Bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng ô nhiễm nặng nề trong nhiều năm qua. Ảnh: P.V
Điệp khúc nâng cấp và mở rộng
Hoạt động từ năm 1992 và là điểm xử lý rác thải duy nhất của Thành phố Đà Nẵng, bãi rác Khánh Sơn được thiết kế với 5 hộc rác để chôn lấp chất thải rắn (diện tích 13,83 ha).
Thế nhưng, sau một thời gian vận hành, 5 hộc rác này không còn chỗ chứa, buộc UBND Thành phố Đà Nẵng phải lập Dự án cải tạo nâng cấp các hộc rác từ số 1 đến số 5 để tăng khả năng tiếp nhận rác.
Trung bình mỗi năm, tỷ lệ chất thải rắn của Đà Nẵng tăng từ 8 - 10%. Hiện nay, mỗi ngày Đà Nẵng có khoảng 1.100 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đến bãi rác Khánh Sơn.
Từ năm 2007 đến nay, hơn 3 triệu tấn rác trên địa bàn thành phố được chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Dự kiến, từ năm 2020-2025, khối lượng rác sẽ tăng lên 1.800 tấn rác/ngày đêm và 2.400 tấn/ngày đêm vào 2025-2030.
Bãi rác Khánh Sơn cũng là điểm nóng về ô nhiễm và an ninh trật tự dai dẳng từ nhiều năm nay và vấp phải phản ứng gay gắt của người dân. UBND Thành phố Đà Nẵng đã rất nhiều lần đối thoại với người dân nhưng không tháo gỡ được nút thắt. Trước tình thế này, chính quyền Thành phố Đà Nẵng quyết định sẽ không di dời bãi rác thành phố đi nơi khác mà sẽ biến Khánh Sơn thành một khu liên hợp xử lý rác thải.
Trong lúc chờ các nhà máy xử lý rác hình thành, để giải quyết tình trạng gia tăng rác thải rắn đô thị cũng như đảm bảo không để xảy ra điểm nóng ô nhiễm, Đà Nẵng đã triển khai đầu tư các hạng mục cải tạo, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn.
Cụ thể, Đà Nẵng đã phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn trên phạm vi 40ha, tổng mức đầu tư hơn 184 tỷ đồng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
Dự án ngoài cải tạo, nâng cấp các hộc rác từ số 1 đến số 5 để tăng khả năng tiếp nhận rác, còn xây dựng hộc rác số 6 trên diện tích hơn 77.000 m2 (diện tích hộc rác hơn 46.700 m2). Hiện hộc rác số 6 đã thi công xong đường xuống ô chôn lấp, bóc tầng phủ đến cốt đáy ô chôn lấp, trải xong bạt HDPE đáy ô chôn lấp, lắp đặt mương thu nước rỉ rác, xây mương thu nước mặt, đổ bê tông mặt đường xung quanh, dựng trụ điện chiếu sáng… Các máy móc, thiết bị đã mua sắm đầy đủ, quy trình vận hành cũng đã ban hành.
Theo kế hoạch vận hành, hộc rác số 6 có sức chứa hơn 736.000 tấn rác, sẽ được lấp đầy sau hơn 561 ngày.
Trước đây, theo dự kiến khi đầu tư hộc rác số 6 sẽ là hộc rác cuối cùng, vì sau đó Thành phố Đà Nẵng sẽ có các nhà máy xử lý rác thải rắn được vận hành, không phải chôn lấp. Tuy nhiên, khi hộc rác số 6 chưa đưa vào sử dụng thì dự án hộc rác số 7 lại đang được lập hồ sơ, thủ tục đầu tư.
Đầu tháng 10/2021, Ban Quản lý có báo cáo Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường về việc nghiên cứu phương án quy hoạch, đầu tư xây dựng mới hộc rác số 7. Sở Xây dựng đã có công văn đề nghị Ban này bổ sung một số nội dung bản vẽ thể hiện vị trí đề xuất lập quy hoạch hộc rác, xác định cụ thể khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường của hộc rác và các thông tin về đất đai đối với phạm vi xây dựng hộc rác. Trên cơ sở này, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến cụ thể đối với nội dung đề xuất của Ban quản lý, đặc biệt là sự cần thiết hình thành hộc rác số 7.
Lý giải với báo giới về việc này, ông Nguyễn Hữu Nhật, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng cho hay: “Hộc rác số 7 đang ở bước nghiên cứu và lập quy hoạch. Vừa rồi, chúng tôi xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường về sự cần thiết đầu tư để lập đề xuất chủ trương đầu tư. Phải chờ có chủ trương đầu tư thì chúng tôi mới đánh giá được đầy đủ chi tiết về tính cần thiết của hộc rác này. Vì theo tôi, với nhà máy 1.000 tấn thì cũng chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý rác trong tương lai của thành phố. Hiện nay số lượng rác khoảng 1.100-1.200 tấn/ ngày đêm, và tương lai sẽ tăng lên. Như vậy, trong lúc chờ đầu tư hình thành các nhà máy xử lý rác thải rắn thì cũng phải có những hộc rác để chôn lấp các phần rác mà công suất nhà máy chưa đạt được.
Hiện nay, hộc rác số 1 đến số 5 phần nâng cấp và hộc rác số 6 đầu tư mới theo tính toán đến năm 2023 sẽ đầy. Nhưng do 2 năm dịch thì số lượng rác sinh hoạt ít đi nên khả năng chứa rác của các hộc này sẽ kéo dài đến cuối năm 2023. Khả năng đến lúc đó nhà máy xử lý rác 1.000 tấn đưa vào hoạt động rồi, cùng với việc đầu tư hộc rác thì khả năng đảm bảo được an ninh xử lý rác”.
Dự án nâng cấp các hộc rác có sẵn và mở rộng hộc chứa rác mới được tính toán đáp ứng nhu cầu chỉ đến năm 2023. Ảnh: P.V |
Mòn mỏi chờ nhà máy xử lý rác thải
Ngoài cải tạo, nâng cấp, xây mới các hộc rác để chôn lấp, Thành phố Đà Nẵng còn đầu tư 287 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác từ các hộc rác chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn giai đoạn 2, công suất 1.050 m3/ngày đêm. Dự án này hiện đã hoàn thành, đưa vào chạy thử với công nghệ tiên tiến, đảm bảo chất lượng nước rỉ rác sau đạt quy chuẩn kỹ thuật.
Trên thực tế, các hạng mục cải tạo, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn chỉ mang tính tạm thời. Giải pháp bền vững để đảm bảo môi trường vẫn phải xây dựng các nhà máy xử lý rác thải rắn. Tuy nhiên, tiến độ các nhà máy này rất chậm trễ, người dân chờ đợi mòn mỏi nhiều năm giờ vẫn chưa thấy bóng dáng.
Theo chủ trương đầu tư, Nhà máy xử lý rác thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm được HĐND Thành phố Đà Nẵng phê duyệt cuối năm 2020. Dự án được thực hiện theo hình thức PPP (đối tác công tư) trên tổng diện tích hơn 29.000 m2 với tổng vốn hơn 823 tỷ đồng.
Nhà máy sẽ xử lý rác thải rắn bằng phương pháp đốt thu điện năng, tro bay và rỉ lò dùng để sản xuất gạch không nung, mùn hữu cơ được tái chế sản xuất thành phân bón hữu cơ, rác thải nhựa được tái chế thành hạt nhựa… Về tiến độ chi tiết, trong quý II/2022, Đà Nẵng sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, quý III/2022 thi công xây dựng.
Đầu tháng 7/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã ký văn bản thỏa thuận với nhà đầu tư đề xuất triển khai dự án là liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty cổ phần Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Huy Hoàng, Công ty cổ phần Môi trường Huy Hoàng Eco. Sau đó, liên danh nhà đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt dự án đầu tư… làm cơ sở tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang trình UBND Thành phố Đà Nẵng kế hoạch khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư PPP, bảng tiến độ chi tiết dự án được cập nhập lại theo quy định mới. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai trình kế hoạch thẩm định dự án. Với tiến độ này, rất khó để đến năm 2023 Đà Nẵng có nhà máy xử lý rác thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm đưa vào vận hành như kế hoạch đặt ra.
Nói thêm về dự án này, ông Nhật cho biết, Ban quản lý được giao là bên mời thầu sau này để lựa chọn chủ đầu tư, còn cơ quan đầu mối chuẩn bị dự án là Sở Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, nhà đầu tư đề xuất dự án đã cơ bản hoàn thành dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi, hiện đang chờ điều chỉnh quy hoạch và các bước theo quy trình luật định.
Cũng tại bãi rác Khánh Sơn còn có Dự án Nhà máy đốt rác, phát điện công suất 650 tấn rác/ngày đêm của Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam. Dự án này được xây dựng trên diện tích hơn 93.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng với phương thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện. Dự án này đã có nhiều lùm xùm về công nghệ và tình trạng ô nhiễm, được chỉ đạo xử lý từ thời cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, và đến nay đã đóng cửa nhiều năm.
Hiện nay, dự án này đã hoàn thành các thủ tục về thẩm định công nghệ, xác định đơn giá tạm tính, quy hoạch tỷ lệ 1/500, phê duyệt DTM, bổ sung vào qui hoạch phát triển điện lực quốc gia. Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam đang thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư để làm cơ sở trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, do vướng mắc về vấn đề đất đai nên dự án chưa thể khởi công, Thành phố Đà Nẵng vẫn đang xem xét, quyết định vấn đề này.
Như vậy, năng lực xử lý rác thải đô thị của Đà Nẵng đến nay vẫn chưa thấy được sự chủ động với tầm nhìn dài hạn khi khả năng xử lý hiện tại vẫn là chôn lấp; còn các dự án nhà máy xử lý rác thì vẫn đang nằm trên giấy. Chưa kể, với dân số hiện tại là hơn 1,1 triệu dân, nếu với sự gia tang dân số cơ học cộng với sự hồi sinh trở lại của ngành du lịch sau dịch thì áp lực xử lý rác thải vẫn là điểm nóng của Đà Nẵng như đã xảy ra nhiều năm nay.
Ngày 18/11, “Diễn đàn phát triển đô thị Đà Nẵng” lần thứ 10 được tổ chức trực tuyến giữa Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Yokohama (Nhật Bản).
Diễn đàn trao đổi, định hướng thực hiện 5 dự án: Thúc đẩy phân loại và tái chế rác thải tại nguồn (3R) do JICA tài trợ; nghiên cứu tiền khả thi về phát triển thành phố thông minh tại Đà Nẵng (Smart Jamp) do Bộ Đất đai - Cơ sở hạ tầng - Giao thông và Du lịch (MLIT) tài trợ; quản lý nước thải công nghiệp Đà Nẵng do JICA tài trợ; hỗ trợ kế hoạch hành động với biến đổi khí hậu địa phương và các dự án công nghệ carbon thấp của Đà Nẵng do Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ; cải thiện việc tiết kiệm năng lượng cho người dân thành phố do JICA tài trợ.
Diễn đàn tập trung trao đổi các giải pháp, chương trình kỹ thuật triển khai các dự án đang thực hiện và các dự án hợp tác phát triển mới. Cụ thể, về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị có các dự án như phát triển giao thông cộng cộng, phát triển Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thân thiện với môi trường, quản lý thành phố sáng tạo và quản lý chất thải rắn. Các tổ chức, chính phủ và doanh nghiệp phía Nhật Bản cũng trao đổi kế hoạch khảo sát các dự án hỗ trợ, hợp tác phát triển mới.
Về phía Thành phố Đà Nẵng trao đổi chi tiết một số dự án, chương trình kêu gọi đầu tư, hợp tác của thành phố như dự án đầu tư bến cảng Liên Chiểu (xây dựng, vận hành các bến cảng), dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, dự án vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn tàu điện ngầm (MRT), đường sắt nhẹ (LRT) và dự án thành phố thông minh.
UBND Thành phố Đà Nẵng thông qua chính quyền thành phố Yokohama và các tổ chức chính phủ, nghiệp đoàn kinh tế… kêu gọi, vận động sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản, giới thiệu các công nghệ tiên tiến và đầu tư vào các dự án phát triển đô thị của thành phố.