Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an xử lý 6 công ty dược

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an xử lý 6 công ty dược

Việc vay tiền của Thứ trưởng Cao Minh Quang có liên quan đến việc tăng độ tuổi sử dụng vaccine Cervarix ngừa ung thư cổ tử cung.

> Tình tiết mới về vụ tiền chất gây nghiện trong ngành dược  

Ngày 12-1, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đã ký kết luận thanh tra việc thực hiện quản lý nhà nước về dược của Bộ Y tế.

Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ cho biết đã chuyển hồ sơ đề nghị Bộ Công an xem xét, xử lý Công ty Cổ phần dược phẩm Imexpharm (Đồng Tháp) vì có dấu hiệu buôn lậu và mua bán trái phép tiền chất, hướng tâm thần và thuốc có chất gây nghiện.

Thanh tra đang củng cố hồ sơ sai phạm của năm công ty khác và đề nghị chuyển Bộ Công an xử lý. Cơ quan này cũng đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý bảy công ty dược tố cáo sai sự thật về Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế Trương Quốc Cường.

Vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy

Theo kết luận thanh tra, ngoài Công ty Imexpharm, năm công ty khác sai phạm gồm:

Công ty Cổ phần Dược phẩm Tiền Giang bán gần 415.000 viên thuốc hướng tâm thần Phenobarbital 100 mg (khoảng hơn 41 kg Phenobarbital - chất hướng tâm thần) không đúng đối tượng.

Công ty TNHH liên doanh Stada - Việt Nam bán 210 chai thuốc Partamol siro (PSE 30 mg), 240 hộp (mỗi hộp 100 viên) Partamol-Codein (Codein phosphat 30 mg) sang Papua New Guinea, tương đương 0,0063 kg tiền chất PSE và 0,72 kg chất gây nghiện Codein không có giấy phép của Bộ Y tế (vụ án tại Stada - Việt Nam đã bị khởi tố, Pháp Luật TP.HCM đã thông tin).

Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Hải bán 501.100 viên thuốc hướng tâm thần Armicort (Phenobarbital 8 mg, Ephedrine HCL 25 mg), khoảng hơn 4 kg chất hướng tâm thần Phenobarbital và hơn 12,5 kg tiền chất Ephedrine khi chưa có giấy phép của Bộ Y tế.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế TP.HCM và Công ty Dược phẩm Minh Hải thực hiện bán, mua 500 kg nguyên liệu PSE khi chưa có giấy phép của Bộ Y tế.

Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây bán hơn 1,4 triệu viên thuốc Gardenal (Phenobarbital 100 mg), tương đương 149,5 kg chất hướng tâm thần Phenobarbital không đúng đối tượng.Thanh tra Chính phủ kết luận vi phạm của những công ty trên liên quan đến các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy. Do đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục trao đổi, cung cấp tài liệu cho Bộ Công an.

Theo Thanh tra Chính phủ, các vi phạm tại các công ty dược trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì trách nhiệm trực tiếp thuộc các công ty do không tuân thủ pháp luật nhưng cũng có trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế, các sở Y tế nơi các công ty vi phạm. Thanh Tra Chính phủ đề nghị Bộ Y tế rà soát những tồn tại, bất cập để điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dược theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất dược tại Việt Nam…

Xử lý bảy công ty tố cáo sai sự thật

Theo kết luận thanh tra, 16 nội dung tố cáo của bảy công ty dược về những sai phạm của Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế Trương Quốc Cường như trù dập doanh nghiệp dược trong nước, ưu ái cho công ty “sân sau”, làm sai quy trình cấp số đăng ký thuốc… qua kiểm tra cho thấy nhiều nội dung không có sơ sở, không đúng sự thật.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xử lý bảy công ty theo đúng pháp luật. Bảy công ty đó là Công ty Imexpharm, Công ty Agimexpharm, Công ty S.Pharm, Công ty Minh Hải, Công ty Tipharco, Công ty Liên doanh Stada - Việt Nam, Công ty Pymepharco. Riêng về nội dung bảy công ty tố cáo việc sản xuất, kinh doanh thuốc có hoạt chất gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất của Công ty Cổ phần BV Pharma sai mục đích, tiếp tay cho ma túy, Thanh tra Chính phủ kết luận chín khách hàng của BV Pharma đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phẩm, đủ điều kiện mua thuốc có hoạt chất Codein hoặc hoạt chất PSE.

Việc mua bán giữa BV Pharma với chín công ty có đầy đủ hợp đồng, hóa đơn GTGT, thực hiện thanh toán tiền theo quy định tài chính, có phiếu thu tiền tương ứng với số tiền trên hóa đơn GTGT, số lượng hàng trên hóa đơn khớp với phiếu xuất kho và thẻ kho, số lượng xuất bán.

Căn cứ hồ sơ hợp pháp lưu tại BV Pharma và kết quả kiểm tra cho thấy không có dấu hiệu của việc sử dụng sai mục đích, tiếp tay cho ma túy, nội dung phản ánh không có cơ sở.

Về nội dung đơn Công ty BV Pharma phản ánh Thứ trưởng Cao Minh Quang vay tiền, Đoàn thanh tra phát hiện việc chuyển nhận 2 tỉ đồng giữa bà Nguyễn Ngân Quyên (nhân viên của văn phòng đại diện thường trú Công ty GlaxoSmithKline Pte.Ltd tại Hà Nội), ông Ngô Chí Dũng (nguyên Giám đốc BV Pharma) và bà Nguyễn Thị Ngọc Loan (vợ Thứ trưởng Cao Minh Quang). Việc vay tiền này có liên quan đến việc tăng độ tuổi sử dụng vaccine Cervarix ngừa ung thư cổ tử cung (do GlaxoSmithKline đăng ký lưu hành tại Việt Nam) từ 10-25 tuổi lên 10-55 tuổi. Vụ việc đã được Thanh tra Chính phủ chuyển Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, giải quyết.