Thất vọng với dữ liệu kinh tế, giới đầu tư đồng loạt thoát hàng

Thất vọng với dữ liệu kinh tế, giới đầu tư đồng loạt thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên gia dịch ngày thứ Tư (25/11) trước dữ liệu kinh tế đáng thất vọng.

Thị trường chứng khoán Mỹ đang lặp lại kịch bản đã diễn ra liên tiếp trong hai tuần trước, khởi đầu tuần với những phiên hào hứng được thúc đẩy bởi những tin tức vắc-xin đầy hứa hẹn, nhưng đến giữa tuần, tình hình đại dịch mất kiểm soát, thiếu nguồn tiền hỗ trợ từ chính phủ được thể hiện qua những con số lại kéo các nhà đầu về với thực tại.

Thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ báo cáo, số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp tại nước này tiếp tục tăng trong tuần trước, dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm nhân viên ở quy mô lớn do các biện pháp hạn chế xã hội mới được ban hành.

Cụ thể, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần lễ kết thúc vào ngày 21/11 là 778.000 người, tăng 30.000 người so với tuần trước đó. Đây là tuần thứ hai liên tiếp số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng lên kể từ tháng 7 vừa qua và tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng.

Trong khi đó, thu nhập cá nhân của người Mỹ đã giảm 0,7% trong tháng 10, sau mức tăng 0,7% trong tháng 9 (điều chỉnh từ 0,9%), theo báo cáo của Cục phân tích kinh tế Mỹ (BEA). Con số này kém hơn kỳ vọng của thị trường là không thay đổi.

Cũng trong ngày 25/11, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã công bố biên bản cuộc họp của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) hồi đầu tháng 11. Bản tóm tắt cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang thảo luận thêm về các biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế, đồng thời tập trung hơn vào việc hỗ trợ việc làm và mục tiêu lạm phát thay vì mua tài sản như trước đó.

Những dữ liệu kinh tế không tốt cho thấy ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh đến nền kinh tế. Tuy nhiên, những phát triển về vắc-xin cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã dần ổn định đã thúc đẩy các chỉ số Phố Wall trong tuần qua và giới phân tích nhận định, chứng khoán Mỹ có nhiều dư địa để tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

Kết thúc phiên 25/11, chỉ số Dow Jones giảm 173,77 điểm (-0,58%), xuống 29.872,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,76 điểm (-0,16%), xuống 3.567,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 57,08 điểm, (+0,47%), lên 12.094,40 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng quay đầu giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Tư sau khi những tin tức tích cực từ vắc-xin Covid-19 nguội đi, chấm dứt chuỗi 4 phiên liên tiếp tăng điểm.

Hôm qua, Đức và Vương quốc Anh đã công bố kế hoạch cho phép các cuộc tụ tập có giới hạn vào dịp Giáng sinh, trong khi Pháp sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh cấm vào cuối tuần này sau khi giảm mạnh các ca nhiễm và nhập viện mới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Ba (24/11) cho biết, vắc-xin có thể bắt đầu được đưa vào sử dụng tại Pháp sớm nhất là vào cuối năm nay nếu được các cơ quan quản lý chấp thuận.

Kết thúc phiên 25/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 41,08 điểm (-0,64%) xuống 6.391,09 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 2,64 điểm (-0,02%) xuống 13.289,80 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 12,87 điểm (+0,23%), lên 5.571,29 điểm.

Chứng khoán châu Á có phiên giao dịch ngày thứ Tư biến động trái chiều. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng một phần nhờ những tín hiệu tích cực từ Phố Wall đêm trước với chỉ số Dow Jones đạt mức cao kỷ lục.

Chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong gần một tháng do ảnh hưởng từ đà lao dốc của nhóm cổ phiếu xe điện, sau có tin về cuộc điều tra của chính phủ đối với lĩnh vực này.

Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ, theo dõi sự phục hồi của thị trường chứng khoán trên toàn thế giới, nhưng nhóm cổ phiếu công nghệ bị chốt lời đã hạn chế đà đi lên của thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do giới đầu tư chốt lời sau khi thị trường đã tăng 5 phiên liên tiếp và lên mức cao kỷ lục của chỉ số KOSPI.

Kết thúc phiên 25/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 131,27 điểm (+0,50%), lên 26.296,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 40,50 điểm (-1,19%), xuống 3.362,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 81,55 điểm (+0,31%), lên 26.669,75 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 16,22 điểm (-0,62%), xuống 2.601,54 điểm.

Vàng có phiên đi ngang sau khi những dữ liệu thất nghiệp kìm hãm đà leo dốc trên Phố Wall. Đà suy yếu của chỉ số đồng USD cũng hỗ trợ phần nào giá vàng, tuy nhiên kim loại quý này đã không thể bứt phá trong phiên gia dịch đêm qua.

Kết thúc phiên 25/11, giá vàng giao ngay giảm 0,90 USD (-0,05%), xuống 1.808,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,90 USD (-0,0%), xuống 1.805,50 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch giữa tuần, trước những thông tin bất ngờ cho thấy tồn kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm.

Cụ thể, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 754.000 thùng trong tuần trước, trong khi trước đó thị trường dự báo con số này sẽ tăng 127.000 thùng. Tồn kho tại Cushing, Oklahoma, trung tâm phân phối dầu thô WTI, giảm 1,7 triệu thùng, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Kết thúc phiên 25/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,80 USD (+1,8%), lên 45,71 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,75 USD (+1,6%), lên 48,61 USD/thùng.

Tin bài liên quan