Thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn sẽ không còn sâu và xa

Thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn sẽ không còn sâu và xa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh toán qua kênh điện thoại di động (Mobile banking) tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị, đặc biệt, thanh toán qua kênh QRcode tăng 64,1% về số lượng và 127,9% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020).

Tại sự kiện “Ngày Nông dân không dùng tiền mặt” trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ quốc gia nông dân chuyển đổi số do Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thời gian qua, cùng với các định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng luôn quan tâm và đồng hành cùng các cơ quan ban ngành triển khai các chương trình, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực nông thôn.

Đồng thời, triển khai nhiều chính sách nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến với bà con ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và một trong các chính sách quan trọng đó là phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Theo ông Dũng, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, Đề án, quy định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa như:

Thứ nhất, hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC), giúp cho người dân mở tài khoản thanh toán mà không cần đến điểm giao dịch ngân hàng;

Thứ hai, thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 03 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, VNPT và Mobiphone triển khai thí điểm dịch vụ này;

Thứ ba, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP trong đó đề xuất quy định về hoạt động đại lý thanh toán, qua đó tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi không có chi nhánh ngân hàng được tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Dũng chia sẻ thêm, trong những năm qua, hạ tầng kỹ thuật thanh toán bao gồm Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử được chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt và được mở rộng kết nối đến tất cả các địa bàn tỉnh, thành phố trên cả nước đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp và bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của dịch Covid-19.

Điểm đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2021, hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,6% về số lượng và 133,1% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020); thanh toán qua kênh điện thoại di động (Mobile banking) tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; đặc biệt, thanh toán qua kênh QRcode tăng 64,1% về số lượng và 127,9% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2020).

Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, Mobile Money… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai qua đó góp phần nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho người sử dụng dịch vụ.

“NHNN cũng đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn với 03 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh thêm, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg, trong đó đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Trong đó, các chỉ tiêu cụ thể như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm…

“Để đạt được mục tiêu nêu trên, với lực lượng đông đảo, việc triển khai chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới Người nông dân là vô cùng quan trọng. Do đó, trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo…”, ông Dũng nói.

Một số giải pháp được Phó Thống đốc NHNN chia sẻ cụ thể như:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ; sớm Trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành các văn bản hướng dẫn, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân; nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tiện ích, phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn

Thứ ba, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.

Tin bài liên quan