Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước năm 2017 của Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa được Kiểm toán Nhà nước hoàn thành. Báo cáo này cho thấy nhiều vấn đề đáng lưu ý đối với vai trò nhà đầu tư chính phủ của SCIC, nhìn rộng hơn là thực trạng đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước gần đây.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra giá trị vốn đầu tư giải ngân của SCIC còn thấp, vốn đầu tư được cất chủ yếu dưới tiền gửi ngân hàng và trái phiếu. Tại thời điểm 31/12/2017, số dư tiền gửi có kỳ hạn của SCIC là 23.284 tỷ đồng, trong đó tiền gửi là 18.704 tỷ đồng, tiền gửi Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 4.580 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra thực tế là SCIC “bí” đầu tư. Giai đoạn 2013 - 2015, theo kế hoạch hàng năm của SCIC được Hội đồng thành viên phê duyệt, giá trị dự kiến giải ngân là 17.456 tỷ đồng, song giá trị thực tế giải ngân là 9.072 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch. Luỹ kế từ năm 2013 đến hết năm 2017, giá trị vốn đầu tư giải ngân của SCIC là 9.313 tỷ đồng, chỉ thực hiện được 31% kế hoạch.
Theo SCIC, giai đoạn 2017 - 2018, Tổng công ty đã triển khai nghiên cứu 43 cơ hội đầu tư mới. Có thể kể đến một số dự án như cầu Thượng Cát, dự án Bình Châu - Quảng Ngãi, hệ thống cấp nước khu kinh tế Nhơn Hội - Bình Ðịnh, dự án nghiên cứu đầu tư máy trị xạ Proton hạt nặng với Viện K, dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, dự án cấp nước sạch cho Khu công nghiệp Ðông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp VSIP8, dự án các khu đô thị, dự án Cảng biển Mỹ Thủy, nghiên cứu lĩnh vực nước sạch, điện rác, cảng biển, khu công nghiệp, dự án khu khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Quận 2, các cơ hội đầu tư tại Quảng Ngãi, dự án đầu tư hệ thống cấp nước khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Ðịnh, dự án đầu tư nhà máy sản xuất thuốc chữa ung thư-Benovas, hợp tác đầu tư với Cotec Healthcare...
Về đầu tư tài chính, SCIC đã triển khai nghiên cứu một số cơ hội, tuy nhiên, chưa có dự án được phê duyệt và giải ngân.
Lãnh đạo SCIC chia sẻ, chiến lược đầu tư của Tổng công ty chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các quy chế, quy trình đầu tư của SCIC đang trong quá trình hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung nên việc áp dụng để tìm kiếm cơ hội đầu tư gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc xây dựng khẩu vị rủi ro, mức chấp nhận rủi ro cũng như hệ thống các tiêu chí sàng lọc đầu tư, tiêu chí thoái vốn... chưa hoàn tất.
Cũng có một số nguyên nhân khách quan như định hướng, chủ trương của đối tác thay đổi do chính sách mới của Nhà nước như tạm dừng phê duyệt các dự án mới theo mô hình BT, hay quy hoạch chung do cơ quan quản lý nhà nước ban hành. Bên cạnh đó, Luật Xây dựng, Luật Ðấu thầu, Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp được ban hành và có hiệu lực có tác động đến việc triển khai hoạt động đầu tư.
Một nguyên nhân khác khiến hoạt động đầu tư của SCIC nói riêng và khu vực doanh nghiệp nhà nước nói chung gần như “tê liệt” trong thời gian gần đây, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long là Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước yêu cầu rất rõ về bảo toàn vốn nhà nước. Cụ thể là yêu cầu xem xét, đánh giá hiệu quả đối với từng hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư cụ thể, thay vì đánh giá cả danh mục theo nguyên tắc thị trường. Ðiều này dẫn đến rủi ro trong việc ra quyết định đầu tư, không thúc đẩy hoạt động đầu tư.
SCIC hoạt động theo phương thức của các tổ chức đầu tư tài chính trên thị trường, có thể nói nôm na là tương đối giống các quỹ đầu tư. Rất khó có thể thống kê một nhà đầu tư tài chính, hoặc một quỹ đầu tư nào đều đạt được tăng trưởng dương cho từng khoản đầu tư trong cả danh mục mà mình quản lý.
Cũng cần lưu ý thêm là thị trường tài chính toàn cầu trong vài năm nay khá bấp bênh do ảnh hưởng bởi hàng loạt yếu tố bất định. Ðơn cử, 11 tháng đầu năm 2018, thống kê từ các quỹ đầu tư hàng đầu Việt Nam như VinaCapital, Dragon Capital, Vietnam Holding, Pyn Elite Fund, Tundra Vietnam Fund… cho thấy, giá trị tài sản ròng (NAV) thấp hơn thời điểm cuối năm 2017, thậm chí giảm hơn 10%.
Những quỹ chiến thắng thị trường đều tập trung vào tiền gửi ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp. Dễ hiểu vì sao SCIC duy trì tỷ trọng lớn vào các khoản tiền gửi ngân hàng và trái phiếu.
SCIC cũng nhọc nhằn đi đòi nợ
Trong năm 2018, SCIC phải tổ chức 6 tổ công tác đối chiếu, thu hồi công nợ. Bằng nhiều giải pháp đôn đốc, SCIC đã thu được 4.208 tỷ đồng cổ tức, số công nợ còn lại chủ yếu là công nợ khó đòi đã trích lập dự phòng từ các năm 2010 trở về trước của các doanh nghiệp đã thoái vốn.