Thất Sơn nhiệm màu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vùng đất khẩn hoang Nam Bộ có 7 ngọn núi đột khởi nhô lên khỏi đồng bằng châu thổ rải rác ở Châu Đốc, Tri Tôn, Tịnh Biên của tỉnh An Giang.

Thế cũng được coi là một vùng địa linh mà “quái kiệt” trên đất chín rồng. Chuyện huyền thoại về bùa chú, linh phù của các đạo sĩ núi Thất Sơn có thật không? Câu hỏi đó còn hoài mà đến giờ chưa ai dám trả lời không.

Ráng hồng nhuộm dải Thất Sơn

Miếu Bà chúa xứ Núi Sam, Châu Đốc

Miếu Bà chúa xứ Núi Sam, Châu Đốc

Vậy thì tại sao không thăm thú một vòng vùng đất hội tụ cả núi lớn, sông rộng, miệt vườn trù phú, đời sống văn hóa tâm linh đầy màu sắc An Giang? Giáp Campuchia về phía sông Hậu và sông Tiền chảy vào đất Việt, nơi này đón lũ lành sớm nhất về đồng bằng. Đúng vào dịp tháng Giêng đến tháng Tư hàng năm, lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam thực là đông như trảy hội. Cả một vùng Thất Sơn - Bảy Núi ôm trọn những cánh đồng lúa màu mỡ thẳng cánh cò bay ở Tri Tôn, Châu Phú.

Tri Tôn mùa lúa chín, thơm cả mùi hương thốt nốt, hương tràm hòa quyện. Châu Đốc nổi tiếng với hương vị các loại mắm thơm ngon và đặc trưng. Mỗi mùa lũ tràn qua, các loại cá ngon nhất được dành lại làm mắm. Mắm cá Châu Đốc qua tay những bà má giàu kinh nghiệm nhiều đời ướp cá lọc mắm, lên nước đỏ au thơm lừng nức danh cả vùng Đông Nam Á.

Vùng Bảy Núi được định danh gồm 7 ngọn: Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn) và Núi Nước (Thủy Đài Sơn).

Vùng Thất Sơn - Bảy Núi thật ra không chỉ có 7 ngọn núi, mà là một vùng nhô cao 37 ngọn núi giữa mênh mông đồng bằng phẳng lặng phù sa sông Cửu Long. Trong số 37 núi có 7 ngọn được coi là “bửu sơn” - non thiêng của trời đất. Mặc dù huyền tích Thất Sơn còn chơi vơi giữa thực và ảo, vùng đất này vẫn chiếm vị trí quan trọng trong tâm thức người dân Nam Bộ.

Tôi dạo chơi đủ một vòng qua 7 ngọn núi bằng xe gắn máy, phương tiện thuận tiện nhất để đi vòng vèo các con đường mòn lên núi, ghé những ngôi chùa Khmer đẹp cổ kính từ kiến trúc tới cảnh quan rải rác quanh các khu dân cư san sát. Chỉ có thể làm dịu cái nắng mùa khô thiêu đốt bằng nước trái thốt nốt bỏ đá tràn ly. Vùng biên thùy cuối trời Tây Nam khoáng đạt trên những con lộ thẳng thớm, các kênh dẫn nước nghiêng nghiêng trong hoàng hôn. Con đường này không hổ danh là niềm ao ước của người thích du lịch bụi, ưa thiên nhiên hoang dã và ưa thích những câu chuyện huyền bí quanh vùng Thất Sơn - Bảy Núi.

Ban đầu từ Châu Đốc đi Núi Sam, thong dong qua Quốc lộ 91 cặp biên giới với Campuchia, qua những địa danh nổi tiếng Tịnh Biên, Nhà Bàng, Tri Tôn... tới khi đứng trên núi Tà Pạ nhìn xuống cánh đồng Tri Tôn buổi hoàng hôn phủ một màu hồng rực trong tầm mắt. Phải chăng màu sắc huyền bí của Thất Sơn được dệt lên từ chính màn sương ngũ sắc bảng lảng của chiều Tri Tôn. Núi rất hiền và đất đầy vẻ thân lành. Vài năm gần đây, giới trẻ lây nhiễm trào lưu du lịch bụi và cắm trại. Chúng leo thốc lên các ngọn núi, ngủ trên đó, chẳng sợ trăn gió quăng trong đêm hay là thú dữ, ma trơi như chuyện kể nữa.

Thất Sơn: Núi thấp, mây gần

Lăng Thoại Ngọc Hầu, một công thần mở cõi phương Nam ở Châu Đốc

Lăng Thoại Ngọc Hầu, một công thần mở cõi phương Nam ở Châu Đốc

Trong số 37 ngọn núi thuộc dãy Thất Sơn, ngọn cao nhất là đỉnh Thiên Cấm Sơn, cao 710 m so với mực nước biển. Dãy núi này phân bố hình cánh cung kéo dài gần 100 km từ xã Phú Hữu, huyện An Phú qua xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc. Dãy núi tiếp diễn và bao trùm lên gần hết hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên của An Giang, kéo xuống xã Vọng Thê, Vọng Đông rồi kết thúc ở thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn, An Giang. Có rất nhiều người giờ đây vẫn một mực tin rằng, quyền năng của bùa ngải mà các đạo sĩ Thất Sơn chế ra có thể xoay chuyển càn khôn, đỡ đần hoặc là tuyệt hạ những phận người. Hay là Thất Sơn vẫn còn mãnh xà, hổ dữ, còn trăn gió quăng mình qua mấy quả đồi, còn cây cổ thụ ẩn náu oan hồn... Vùng Bảy Núi xưa nay chứa nhiều câu chuyện kỳ lạ, đồn thổi và linh thiêng, có thể vì thế mà vùng đất này càng trở nên hấp dẫn để phát triển du lịch văn hóa tâm linh càng dễ dàng không?

