Bà Phan Thị Thu Hiền

Bà Phan Thị Thu Hiền

Thành viên đấu thầu trái phiếu, loại bớt nếu không đạt chuẩn

(ĐTCK) Theo Bộ Tài chính, các thành viên đấu thầu trái phiếu chính phủ phản ánh do bất cập của một số quy định, nên quyền lợi chưa tương xứng với nghĩa vụ là chưa thuyết phục…

ĐTCK trao đổi với bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính.

Theo các thành viên Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), với tư cách là thành viên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP), họ đang phải chịu nhiều nghĩa vụ nặng nề, trong khi quyền lợi chưa tương xứng. Phản ánh này có cơ sở không, thưa bà?

Về nguyên tắc, khi thông qua bất cứ một luật chơi nào, sẽ là không tưởng khi đòi hỏi đáp ứng được 100% nguyện vọng của các bên liên quan. Việc một số thành viên trong tổng số 36 thành viên đấu thầu TPCP phản ánh gặp những khó khăn trong quá trình tham gia thị trường là điều không khó hiểu, nhất là có tới 14 CTCK có năng lực tài chính, quản trị rủi ro và trình độ phát triển không đồng đều, lại có sự chênh lệch khá lớn về nhiều mặt so với những thành viên còn lại là các NHTM. Hơn nữa, đây là năm đầu tiên Bộ Tài chính công bố danh sách 36 thành viên đấu thầu TPCP, nên quá trình triển khai ban đầu khó tránh khỏi những khó khăn.

Tuy nhiên, về tổng thể, với quy định tại Thông tư 17/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn phát hành TPCP tại thị trường trong nước, quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên đấu thầu TPCP khá cân bằng trong điều kiện thị trường hiện nay. Chẳng hạn, năm 2013, Bộ Tài chính quy định, mỗi thành viên đấu thầu trái phiếu là các NHTM phải tham gia mua tối thiểu 2.500 tỷ đồng/năm; các CTCK là 1.500 tỷ đồng/năm. Nếu so với kế hoạch huy động vốn của NSNN trong cả năm, thì nghĩa vụ mua tối thiểu chiếm tỷ trọng nhỏ. Khi xác định nghĩa vụ tham gia của từng thành viên đấu thầu, Bộ Tài chính đã tính toán rất kỹ về năng lực tài chính cũng như khả năng tham gia thị trường của từng nhóm thành viên, chứ không chỉ hoàn toàn dựa vào kế hoạch huy động vốn của NSNN. Ngược lại, các thành viên đấu thầu có quyền lợi là được trực tiếp tham gia các phiên đấu thầu TPCP và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Những thành viên đấu thầu tham gia tích cực, có trách nhiệm thì hoàn toàn có thể đạt được những điều kiện quy định tại Thông tư 17.

 

Có thể coi là công bằng không khi quy định buộc các thành viên phải chào mua, chào bán TPCP hàng ngày với cam kết chắc chắn, trong khi không có cơ chế cho phép bán khống trái phiếu nếu thành viên không có đúng loại trái phiếu theo quy định mà vẫn phải chào giá?

Theo Thông tư 17, thành viên đấu thầu TPCP có nghĩa vụ chào mua, chào bán TPCP mang tính chất tham chiếu và nội dung này đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) hướng dẫn cụ thể. Theo đó, thành viên đấu thầu TPCP thực hiện yết giá chào mua/chào bán tham chiếu đối với các trái phiếu đủ tiêu chuẩn để hình thành đường cong lãi suất TPCP.

Tuy nhiên, các tổ chức là thành viên đấu thầu TPCP cũng đồng thời là thành viên giao dịch thứ cấp trên sàn giao dịch trái phiếu chuyên biệt, nên theo quy định tại Thông tư 234/2012, các thành viên này có nghĩa vụ chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn; khối lượng cam kết do UBCK quy định trong từng thời kỳ và hiện tại là tối thiểu 30 tỷ đồng/ngày. Trong quá trình xây dựng các quy định áp dụng đối với thành viên đấu thầu TPCP nói chung, mức 30 tỷ đồng này nói riêng, Bộ Tài chính, UBCK đã lấy ý kiến các thành viên thị trường và thực tế đã giảm từ mức 50 tỷ đồng trước đây. Do đó, cần có thêm thời gian để đánh giá việc thực hiện, trước khi xét thấy cần thiết phải điều chỉnh chính sách.

 

Bộ Tài chính sẵn sàng loại bớt các thành viên đấu thầu TPCP, nếu không đáp ứng được luật chơi, thưa bà?

Mục đích của Thông tư 17 là xây dựng hệ thống thành viên đấu thầu tham gia tích cực trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, để dần tiến tới tạo dựng hệ thống các nhà tạo lập thị trường theo thông lệ quốc tế. Những thành viên đấu thầu có quyền lợi, nhưng đồng thời phải tuân thủ các điều kiện đặt ra, tránh tình trạng đăng ký tham gia trở thành thành viên, nhưng có khi chỉ tham gia 1 - 2 phiên đấu thầu, thậm chí cả năm không tham gia phiên nào như thời gian trước đây. Do đó, Bộ Tài chính không có chủ trương hạ chuẩn thành viên đấu thầu TPCP để mở rộng số lượng thành viên.

So với các thị trường có trình độ phát triển tương đương như Việt Nam , 36 thành viên đấu thầu TPCP không phải là ít. Với định hướng là tìm kiếm các thành viên thực sự tích cực tham gia thị trường, căn cứ Thông tư 17 cũng như các văn bản pháp lý liên quan, không chỉ trong năm nay, mà định kỳ hàng năm kể từ 2013, Bộ Tài chính sẽ đánh giá hoạt động của thành viên đấu thầu TPCP, để làm căn cứ xem xét, quyết định duy trì tư cách thành viên đấu thầu trong năm tiếp theo. Với những thành viên không đáp ứng tiêu chuẩn là thành viên đấu thầu TPCP, tùy mức độ mà sẽ không được xem xét chấp thuận làm thành viên đấu thầu trong 2 năm liền kề tiếp theo. Việc đánh giá thành viên đấu thầu TPCP hàng năm cũng nhằm xác định các thành viên tích cực, để dần hình thành nhóm thành viên cốt lõi của thị trường, trong giai đoạn trung hạn đến năm 2015.