Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đang tổng hợp kết quả thanh tra Eximbank

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đang tổng hợp kết quả thanh tra động quản trị, điều hành, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và việc tổ chức đại hội đồng cổ động của Eximbank.

Ngày 20/8/2020 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Công văn số 5979/NHNN-TTGSNH trả lời Công ty cổ phần Thắng Phương về các nội dung doanh nghiệp này phản ánh tại Eximbank.

NHNN cho biết, đã nhận được Đơn kiến nghị số 03/2020/CV-TP ngày 4/6/2020 của Công ty cổ phần Thắng Phương đề nghị xử lý các vi phạm và diễn biến bất thường trong quản trị điều hành tại Eximbank.

Về vấn đề này, NHNN có ý kiến trả lời đối với các nội dung kiến nghị của Công ty Thắng Phương như sau:

Việc Công ty Thắng Phương kiến nghị NHNN sớm kết luận về các sai phạm được Công ty nêu tại Đơn kiến nghị: Triển khai kế hoạch thanh tra năm 2019 đã được Thống đốc NHNN phê duyệt, ngày 11/12/2019, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Cơ quan TTGSNH) trực thuộc NHNN đã ban hành Quyết định thanh tra pháp nhân Eximbank.

Trong đó, có nội dung thanh tra về hoạt động quản trị, điều hành, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và việc tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Eximbank.

Hiện nay, Đoàn Thanh tra đang trong quá trình tổng hợp kết quả thanh tra. Kết luận thanh tra sẽ được NHNN ban hành, công bố theo đúng các quy định của pháp luật về thanh tra.

Cụ thể, Công ty Thắng Phương kiến nghị NHNN yêu cầu HĐQT Eximbank triệu tập ĐHĐCĐ bất thường theo đề nghị của SMBC và/hoặc của nhóm cổ đông sở hữu từ 15% đến hơn 50% cổ phiếu Eximbank với đầy đủ nội dung và chương trình do nhóm cổ đông đề xuất.

Theo NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung), Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều lệ Eximbank đã có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của các bên liên quan (HĐQT, ban kiểm sát), cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng) trong viêc yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường, việc kiến nghị nội dung chương trình ĐHĐCĐ bất thường, việc triệu tập chuẩn bị chương trình ĐHĐCĐ bất thường.

Với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN cho biết, ngày 22/10/2019 đã có văn bản số 4278/TTGSNH2 yêu cầu HĐQT, Ban kiểm soát Eximbank thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn để xem xét, xử lý việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu của cổ đông chiến lược SMBC theo đúng quy định pháp luật, Điều lệ Eximbank và các quy định khác của pháp luật có liên quan, đảm bảo tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông SMBC nói riêng và cổ đông Eximbank nói chung.

Ngoài ra, đối với việc HĐQT, Ban kiểm sát không triệu tập ĐHĐCĐ bất thường theo đúng quy định pháp luật, trước đó, vào tháng 12/2019, NHNN đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi "Không tổ chức hoặc tổ chức ĐHĐCĐ không đúng quy định" đối với 6 cá nhân là thành viên HĐQT Eximbank, bao gồm các ông Cao Xuân Ninh, Lê Văn Quyết, Ngô Thanh Tùng, Nguyễn Quang Thông, Lê Minh Quốc và Yasuhiro Saitoh.

Đồng thời, NHNN ngày 5/12/2019 cũng đã có Công văn số 9533/NHNN-TTGSNH phê bình Trưởng Ban kiểm sát và các thành viên Ban kiểm sát Eximbank trong việc chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm được giao liên quan đến việc triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu của cổ đông chiến lược SMBC.

Ngày 14/7 vừa qua, cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vừa có văn bản gửi tới HĐQT Eximbank và NHNN.

Theo văn bản này, SMBC đề cập đến những công bố thông tin gần đây của Eximbank về việc không đủ điều kiện tiến hành cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2020 và đại hội cổ đông bất thường vì cả hai cuộc họp ngày 30/6/2020 đều không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự để tiến hành.

Tuy nhiên, Eximbank vẫn triệu tập cổ đông để tiến hành ĐHCĐ thường niên 2020 lần 2 vào ngày 29/7 vừa qua (kết quả vẫn thất bại), nhưng lại không hề đề cập đến việc triệu tập lần 2 cuộc họp bất thường.

Vì vậy, SMBC cho rằng việc triệu tập lại một cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên theo quy định tại điều 33.2 của điều lệ Eximbank cũng được áp dụng với cuộc họp bất thường.

Cụ thể, trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ túc số thì được triệu tập lần 2 trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định tổ chức cuộc họp lần thứ nhất.

Liên quan vấn đề này, cổ đông SMBC cho biết, một điểm quan trọng cần lưu ý là cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường nhằm giải quyết các vấn đề thuộc năm tài chính 2019, nhưng chưa được giải quyết vì trì hoãn trong thời gian dài.

Do đó, theo SMBC, cuộc họp bất thường cần phải tiến hành trước để giải quyết xong tất cả các vấn đề của năm tài chính 2019 trước khi chuyển qua xem xét vấn đề của năm 2020 và nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Thế nhưng, bất chấp kiến nghị của SMBC, HĐQT Eximbank vẫn ra thông báo tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2020 lần thứ 3 tại Hà Nội vào ngày 17/8 vừa qua, nhưng trước ngày diễn ra nhà băng này lại tiếp tục thông báo hủy.

Một vấn đề đáng chú ý khác là Eximbank cho biết, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 sẽ bầu mới HĐQT, Ban kiểm sát nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, trình cổ đông thông qua số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII là 11 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập. Số lượng thành viên Ban kiểm sát nhiệm kỳ VII dự kiến là 3 thành viên.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi HĐQT Eximbank và NHNN về việc yêu cầu tiến hành ĐHĐCĐ bất thường trước khi tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2020 do SMBC triệu tập từ năm ngoái lại đặt vấn đề thanh lọc HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm và miễn nhiệm ngay lập tức đối với các thành viên không đủ uy tín.

Trong 2 năm qua, Eximbank đã không dưới 5 lần tiến hành ĐHĐCĐ (cả thường niên và bất thường), nhưng đều bị thất bại, do sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn. 

Chính điều này đã khiến cổ đông nhỏ, lẻ của Eximbank bức xúc, vì nhiều lần đến tham dự cổ đông, cuối cùng phải ra về. Trong khi, nhiều năm, cổ đông Eximbank không được nhận cổ tức.

Không những thế, việc các nhóm cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung ảnh hưởng đến thương hiệu của Eximbank bị ảnh hưởng và tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan.

6 tháng đầu năm 2020, Eximbank trích lập hơn 220 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 43 tỷ đồng.

Nguyên nhân được lãnh đạo Eximank cho biết là phải tăng trích lập cho khoản nợ xấu được khách hàng thế chấp bằng cổ phiếu STB của Sacombank.

Vì thế, lợi nhuận trước và sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 của Eximbank lần lượt giảm 28% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 552 tỷ đồng và 441 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm, Eximbank đã thực hiện được 42% kế hoạch 1.318 tỷ đồng lãi trước thuế được Ngân hàng đề ra.

Năm 2020, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ đồng (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8% so với kế hoạch 2020) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng (giảm 40% so với kế hoạch năm 2020).

Theo kế hoạch điều chỉnh, chi phí dự phòng đã trích chủ động tăng 414 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.

Tin bài liên quan