Phát biêu của ông Trump đã không chỉ ra kế hoạch chi tiết như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, khiến họ thất vọng và bán ra trong phiên thứ Ba, đẩy chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm. Trong đó, chỉ số Dow Jones đã không thể duy trì chuỗi phiên liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử của mình. Chuỗi lịch sử này đã phải dừng lại ở con số 12, bằng với lịch sử mà chỉ số này thiết lập cách đây 30 năm.
Ngoài thất vọng với bài phát biểu của ông Trump, phố Wall còn chịu tác động tiêu cực của cổ phiếu Target khi nhà bán lẻ này công bố lợi nhuận thấp hơn dự báo, khiến giá cổ phiếu giảm tới 12,2%, mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ năm 2008.
Kết thúc phiên 28/2, chỉ số Dow Jones giảm 25,2 điểm (-0,12%), xuống 20.812,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,11 điểm (-0,26%), xuống 2.363,64 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 36,46 điểm (-0,62%), xuống 5.825,44 điểm.
Một số phiên điều chỉnh nhẹ trong tháng, trong đó có phiên cuối tháng không ảnh hưởng nhiều đến đà tăng mạnh của phố Wall trong tháng 2. Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục duy trì tháng tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng của Dow Jones và S&P mạnh hơn rất nhiều trong tháng đầu năm, trong khi chỉ số Nasdaq dù tăng nhẹ hơn tháng trước, nhưng mức tăng vẫn rất mạnh. Cụ thể, trong tháng 2, Dow Jones tăng 4,77%, S&P 500 tăng 3,72% và Nasdaq tăng 3,75%. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Dow Jones tưang 5,29%, S&P tăng 5,51% và chỉ số Nasdaq tăng tới 8,06%.
Trái ngược với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu lại đồng loạt tăng điểm trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư kỳ vọng bài phát biểu của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đề cập chi tiết đến việc giảm thuế và kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng.
Kết thúc phiên 28/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 10,44 điểm (+0,14%), lên 7.263,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 11,74 điểm (+0,10%), lên 11.834,41 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,40 điểm (+0,28%), lên 4.858,58 điểm.
Cũng như chứng khoán Mỹ, phản ứng tích cực với việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng phục hồi trở lại sau khi giảm nhẹ trong tháng mở đầu năm 2017. Tuy nhiên, đà tăng trong tháng 2 không mạnh như chứng khoán Mỹ do chứng khoán châu Âu còn có những lo ngại nội tại trong khối như cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp chưa qua, bất ổn chính trị trong mùa bầu cử … Cụ thể, trong tháng 2, chỉ số FTSE 100 tăng 2,31%, chỉ số DAX tăng 2,59% và chỉ số CAC 40 tăng 2,31%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, mở cửa phiên giao dịch thứ Ba, chứng khoán Nhật Bản hồi phục khá tốt khi chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, đà tăng sau đó bị hãm lại khi nhà đầu tư thận trọng chờ bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump để biết cụ thể về chính sách chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mà ông cam kết khi tranh cử.
Chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp sau chuỗi tăng kéo dài gần cả tháng qua. Ngoài ra, cũng giống chứng khoán Nhật Bản, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng thận trọng chờ đợi bài phát biểu của ông Trump.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại phục hồi khá tốt trở lại trong phiên thứ Ba khi chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của nước này được dự báo sẽ có tháng tăng trưởng thứ 7 liên tiếp trong tháng 2. Tuy nhiên, đà tăng cũng bị hãm bớt phần nào khi giới đầu tư lo lắng về chính sách tiền tệ thắt chặt, cũng như quy định mới để quản lý thị trường.
Kết thúc phiên 28/2, chỉ số Nikkei 225 tăng 11,52 điểm (+0,06%), lên 19.118,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 184,32 điểm (-0,77%), xuống 23.740,73 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,00 điểm (+0,43%), lên 3.242,66 điểm.
Dù có những phiên điều chỉnh khá mạnh cuối tháng, nhưng với đà tăng tốt kéo dài trong phần lớn thời gian của tháng 2, chứng khoán châu Á tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong tháng 2 năm 2017, giống như chứng khoán Âu, Mỹ. Điều này trái ngược hoàn toàn với đà lao dốc mạnh đầu năm ngoái. Cụ thể, trong tháng 2/2017, chỉ số Nikkei 225 phục hồi 0,41% sau khi giảm 0,38% trong tháng 1, chỉ số Hang Seng tiếp tục tăng 1,63% sau khi có mức tăng ấn tượng 6,18% trong tháng đầu năm và chỉ số Shanghai Composite cũng duy trì đà tăng 2,64% sau khi tăng 1,8% trong tháng 1.
Giá vàng tiếp tục chịu áp lực bán ra trong phiên thứ Ba, tiếp nối đà bán từ giữa phiên thứ Hai sau khi giá kim loại quý này lên mức cao nhất 3 tháng rưỡi.
Ngoài ra, bài phát biểu của ông Trump dù đem lại thất vọng ít nhiều cho các nhà đầu tư chứng khoán, nhưng cũng là những tín hiệu tích cực trong dài hạn với kinh tế Mỹ, nên vai trò trú ẩn của vàng cũng giảm bớt.
Kết thúc phiên 28/2, giá vàng giao ngay giảm 4,3 USD (-0,34%), xuống 1.247,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 4,9 USD (-0,39%), xuống 1.253,9 USD/ounce.
Dù điều chỉnh trong 2 phiên cuối tháng, nhưng với những phiên tăng mạnh trước đó và lên mức cao nhất 3 tháng rưới, giá vàng tiếp tục có tháng tăng mạnh thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tháng 2, giá vàng giao ngay tăng 3,26% và giá vàng tương lai tăng 3,69%. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, giá vàng giao ngay tăng 8,26% và giá vàng tương lai cũng tăng 8,69%.
Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Ba do sản lượng dầu thô của Mỹ không ngừng gia tăng, làm lu mờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và một số nhà sản xuất lớn khác như Nga. Theo dự báo, kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 3,1 triệu thùng, tuần tăng thứ 7 liên tiếp. Trong khi đó, theo dữ liệu vừa công bố của Viện Dầu khí Mỹ (API), kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 24/2 tăng thêm 2,5 triệu thùng. Cũng theo API, kho dự trữ xăng cũng bất ngờ tăng, trong khi kho dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm hơn dự kiến.
Con số chính thức cụ thể sẽ được Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào thứ Tư.
Dù giảm giá, nhưng đà giảm của giá dầu cũng không mạnh, chủ yếu lình xình như phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 28/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,04 USD/thùng (-0,07%), xuống 54,01 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 0,34 USD (-0,61%), xuống 55,59 USD/thùng.
Trong tháng 2, nhờ thông tin OPEC thực hiện cắt giảm sản lượng như cam kết, giá dầu thô dã phục hồi nhẹ trở lại sau khi giảm trong tháng đầu tiên của năm. Cụ thể, trong tháng 2, giá dầu thô Mỹ tăng 2,29% và giá dầu thô Brent tăng 0,27%. Trong tháng 1, giá dầu thô Mỹ giảm 1,71% và giá dầu thô Brent giảm 1,23%.