâm điểm đáng chú ý về ACB trong năm 2020 mà Chứng khoán Bảo Việt từng nhắc đến trong báo cáo phân tích của mình. CTCK này nhận định ACB đang tiếp tục mở rộng cơ sở khách hàng nhằm củng cố thu nhập từ phí, tăng cường lợi thế cạnh tranh cho thương vụ hợp tác bancassurance độc quyền.
Dù ACB không báo cáo chi tiết về riêng mảng kinh doanh này nhưng hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã mang về nguồn thu đáng kể cho các ngân hàng nhiều năm gần đây. Bản thân ACB từ lâu đã là kênh phân phối trung gian của nhiều hãng bảo hiểm.
Khoản lãi nhận trước từ những thỏa thuận độc quyền với một công ty bảo hiểm có thể mang về cho các nhà băng khoản tiền đột biến không nhỏ. Tuy nhiên, bối cảnh vĩ mô đã thay đổi nhiều chỉ trong vài tháng qua cũng có thể tác động đến khả năng hoàn tất thương vụ. Ngoài ra, các khoản lãi nhờ thu hồi các khoản nợ xấu đã trích lập cũng có thể hẹp dần ở tương lai. Riêng ở nhóm các công ty liên quan đến bầu Kiên mà ACB đã phải mạnh tay trích lập dự phòng nhiều năm trước, khi được thu hồi cũng đóng góp xấp xỉ 2.100 tỷ đồng trong ba năm 2017-2019.