Mái chùa Khmer trên núi Tà Pạ

Mái chùa Khmer trên núi Tà Pạ

Dân gian có câu: “Tu Phật núi Yên, tu tiên Bảy Núi” là để nói một thời Thất Sơn là nơi tu luyện của nhiều tu sĩ đạo giáo. Họ dựa vào nơi có cánh đồng lớn, có lương thực dồi dào và địa thế hiểm trở, hoang vu của các ngọn núi để ẩn trú. Ngụy trang thêm cho dễ bề ẩn náu, họ phóng tác các câu chuyện ly kỳ về vùng đất này, tạo ra các huyền tích linh diệu để người ta càng ít lui tới, càng hoang vắng càng tốt.

Tìm núi dưới bước chân

Dưới chân núi Sam

Dưới chân núi Sam

Người ở núi Cô Tô - một ngọn núi nằm, dáng rất đẹp ở Tri Tôn thường nói, muốn tìm được núi, phải tìm dưới bước chân. Ý nói muốn thấy núi phải leo lên núi. Nếu chỉ đứng xa mà nhìn, núi muôn đời sừng sững từ kiếp này sang kiếp sau.

Trước đây, người dân thường không mấy ai lên núi hoặc bén mảng tới các hang đá, điện thờ, am tháp, các vồ (chỏm núi nhô ra có đặt am thờ) nên núi càng huyền bí và càng là mảnh đất màu mỡ để thêu dệt bao nhiêu câu chuyện hoang đường. Chuyện về voi lớn, hổ dữ, bùa ngải, ma dẫn lối quỷ đưa đường... đều được truyền kể rất nhiều, nhưng thực tế chưa ai nhìn thấy.

Đồng bằng Tịnh Biên, nhìn từ núi Sam

Đồng bằng Tịnh Biên, nhìn từ núi Sam

Thuyết về 7 ngọn núi thiêng cũng là do các đạo sĩ khai mở. Họ lấy con số 7 ứng vào thuyết phong thủy để chọn ra 7 ngọn núi linh. Kỳ thực, tổng số 37 ngọn núi, dù có ngọn chỉ cao chưa đầy 50 m cũng chỉ là đặc điểm địa lý bình thường hình thành do trồi sụt địa chất và quá trình biển tiến, biển lùi tạo nên. Sau đó, danh sơn Bảy Núi còn là cái tên gắn bó với phong trào Cần Vương của Nam Bộ với tên tuổi của các sĩ phu yêu nước như Thủ Khoa Huân, Phan Xích Long... đều lấy nơi đây làm căn cứ địa, tạo dựng phong trào. Trên Ngọa Long Sơn hiện vẫn còn di tích về căn cứ Ô Tà Sóc - một nơi hiểm yếu thích hợp để dựng căn cứ quân sự thời chiến tranh.

Núi Két – Anh Vũ Sơn

Núi Két – Anh Vũ Sơn

Vào mùa nước nổi, cả vùng tả ngạn sông Hậu chìm trong biển nước mênh mông, dãy núi Thất Sơn càng trở nên uy nghi, hùng vĩ. Vào thời khẩn hoang, trên núi hoang vu, lam sơn chướng khí, con người đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt càng phải ủy thác tinh thần vào sức mạnh siêu nhiên. Họ tin vào thần linh, tin vào các hiện tượng lạ được thần huyền tạo ra điều khiển vũ trụ, tin vào các thế lực ngoài sức mạnh con người.

Cánh đồng Tri Tôn

Cánh đồng Tri Tôn

Vì vậy, dãy núi Thất Sơn càng được thêu dệt nhiều câu chuyện đẫm màu mê tín dị đoan. Chưa kể, nhiều nhân vật lợi dụng vào sự mê tín đó để hù dọa thêm vào nỗi sợ hãi của dân thường. Trước đây, một số đạo sĩ ẩn mình trên núi thường qua núi Tà Lơn của Campuchia để học đạo rồi mới về lại Bảy Núi để tu luyện. Thời thế thăng trầm khiến họ trở thành chỗ dựa tinh thần của các cụm dân cư nhỏ yếu trong vùng.

Núi Cô Tô yêu kiều bên cánh đồng Tri Tôn

Núi Cô Tô yêu kiều bên cánh đồng Tri Tôn

Có một lý do nữa là vùng núi hoang vu Thất Sơn có nhiều loại thực vật kỳ hoa dị thảo và có nhiều loại dược liệu có tác dụng làm thuốc chữa bệnh. Để nắm được các bài thuốc như giải cảm, chữa rắn độc cắn..., các đạo sĩ phải theo học thầy và họ đã chữa bệnh cho dân bằng các bài thuốc này khiến dân chúng càng tôn sùng. Trong lịch sử, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã từng tồn tại Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và một số tôn giáo khác đều hành đạo cứu chúng sinh. Và đi cùng lịch sử, Thất Sơn dường như ngày càng được bồi đắp thêm nhiều huyền tích, tạo cho vùng núi này một nét hấp dẫn riêng.

Tin bài liên quan