Họp báo về Hội nghị Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Minh Trang)

Họp báo về Hội nghị Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Minh Trang)

Tháo gỡ nút thắt, định hình chiến lược phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau khi được phê duyệt là cơ sở quan trọng để điều phối, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 26/11 tới đây, tại Cần Thơ sẽ diễn ra Hội nghị Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ chủ trì Hội nghị, với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND và đại diện các sở, ban ngành của các các tỉnh, TP trong vùng ĐBSCL.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tại cuộc họp báo chiều 23/11. Theo ông Trần Quốc Phương, Hội nghị sẽ giới thiệu về nội dung chính của dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL và thảo luận về các vấn đề lớn, có tính chiến lược định hình sự phát triển của vùng ĐBSCL cho giai đoạn phát triển dài hạn với tầm nhìn đến năm 2050.

"Là vùng đồng bằng trù phú nhưng chưa bao giờ Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Gần đây, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đã gây sức ép lên hệ thống hạ tầng, các đô thị và không gian sống của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, làm tăng nguy cơ thảm họa thiên nhiên tại khu vực này", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Nhận rõ thách thức trên, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như: huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; hoàn thiện thể chế, ban hành chiến lược, kế hoạch hành động; tăng cường các nguồn lực đầu tư; lồng ghép các yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên nước…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì họp báo chiều 23/11 (Ảnh: Minh Trang)

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì họp báo chiều 23/11 (Ảnh: Minh Trang)

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Chính vì vậy, quá trình tham vấn ý kiến, đặc biệt là ý kiến của các địa phương trong vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết và có ý nghĩa để bản quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, thực sự giúp tháo gỡ những vấn đề nút thắt phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình lập và triển thực hiện quy hoạch.

Hiện nay, 13/13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã có nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Vì vậy, việc lấy ý kiến về Quy hoạch vùng cũng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch trong bối cảnh các quy hoạch đang được triển khai lập đồng thời.

Qua quá trình tham vấn ý kiến Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, đa số ý kiến thống nhất với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng về nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng và lợi thế của các ngành kinh tế biển; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chống chịu thiên tai và thích ứng với BĐKH; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước theo phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc lập Quy hoạch vùng ĐBSCL theo cách tiếp cận tích hợp là một vấn đề mới, đòi hỏi việc huy động trí tuệ tập thể của Bộ, ngành trung ương, các địa phương trong vùng ĐBSCL, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước, quốc tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động để đảm bảo xây dựng được bản quy hoạch có chất lượng tốt, hiệu quả, khả thi, làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các quy hoạch, kế hoạch có liên quan đảm bảo tính liên kết, thống nhất, đồng bộ.

Bên cạnh đó, Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt là cơ sở quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đâu tư, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phân bổ nguồn lực và điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tin bài liên quan