Thanh kiểm tra 18 doanh nghiệp bảo hiểm
Năm 2017, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) sẽ tiến hành kiểm tra chuyên đề 10 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài.
Riêng với khối bảo hiểm nhân thọ, sẽ kiểm tra chuyên đề liên quan đến biên khả năng thanh toán, công tác đầu tư, chi trả quyền lợi bảo hiểm, việc chấp hành quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm tại Bảo Việt Nhân thọ, BIDV- Metlife, Generali, Hanwha, Cathay và Phú Hưng.
Về công tác thanh tra, theo kế hoạch được Bộ Tài chính phê duyệt, có 8 doanh nghiệp bảo hiểm nằm trong danh sách này. Trong đó, thanh tra chuyên đề 6 công ty và thanh tra toàn diện 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chưa nêu mục đích thanh tra cụ thể.
Đối với công tác giám sát từ xa cho toàn bộ các khối doanh nghiệp bảo hiểm (nhân thọ, phi nhân thọ, chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài, tái bảo hiểm và môi giới), Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện đánh giá doanh nghiệp định kỳ, kịp thời phát hiện sai phạm và có phương án xử lý.
Cụ thể, với riêng khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát theo hướng kết hợp giữa giám sát từ xa, tăng cường đối thoại, trao đổi với doanh nghiệp dưới nhiều hình thức. Cùng với đó, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền các đề nghị của công ty bảo hiểm.
Một số doanh nghiệp chưa chấp hành đủ quy tắc
Trước đó, thực hiện kế hoạch thanh kiểm tra năm 2016, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã thực hiện kiểm tra chuyên đề 13 doanh nghiệp bảo hiểm và thanh tra 7 doanh nghiệp.
Cụ thể, kiểm tra chuyên đề 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (Manulife, AIA, Chubb, GE và Prevoir) về trích lập dự phòng nghiệp vụ, biên khả năng thanh toán, đầu tư, doanh thu và chi phí quản lý đại lý; 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ về chấp hành quy tắc, điều khoản, biểu phí và trích lập dự phòng nghiệp vụ; 4 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Ngoài ra, Cục đã tiến hành thanh tra tại Daiichi và Prudential theo kế hoạch đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Qua đó, phát hiện và yêu cầu doanh nghiệp chấn chỉnh hoạt động, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật liên quan.
Qua thanh kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, cơ quan quản lý đã phát hiện một số doanh nghiệp chưa chấp hành đầy đủ quy tắc, điều khoản, biểu phí, kể cả sản phẩm bảo hiểm bắt buộc phê chuẩn hoặc đăng ký với Bộ Tài chính và sản phẩm do doanh nghiệp tự triển khai. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết đã kịp thời kiến nghị các công ty khắc phục sai phạm và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tự đánh giá về công tác quản lý giám sát thị trường, Cục Quản lý, giảm sát bảo hiểm cho biết, năm 2016, cơ quan này đã tăng cường việc giám sát theo hướng sát sao, hiệu quả hơn, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận, công tác quản lý và giám sát mặc dù được tăng cường song do số lượng cán bộ còn chưa tương xứng với quy mô của thị trường nên mới thực hiện được tại một số doanh nghiệp và chỉ tập trung ở trụ sở chính. Ngoài ra, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là chưa xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu. Do vậy, công tác thông tin, thống kê số liệu để phân tích, đánh giá, dự báo tình hình thị trường phục vụ cho công tác quản lý, giám sát phần lớn vẫn còn thực hiện thủ công.
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp bảo hiểm, bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ của một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chưa kịp thời phát hiện những rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh để có biện pháp chấn chỉnh. Hệ thống công nghệ thông tin của hầu hết công ty khối này chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và quản trị doanh nghiệp.
Tính đến ngày 31/12/2016, theo Bộ Tài chính, có 31/32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm đáp ứng quy định về biên khả năng thanh toán; 28/32 doanh nghiệp đáp ứng quy định về nguồn vốn sở hữu.
Công tác tái cấu trúc các doanh nghiệp bảo hiểm theo Quyết định 1826/QĐ-TTg cơ bản hoàn thành, Chính Phủ cũng đã đồng ý với các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm của Bộ Tài chính. Theo đó, 46/47 doanh nghiệp đảm bảo khả năng thanh toán theo quy định, 1 doanh nghiệp gặp khó về khả năng thanh toán và vốn chủ sở hữu đang tiếp tục thực hiện một số biện pháp tái cấu trúc theo chỉ đạo của Bộ.