Thành phố mới Bình Dương tạo kết quả lớn trong thu hút đầu tư

Thành phố mới Bình Dương tạo kết quả lớn trong thu hút đầu tư

Chưa đầy 2 tháng đầu năm, tỉnh Bình Dương đã thu được những tín hiệu hết sức lạc quan về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với gần 40 dự án được cấp phép đầu tư, tổng số vốn thu hút trên 715 triệu USD, tăng 200% so với cùng kỳ năm trước.

Tạo lực hút đột phá để thu hút nguồn vốn FDI trong năm nay, có lẽ, không thể không nhắc đến sự kiện khánh thành Trung tâm Hành chính tập trung và khởi động hoạt động Thành phố mới Bình Dương vừa được tổ chức vào trung tuần tháng 2. Ngay trong khuôn khổ của sự kiện này, tỉnh Bình Dương đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho 24 nhà đầu tư.

Điều dễ nhận thấy, niềm tin của các nhà đầu tư tại Bình Dương đang lên mức cao trong thời điểm kinh tế còn khó khăn hiện nay. Bằng chứng là, rất nhiều nhà đầu tư đã có dự án hoạt động xin điều chỉnh tăng vốn với quy mô lớn, trong đó, đáng chú ý là các dự án đầu tư sản xuất đang hoạt động tại các KCN VSIP.

Cụ thể, Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics (Nhật Bản) tăng vốn thêm 240 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư lên 450 triệu USD; Công ty TNHH Kimberly - Clark Việt Nam (Hoa Kỳ) tăng vốn 183 triệu USD để tăng năng lực sản xuất khăn giấy, khăn vệ sinh và các sản phẩm vệ sinh khác; Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (Hà Lan) tăng vốn thêm 10 triệu USD để chế biến các loại nông sản; Công ty TNHH Midea Consumer Electric Việt Nam (Hồng Kông) tăng vốn đầu tư 41 triệu USD để sản xuất, gia công sản xuất, lắp ráp thiết bị điện gia dụng…

Cùng với hiệu ứng tích cực từ các nhà đầu tư tăng vốn với quy mô lớn, đã có thêm 20 nhà đầu tư mới đến với Bình Dương trong 2 tháng đầu năm nay. Trong số đó, một số dự án có vốn đầu tư khá lớn, như Công ty Nexfil (Hàn Quốc) đầu tư 50 triệu USD để sản xuất các loại phim cách nhiệt; Công ty TNHH Tanaka Ai Việt Nam (Nhật Bản) đầu tư 20 triệu USD để sản xuất phụ liệu cho ngành mỹ phẩm; Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam (Nhật Bản) đầu tư 15 triệu USD để sản xuất đồ gia dụng; Công ty TNHH Dược phẩm Medochemie (Cộng hòa Síp) đầu tư hơn 16 triệu USD để sản xuất các loại dược phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu...

Nói về quyết định đầu tư vào Bình Dương, ông Sachin Somaiah Appaiah, Giám đốc Dự án Công ty TNHH Molenbergnatie Việt Nam (Bỉ) cho biết, qua tìm hiểu, chúng tôi đánh giá cao môi trường đầu tư, vì ở đây, cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng tốt, hiện đại, thủ tục hành chính nhanh gọn…

Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đặt mục tiêu thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI trong năm nay.

Nhằm thu hút hơn nữa vốn FDI, thời gian tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là các KCN được quy hoạch hoàn thiện, chuẩn bị quỹ đất sạch lớn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư triển khai dự án để nắm bắt cơ hội; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nâng tầm dịch vụ nhằm phục vụ các nhà đầu tư; tập trung cải cách thủ tục hành chính, công khai và minh bạch; giải quyết những vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp…

Đồng thời, để đón làn sóng đầu tư sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, Bình Dương đã chuẩn bị sẵn các vấn đề cần thiết, trong đó có việc quy hoạch và xây dựng KCN chuyên ngành tại KCN Bàu Bàng, với diện tích hơn 300 ha, nhằm phục vụ các nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may.      

Tin bài liên quan