Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong tháng 4/2016, Thanh tra Chính phủ đã ban hành 5 quyết định thanh tra; 2 thông báo kết luận thanh tra; 7 quyết định kiểm tra; 2 báo cáo, kết luận kiểm tra.
Cơ quan này đang hoàn thiện kết luận, báo cáo của 7 cuộc thanh tra khác, đồng thời thực hiện giám sát 7 đoàn đangthanh tra và theo dõi 11 đoàn đã kết thúc thanh tra trực tiếp, đang xây dựng kết luận thanh tra.
Tại trụ sở tiếp công dân tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ đã tiếp 2.627 lượt công dân trình bày 747 vụ việc; có 75 lượt đoàn đông người. Số lượng đơn thư nhận được trong tháng là 1.696 đơn và đã xử lý 1.171 đơn.
Đối với công tác phòng chống tham nhũng, trọng tâm là công tác tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và tiếp tục hoàn thành Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Thanh Hóa sai phạm trên 200 tỷ đồng
Trong số 2 thông báo kết luận thanh tra được ban hành trong tháng 4/2016, có Kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (giai đoạn từ ngày 1/1/2011-30/9/2014).
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã thanh tra hành chính 565 cuộc, phát hiện sai phạm trên 200 tỷ đồng và trên 211 ha đất, nhưng chưa phát hiện được hành vi tham nhũng và không có kiến nghị điều chỉnh bổ sung chính sách, chế độ.
Việc công khai, minh bạch trong việc mua sắm công, đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý đầu tư xây dựng chưa thực hiện công khai về việc giao vốn đầu tư hàng năm đối với các dự án. Nhiều dự án đầu tư xây dựng chưa thực hiện công khai minh bạch đầy đủ theo Luật Đấu thầu và Luật Phòng chống tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ kết luận để xảy ra những tồn tại, hạn chế nêu trên, trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện: Nga Sơn, Cẩm Thủy, Yên Định, Quảng Xương, Triệu Sơn; UBND thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn.