Thanh khoản tăng vọt, chỉ số VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên chiều 3/7

Thanh khoản tăng vọt, chỉ số VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên chiều 3/7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không bất ngờ khi chỉ số VN-Index điều chỉnh sau liên tiếp bốn phiên tăng trước đó, nhưng bất ngờ là thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh, phần lớn nhờ tâm lý nhà đầu tư được cải thiện sau tin tức có được thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Diễn biến giao dịch phiên hôm nay của thị trường chịu tác động và ảnh hưởng liên quan đến cụm từ “thuế quan”. Với tin tức về thỏa thuận thương mại với Mỹ trong ngày (dù chưa có chi tiết cụ thể), chỉ số VN-Index đã ghi nhận đà hồi phục 300 điểm từ mức cao nhất đạt được tại 1.390 điểm trong phiên so với mức 1.094 điểm – mức đáy vào giữa tháng 4.

Còn so với thời điểm ngay trước khi ông Trump bất ngờ thông báo thuế quan đối ứng gây sốc đối với nhiều đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam vào đầu tháng 4, chỉ số VN-Index cũng đã hồi phục hơn 70 điểm.

Qua đó, dễ hiểu khi lực bán chốt lời xuất hiện mỗi khi chỉ số hồi phục và thiết lập các mức cao mới và phiên hôm nay là một ví dụ, khi có lúc VN-Index rung lắc, giằng co và có lúc đã giảm hơn 14 điểm.

Cùng với đó, vùng cản tâm lý cũng như mục tiêu quan trọng 1.390-1.400 điểm và ngưỡng kháng cự mạnh 1.398-1.418 điểm đang ở rất gần, với dự báo khả năng cao VN-Index sẽ gặp phải áp lực bán mạnh ở vùng điểm này cũng là tác nhân khiến nhà đầu tư xoay chuyển một phần danh mục.

Dấu hiệu đáng chú ý khác là thanh khoản đột ngột tăng vọt, chỉ kém đôi chút những phiên biến động mạnh nhất vào đầu tháng 4, với giá trị giao dịch đạt hơn 33.000 tỷ đồng, đi kèm hơn 1,4 tỷ đơn vị khớp lệnh, vượt rất xa mức bình quân 20 phiên và VN-Index đóng cửa giảm nhẹ, cho thấy đây có thể là một phiên phân phối của thị trường.

Đóng cửa, sàn HOSE có 146 mã tăng và 168 mã giảm, VN-Index giảm 2,63 điểm (-0,19%), xuống 1.381,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1.408 triệu đơn vị, giá trị 33.041,5 tỷ đồng, tăng hơn 50% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 93 triệu đơn vị, giá trị 2.643 tỷ đồng.

Các nhóm ngành cổ phiếu lớn trong phiên đều phân hóa cao, với biên độ thay đổi hầu hết không quá lớn.

Tuy nhiên, điểm nhấn trong phiên hôm nay là áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và khu công nghiệp.

Trong đó, những cái tên như ANV, SZC, LHG, SIP, BCM có lúc đã giảm sàn, trước khi đóng cửa thu hẹp đà giảm tại BCM -2,6%, ANV -4%, SZC -5%, còn LHG và SIP vẫn giảm hơn 6%.

Giảm đáng kể khác tại TCM, VGC, IDI, DPR, AAM, GVR, CMX, VHC, PHR với mức giảm từ 3% đến gần 6%, đi kèm thanh khoản cao.

Trong khi ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu vừa và nhỏ như TNI, DLG, VSC, TTF, TCD đóng cửa tăng kịch trần cùng khối lượng khớp lệnh tích cực.

Ngoài ra là cổ phiếu VIX, sau phiên tăng kịch trần hôm qua, khớp lệnh kỷ lục gần 121 triệu đơn vị, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng mạnh và có lúc cũng đã chạm sắc tím, trước khi kết phiên còn +3,7% lên 14.150 đồng và đáng chú ý khác là khối lượng khớp lệnh tiếp tục thiết lập mức đỉnh cao mới với 125,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đảo chiều giảm về dưới tham chiếu trong phiên chiều và thu hẹp đà giảm vào cuối ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 63 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index giảm 0,69 điểm (-0,30%), xuống 230,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 138 triệu đơn vị, giá trị 2.578,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,24 triệu đơn vị, giá trị 116,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn, nhỏ thanh khoản cao đều đảo chiều giảm hoặc về tham chiếu, trái ngược hoàn toàn so với việc chiếm ưu thế của sắc xanh trong phiên sáng.

Theo đó, các cổ phiếu CEO, MBS, IDC, TNG, PVS, VFS, VGS, LAS giảm điểm, trong khi SHS, MST, APS, PVC về tham chiếu.

Cổ phiếu NVB từ mức tăng gần 5% trong phiên sáng chỉ còn +2,4% lên 12.800 đồng khi kết phiên, khớp 1,58 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã chịu sức ép và giảm về dưới tham chiếu, trước khi tìm lại được sắc xanh ở những phút cuối phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,25%), lên 100,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 92 triệu đơn vị, giá trị 3.067 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 49,4 triệu đơn vị, giá trị 2.426 tỷ đồng.

Cổ phiếu AAH vẫn là cái tên đáng kể nhất trong số những mã thanh khoản cao, với mức tăng 5,3% lên 4.000 đồng, khớp 2,89 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai 41IF7000 tăng 1,3 điểm, tương đương 0,09% lên 1.471 điểm, khớp lệnh hơn 220.700 đơn vị, khối lượng mở hơn 52.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CMBB2405 vượt trội với hơn 9,8 triệu đơn vị khớp lệnh, giá giảm nhẹ 1% xuống 1.030 đồng/cq. Theo sau là CACB2404 với 5,33 triệu đơn vị khớp lệnh nhưng tăng 3,9% lên 270 đồng/cq.

Tin bài liên quan