Thành phố đôi bờ trà lý

Thành phố đôi bờ trà lý

Chỉ vậy thôi mà như đã hiển hiện lên một thành phố mộng mơ, mát xanh và tràn đầy sức sống. Từ cái trục xanh đầy ăm ắp ấy, lưu chuyển không ngừng ấy, Thành phố Thái Bình đang vươn đôi cánh lực lưỡng lên cao và tỏa rộng đôi bờ Trà Lý.

1 Sông Trà Lý là phân lưu của sông mẹ - sông Hồng, bắt đầu từ ngã ba Phạm Lỗ - nơi giáp ranh của xã Phú Phúc (Hà Nam) với xã Hồng Minh và Hồng Lý (Thái Bình) chảy ngang qua tỉnh Thái Bình rồi hối hả đổ ra biển Đông. Đoạn chảy qua Thành phố Thái Bình còn có tên là sông Bo và cây cầu qua sông được gọi là cầu Bo gắn liền với giống ổi Bo nức tiếng.

Ổi Bo - hai từ ấy chứa bao điều huyền thoại. Người dân làng Bo không biết thứ ổi mà múi nổi, cùi dày, ruột nhỏ, ngọt ngào thơm mát mùi lê này có tự bao giờ. Tục truyền rằng, xa xưa lắm, vào một sớm mai, sông dào dạt sóng và trời mênh mang gió, có một con chim lạ bay qua làng, ít lâu sau, những cây ổi đầu tiên mọc lên trên đất làng Bo, một trong 4 làng ngày xưa thuộc phường Hoàng Diệu. Điều kỳ lạ nữa là, chỉ trên mảnh đất làng Bo, ổi Bo mới có hương vị đặc biệt thế, còn trên mảnh đất khác, ngay cả làng có chung “đường biên” cũng không còn “chất Bo” nữa! Cây ổi bo tự hào là một trong những cây quý của nước nhà, được góp màu xanh và hương thơm hoa trái quanh lăng Bác kính yêu.

Với cây cầu Bo, còn có tên là cầu Độc Lập đã trở thành một nhân chứng lịch sử tựa như cầu Thăng Long của Thủ đô Hà Nội. Một buổi chiều sông Bo đầy ánh hoàng hôn, triệu triệu con sóng như chở bao ký ức của Thành phố này trở lại “cái ngày xưa” thương nhớ.

Hơn 100 năm về trước, thị xã Thái Bình mới chính thức được thành lập. Lúc ấy, nó tựa như một chiếc lá dâu xanh, vẻn vẹn bao gồm đất đai, dân cư 2 làng nông nghiệp Bồ Xuyên và Kỳ Bá  với hai con đường làng ngoằn ngoèo dài chừng 1 km cùng phủ thành Kiến Xương - một thành xây hình 4 góc, có hào phòng thủ bao quanh. Dọc theo các hào chỉ có một con đường, hai bên có nhà lụp sụp bằng đất, hoặc phên trát vôi, lợp tranh với khoảng 300 dân (chưa bằng một tổ dân phố ngày nay). 

Rồi các thương nhân, tiểu chủ lần lượt tìm về đây lập nghiệp, mà phần nhiều là các nhà buôn Hoa kiều, hình thành dãy phố nhỏ với những ngôi nhà xây bằng gạch cùng một đường phố với cái tên Đuynpicke (Duynpicque), tên của Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập tỉnh Thái Bình - nối liền phủ thành cũ với bến sông Trà Lý.

Suốt hơn nửa thế kỷ, đến trước năm 1945, thị xã đã được mở rộng dần về phía Tây Nam phố An Tập, nhưng chiều rộng cũng chỉ rộng chừng trên 500 m, chiều dài chừng 1 km, gồm 3 khu phố chính: Đệ Nhất, Đệ Nhị và phố Đệ Tam. Mỗi đường phố lại được đặt kèm theo tên một viên quan thực dân, như phố Đuynpicke (Duynpicque), phố Đờ Miriben (De Miribel) và phố Hácmangrutxô (Harmandrausseau). Nhưng người dân chỉ quen gọi một cách giản dị: phố Đền Mẫu vì có đền thờ Mẫu, phố Vọng Cung, vì có nhà Vọng Cung, phố Giá Nứa vì tiếp giáp bến sông Trà Lý bán nhiều tre nứa…

Nó là một thị xã nông nghiệp như đoạn văn miêu tả của viên Phó sứ Thái Bình Pie Patskie năm 1904: “Thành phố mới lấy tên của tỉnh và sự phát triển dần dọc sông Trà Lý. Dù cho mới thành lập và dù cho sự lớn lên chậm chạp của nó gắn liền với đời sống nông nghiệp…, người ta có thể nói rằng, nó không thiếu vẻ đỏm dáng, cũng như nét xinh xắn yên lặng của mình”.

