Tình trạng giá hóa dân số tại Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần là những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng đột biến tình trạng thanh niên không thể tự chu cấp cho bản thân và phải sống dựa vào sự hỗ trợ từ bố mẹ. Trong nhiều trường hợp, các bậc phụ huynh đã phải hoãn lại thời điểm nghỉ hưu của mình.
Tại Hàn Quốc, nguyên nhân chính của tình trạng trên được nhận định là do tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ luôn ở mức cao. Còn đối với Nhật Bản, tỷ lệ thất nghiệp được đánh giá là có tác động yếu hơn; nhờ vào sự gia tăng của số lượng công việc bán thời gian và thời vụ, dù rằng điều này đi kèm với mức lương thấp và các chế độ không đảm bảo.
Tại cả hai quốc gia, cơ hội để những người trẻ tốt nghiệp cấp ba hoặc cao đẳng kiếm được một công việc ổn định ở văn phòng hay các khu công nghiệp được cho là ngặt nghèo hơn nhiều so với thời cha ông của họ.
Số lượng người độc thân tuổi từ 35 -44 sống cùng với bố mẹ liên tục tăng tại Nhật Bản
Theo điều tra từ chính phủ Nhật Bản, hiện quốc gia này có hơn 3 triệu người độc thân tuổi từ 35 đến 40 vẫn đang sống cùng bố mẹ. Trong đó, khoảng hơn 600.000 người hoặc thất nghiệp, không tìm kiếm việc làm hoặc đang có những công việc tạm thời và bấp bênh.
Fumihiko Nishi, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu thống kê và Đào tạo cho biết: “Phần lớn các thanh niên này đều từ bỏ sau khoảng 3, 4 năm không thể tìm được công việc ổn định; họ hầu như không có bất cứ một khoản thu nhập nào. Một khi đã tới độ tuổi 35 hoặc hơn, họ sẽ cảm thấy khó khăn khi phải thay đổi và bắt đầu một cuộc sống mới. Cuối cùng, những cá nhân này chọn sẽ sống bám vào sự hỗ trợ và đồng lương hưu của bố mẹ”.
Theo số liệu thống kê năm 2012 được Nishi Fumihiko trích dẫn, cứ hai người Nhật tuổi từ 20 đến 34 thì có một người đang độc thân và sống cùng bố mẹ. Số những cá nhân như vậy lên tới hơn 10 triệu người.
Tại Hàn Quốc, quốc gia được đánh giá là đang bước theo lối mòn của Nhật Bản, tỷ lệ các hộ gia đình có thanh niên trên 26 tuổi độc thân sống cùng bố mẹ đã gia tăng đáng kể từ 9% năm 1985 lên 26% năm 2010; theo báo cáo của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc.
Báo cáo này gọi nhóm các cá nhân trên là “bộ tộc kangaroo”, những người sống phụ thuộc vào bố mẹ, mặc dù đã tốt nghiệp đại học, việc tìm việc và kết hôn đều bị trì hoãn.
"Bộ tộc Kangaroo" gia tăng nhanh chóng về số lượng tại Hàn Quốc
Một khảo sát độc lập khác của cơ quan này cũng cho thấy, mức thu nhập trung bình mà bậc phụ huynh phải hỗ trợ cho mỗi người con trưởng thành của mình lên tới 740.000 won (630 USD) mỗi tháng.
Tại cả hai quốc gia, tình trạng này đều kéo theo một thực tế là các bậc phụ huynh sẽ phải làm việc tới một độ tuổi cao hơn trước; vừa để nhận thêm một khoản lương hưu, vừa để hỗ trợ cho con cái.
Hàn Quốc đã ghi nhận sự gia tăng lớn số lượng lao động trên 60 tuổi, trong khi con số này ít thay đổi với đối tượng lao động trong độ tuổi 20.
Số liệu từ cơ quan thống kê cho thấy, trong quý III năm nay, số lượng lao động trên 60 tuổi tại quốc gia này đã đạt con số 4,1 triệu người; trong khi chỉ có 3,8 triệu người trong độ tuổi 20 đến 29 là có việc làm và tạo ra thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15 đến 29 tại Hàn Quốc tháng 10 vừa qua đạt mức 8,5%; gấp đôi con số 3,4% tỷ lệ thất nghiệp của toàn dân số.
Về phía Nhật Bản, quốc gia này ghi nhận sự gia tăng ổn định trong vòng 5 năm qua đối với số lượng lao động cao tuổi.
Các chuyên gia kinh tế tại Standard Charter Seoul đưa ra nhận xét: “Chính việc các lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc lâu hơn để hỗ trợ con cái lại dẫn đến nguy cơ giảm dần cơ hội việc làm cho người trẻ”.
Tỷ lệ lao động trên 65 tuổi gia tăng tại Nhật Bản
Hiện tại vẫn chưa có nguồn thống kê chính thức tình trạng tương tự tại các quốc gia khác trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Philippines hay Malaysia; chưa tính đến yếu tố tại một số nước như Trung Quốc, việc nhiều thế hệ cùng sống chung trong một đại gia đình là truyền thống lâu đời.
Tại Hồng Kông, một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, năm 2015, khoảng 53% nam giới và 47% nữ giới trong độ tuổi 15 đến 34 đang sống cùng bố mẹ, theo một kết quả khảo sát dân số. Tại Úc, tỷ lệ này tăng từ 21% năm 1976 lên 29% năm 2011.
Theo số liệu từ cơ quan thống kê Singapore, có tới 97% thanh niên độc thân độ tuổi 15 đến 34 đang sống cùng bố mẹ; với người đã có gia đình, con số này chiếm 37%.
Tại Indonesia, một đất nước mà người Hồi giáo chiếm đa số, phần lớn người trẻ đều sống cùng bố mẹ cho đến khi lập gia đình. Theo số liệu thống kê chính thức năm 2015, khoảng 67% thanh niên trong độ tuổi 16 đến 30 sống cùng bố mẹ dù điều này không cần thiết. Chỉ có khoảng 1,5% dân số Indonesia trong độ tuổi này sống một mình.
Khoảng 2/3 người trưởng thành trong độ tuổi 22 đến 29 tại các quốc gia này vẫn sống cùng bố mẹ và khoảng 18% không có ý định chuyển ra ở riêng do giá nhà đất quá đắt đỏ
Số liệu khảo sát 5.000 thanh niên trưởng thành từ 22 đến 29 tuổi tại Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ của CBRE Group Inc. cho thấy, khoảng 2/3 người trưởng thành trong độ tuổi 22 đến 29 tại các quốc gia này vẫn sống cùng bố mẹ và khoảng 18% không có ý định chuyển ra ở riêng do giá nhà đất quá đắt đỏ. CBRE cho biết, Hồng Kông và Ấn Độ là hai nước có tỷ lệ thanh niên trưởng thành sống cùng bố mẹ lớn nhất.
Cũng theo CBRE, việc này không có nghĩa giới trẻ châu Á không muốn sống độc lập. Có đến 65% trong tổng số 5.000 người tham gia khảo sát cho biết họ muốn mua nhà để ở riêng.
Có thể thấy, dù châu Á được mệnh danh là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trên thế giới, nhưng không ít người trẻ vẫn chưa đủ sức để trang trải cho cuộc sống tự lập của mình.