Thất vọng với dữ liệu kinh tế, giới đầu tư thoát hàng

Thất vọng với dữ liệu kinh tế, giới đầu tư thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên ngày thứ Tư (4/8) sau khi nhận được báo cáo việc làm đáng thất vọng.

Đầu ngày thứ Tư, ADP công bố báo cáo việc làm cho thấy khu vực tư nhân tại Mỹ tạo ra thêm 330,000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với con số ước tính 653.000 được đưa ra trước đó. Báo cáo việc làm chính thức của Bộ Lao động Mỹ vốn có ảnh hưởng lớn tới tâm lý nhà đầu tư sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu (06/8).

Mặt khác, Viện quản lý cung ứng (ISM) hôm thứ Tư cũng công bố chỉ số PMI lĩnh vực du lịch tại Mỹ. Theo đó, PMI du lịch của Mỹ trong tháng 7 tăng lên mức 61,4 điểm, cao hơn tháng trước 1,3 điểm và vượt kỳ vọng ban đầu là 60,4 điểm. Dữ liệu tích cực của lĩnh vực du lịch đã hạn chế bớt đà bán tháo trên thị trường, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu công nghệ.

Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Richard Clarida hôm thứ Tư cho biết, ông hoàn toàn có thể thấy được viễn cảnh Fed thắt chặt chính sách trong năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương sẽ không công bố bất ngờ về kế hoạch thắt chặt.

Ngoài ra, vị quan chức lưu ý, thắt chặt thu mua tài sản và tăng lãi suất là hai quyết định khác nhau, Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2023.

Đáng chú ý, cổ phiếu General Motors lao dốc 8,9% gây áp lực lên thị trường chung sau khi hãng sản xuất ô tô này báo cáo lợi nhuận quý II không đạt như kỳ vọng. Mặc dù vậy, hãng đã nâng dự báo về lợi nhuận trong thời gian còn lại của năm.

Kết thúc phiên 4/8, chỉ số Dow Jones giảm 323,73 điểm (-0,92%), xuống 34.792,67 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,49 điểm (-0,46%), xuống 4.402,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 19,24 điểm (+0,13%), lên 14.780,53 điểm.

Chứng khoán châu Âu phủ sắc xanh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư với đà tăng được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu cổ phiếu công nghệ, bên cạnh mùa thu nhập quý II mạnh mẽ tiếp tục trở thành động lực chính trên thị trường.

Theo Refinitiv, các nhà phân tích hiện kỳ ​​vọng trong quý II năm nay, các công ty thuộc STOXX 600 sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục 139,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc phiên 4/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 18,14 điểm (+0,26%), lên 7.123,86 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 137,05 điểm (+0,88%), lên 15.692,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 22,2 điểm (+0,33%), lên 6.746,23 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khi lo lắng gia tăng về sự lây lan nhanh chóng của biến thể delta gây ra Covid-19 trong nước.

Chứng khoán Trung Quốc hồi phục khi một cuộc khảo sát độc lập cho thấy ngành dịch vụ tăng tốc nhanh, tuy nhiên lo lắng về dịch bệnh gia tăng vẫn đè nặng tâm lý thị trường.

Chứng khoán Hồng Kông cũng đã có sự hồi phục sau liên tiếp những phiên giảm do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất gần ba tuần, được thúc đẩy bởi dòng vốn ngoại mạnh mẽ vào các cổ phiếu lớn ngành chip.

Kết thúc phiên 4/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 57,75 điểm (-0,21%), xuống 27.584,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 29,23 điểm (+0,85%), lên 3.477,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 231,73 điểm (+0,88%), lên 26.426,55 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 43,24 điểm (+1,34%), lên 3.280,38 điểm.

Giá vàng tiếp tục khởi sắc nhẹ trong phiên đêm qua khi tận dụng sự suy yếu của đồng USD sau khi dữ liệu việc làm của ADP được công bố.

Kết thúc phiên 4/8, giá vàng giao ngay tăng 1,10 USD (+0,06%), lên 1.811,60 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 0,50 USD (+0,03%), lên 1.812,20 USD/ounce.

Giá dầu giảm ngày thứ ba liên tiếp xuống mức thấp nhất hai tuần trước sự gia tăng bất ngờ trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ, báo cáo kinh tế Mỹ tiêu cực và lo ngại sự lây lan của biến thể cdelta sẽ đè nặng lên nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Tư cho biết, dự trữ dầu thô tại Mỹ bất ngờ tăng 3,6 triệu thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng giảm 5,3 triệu thùng, lớn hơn mức dự báo.

Kết thúc phiên 4/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 2,41 USD (-3,4%), xuống 68,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,03 USD (-2,8%), xuống 70,38 USD/thùng.

Tin bài liên quan