Còn tôi muốn nói với ngài phó sứ, dù ngài đã vĩnh hằng trong thế giới bên kia rằng, sau hai cuộc kháng chiến chống lại hai đế quốc lớn, nhất là sau cuộc đánh trả chiến tranh phá hoại của Mỹ, thị xã Thái Bình đã quá nhỏ bé, lại thêm đổ nát và hoang tàn. Nhưng thành phố  bên sông này như biết bao thành phố khác trên dải đất Việt Nam đã hiện thực hóa niềm tin cháy bỏng của người cha già dân tộc: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

2 Và nếu sáng mai này, được đứng trên nóc tòa “tháp đôi” Thái Bình Petro 17 tầng, phóng tầm mắt ngắm nhìn Thành phố, thì ai cũng phải thốt lên rằng “cứ ngỡ trong mơ”. Khởi thủy chỉ là 2 làng Bồ Xuyên, Kỳ Bá, nay Thành phố Thái Bình đã trải rộng hai bên bờ Trà Lý với 10 phường, 9 xã, dân số trên 280.000 người, với diện tích gần 7.000 ha, gấp hàng trăm lần thị xã “thuở ban đầu”.

Cũng trên tầm cao này, Thành phố Thái Bình hiện ra với muôn hình khối. Những đường phố nhỏ nhoi chật chội, lưa thưa dăm chục nóc nhà lá, nhà gạch thấp nhỏ lè tè đã được thay bằng san sát những tòa nhà cao tầng, những khu đô thị mới, như Trần Hưng đạo, Trần Lãm, Kỳ Bá... Có thể chưa hiện đại và đẹp mỹ miều, nhưng ai đã đến thành phố này, đều phải thốt lên về sự tinh xảo của kiến trúc, sự phát triển nhanh, đường sá rộng rãi, phố nhà khang trang, cây cối xanh tươi và không khí trong lành...

Nhưng điểm nhấn của sự phát triển từ không đến có đưa cái thị xã nông nghiệp trở thành thành phố công nghiệp chính là sự ra đời của các khu công nghiệp tập trung với diện tích trên 500 ha, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây chính là những hình ảnh sống động minh chứng cho những giá trị khác biệt trong công cuộc đổi mới của thành phố trẻ này.

Tôi gọi mỗi khu công nghiệp là một trung tâm công nghiệp. Chẳng hạn, Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh là trung tâm sản xuất sợi, dệt, tẩy nhuộm, may mặc; Khu công nghiệp Phúc Khánh là trung tâm chế biến nông sản, thực phẩm, dệt may, cơ khí; Khu công nghiệp Sông Trà là trung tâm công nghiệp nhẹ; Khu công nghiệp Gia Lễ là trung tâm sản xuất may mặc, chế biến thức ăn chăn nuôi…

Trong các khu công nghiệp ấy, ngày càng khẳng định những doanh nghiệp lớn, vượt qua được những thử thách nghiệt ngã, trụ vững và ngày càng phát triển, như Tập đoàn Hương Sen, Công ty cổ phần Bitexco Nam Long, Công ty cổ phần Dệt sợi Damsan, Công ty cổ phần Hoàng Hà, Công ty cổ phần Đầu tư - Xuất nhập khẩu Thăng Long, Công ty cổ phần Sợi Trà Lý, Công ty Giống cây trồng, Công ty Du lịch - Thương mại Hải Bình, Công ty Tiến Thành, Công ty Xăng dầu - Dầu khí Thái Bình…, cùng nhiều doanh nghiệp khác, với các sản phẩm Bia Đại Việt, khăn tay bông, quần áo, mây tre đan xuất khẩu, nước khoáng, lúa giống Thái Bình… Đó là chưa kể 2 cụm công nghiệp Phong phú, Trần Lãm đang thu hút nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với 5 làng nghề truyền thống sản xuất đồ gỗ, đan làn nhựa, bao manh, hàng thủ công mỹ nghệ…

Cũng từ trên độ cao lý tưởng này, một hướng kinh tế mở mà Thành phố đã đạt được, đó là hàng trăm khách sạn, nhà hàng, trong đó có những khách sạn 4 sao như Thái Bình Petro cùng khách sạn nhà hàng, văn phòng cao cấp Dream, White Palace, Hoàng Hà... Thành phố ven sông đã và  ngày càng có thêm nhiều  di tích, công trình, cảnh quan có giá trị phục vụ phát triển du lịch, như sông Trà Lý, đền Quan, chùa Bồ, chùa Tiền, Quảng trường Thái Bình và Tượng đài Bác Hồ với nông dân, Khu du lịch sinh thái văn hóa Thành phố, công viên Kỳ Bá, làng vườn Đông Hòa, Hoàng Diệu…, tạo nên một địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Cũng trên độ cao này, bạn có thể thấy một tầm cao nữa, đó là trụ sở các cơ quan tỉnh, thành phố, trung tâm chính trị, nhà văn hóa lao động, Bảo tàng tỉnh, Trường đại học Y Dược, Đại học Thái Bình, Trường Lê Quý Đôn, Nguyễn Đức Cảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Thành phố, Bệnh viện Lâm Hoa, Đài Phát thanh - Truyền hình, Nhà thi đấu đa năng Hoàng Diệu, Bưu điện tỉnh, VNPT Thái Bình, Tòa nhà

Viettel, Tòa nhà dành cho người thu nhập thấp Damsan, chợ Bo, các siêu thị Victory, HC, Thiên Trường, Ngọc Hà… cùng nhiều công trình văn hóa - xã hội khác, tạo nên môi trường trí tuệ, văn hóa cho thành phố trẻ này.

Và cũng từ những tầng cao này, ta như bay trên những cánh đồng lúa vàng trĩu bông của xã Vũ Đông, Vũ Lạc, Đông Thọ, Tân Bình, Tiền Phong... Lá phổi xanh, tấm thảm vàng vây quanh Thành phố phả  hương vị nồng nàn ấm no. Ta như bay trên những làng vườn Đông Hòa, Hoàng Diệu, Vũ Chính, với những vườn quất vàng suộm, vườn hoa muôn sắc mang lộc quả hương hoa tới mỗi nhà khi Tết đến, Xuân về.

3 Sáng nay (7/4), đôi bờ Thành phố Thái Bình rực rỡ cờ hoa, băng biển khẩu hiệu đón chào ngày đại lễ. Tôi ngước lên và đọc “Quyết tâm xây dựng Thành phố Thái Bình giàu đẹp, văn minh”, “Cán bộ, nhân dân Thành phố Thái Bình chung tay, góp sức xây dựng đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp”...

Một quyết tâm cháy bỏng đã được thắp lên, nhưng thành phố này dù hôm nay đã chắc chắn là đô thị loại II, còn  tương lai có trở thành đô thị hiện đại, giàu mạnh, văn minh hay không chính là ở sức mạnh “chung tay, góp sức”, ý thức trách nhiệm, tình yêu thành phố của các cấp, các ngành, của mỗi một công dân.

Trong  niềm vui và nghĩ suy ấy, tôi bỗng nhớ đến một công dân của Thành phố trẻ này  - người Việt Nam đầu tiên tự đầu tư, nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm mang tên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc - Trường Sa. Vào đúng dịp Thành phố nhận Huân chương Độc lập hạng Ba và lên đô thị loại II, chính anh đã tiến hành chạy thử chiếc tàu ngầm trong một chiếc hồ rộng của Thành phố. Còn phải nhiều trí tuệ, mồ hôi, tiền bạc và cả biết bao sự ủng hộ nữa mới có thể hoàn chỉnh được con tàu, nhưng điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, đó  là niềm say mê sáng tạo, tài năng và trách nhiệm công dân trước vận mệnh biển đảo Tổ quốc của Kỹ sư, Giám đốc Công ty Cơ khí Quốc Hòa - Nguyễn Quốc Hòa.

Trong niềm vui của một công dân Thành phố, tôi như nghe thấy sông Trà hát, thành phố trẻ này đang ca hát. Hát về tình yêu đôi bờ châu thổ ngàn đời, hát về cuộc chuyển mình bứt phá 10 năm phấn đấu trở thành đô thị loại II trong lịch sử hàng trăm năm dựng xây.

Khúc tráng ca ấy thật hào hùng và sâu lắng, chứa đựng cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Không thể khác được, không xa nữa, một thành phố Thái Bình hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp sẽ lung linh soi bóng nước sông Trà.

Tin bài liên quan