Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các đơn vị thành viên. Các doanh nghiệp này đang áp dụng mức lương tối thiểu là 4,3 triệu đồng/người/tháng, song mức thu nhập thực lĩnh của lao động cao hơn mức này nhiều lần.
Đứng đầu danh sách thu nhập cao của người lao động tại Công ty TNHH Dịch vụ bảo dưỡng máy bay cảng hàng không miền Nam thuộc về một công ty liên doanh giữa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Công ty Kỹ thuật hàng không Singapore. Trong đó, vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chiếm 51%.
Năm 2017, doanh nghiệp này có hơn 100 lao động với tiền lương bình quân là 27 triệu đồng, thu nhập trung bình đạt 33,6 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, thu nhập của chuyên gia kỹ thuật cao là 245 triệu đồng mỗi tháng (gần 3 tỷ mỗi năm), còn nhân sự có thu nhập thấp nhất là 8,5 triệu mỗi tháng.
Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện một số vi phạm của đơn vị như áp dụng thời gian làm việc 12 tiếng/ca (quá quy định 4 tiếng), trả lương làm thêm giờ vào ban đêm của ngày lễ Tết bằng 300% ngày thường là sai quy định (thiếu 20% lương làm đêm); chưa xây dựng kế hoạch vệ sinh an toàn lao động hàng năm...
Tại Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), doanh nghiệp có hơn 9.100 lao động có mức thu nhập trung bình năm 2017 là 27 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó người cao nhất đạt 121 triệu đồng, thấp nhất là 12,9 triệu đồng. Khối văn phòng của Tổng công ty có lương cao hơn lao động tại các cảng hàng không với thu nhập trung bình là 45 triệu đồng/người mỗi tháng.
Thanh tra Bộ Lao động đã chỉ ra một số vi phạm của ACV như hợp đồng lao động ghi chung chung, chưa thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của các bên ký kết, chưa thanh toán đủ tiền lương cho người lao động khi thôi việc; nội dung thỏa ước lao động không có lợi hơn cho người lao động so với quy định.
Đặc biệt, tại một số cảng hàng không, thời gian làm việc của một số bộ phận lên đến 15 giờ mỗi ca, chưa tổ chức khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại...