Căng thẳng thanh khoản: câu chuyện cũ
TS. Tô Ngọc Hưng, Ủy viên độc lập HĐQT BIDV chia sẻ, sự phát triển nhanh chóng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã đặt áp lực lên nhiệm vụ huy động vốn, góp phần gây ra hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh và tình trạng thiếu thanh khoản cục bộ trong một số giai đoạn, điển hình là giai đoạn 2011-2012.
Ngoài ra, do Việt Nam vẫn chưa có một thị trường vốn thực sự phát triển, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế nên hệ thống tổ chức tín dụng luôn chịu áp lực cấp vốn lớn.
“Hệ quả là tỷ lệ cho vay trên huy động của hệ thống luôn ở mức rất cao. Giai đoạn 2011-2012, tình hình thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng có nhiều bất ổn trên cả thị trường 1, thị trường 2 và thị trường 3”, TS. Hưng nói
Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn cũng là tác nhân dẫn tới rủi ro thanh khoản tại hệ thống tổ chức tín dụng, khi dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng cao so với tổng dư nợ, dẫn đến nguy cơ mất khả năng chi trả trong ngắn hạn.
Trước đây, vấn đề cơ bản nhất là các tổ chức tín dụng sử dụng vốn trên thị trường 2 cho vay thị trường 1 dẫn đến khủng hoảng thanh khoản trên hệ thống nhưng bây giờ, bản chất hoạt động là huy động thị trường 1 cho vay thị trường 1, bên cạnh đó còn phải duy trì khoảng 20% số tiền huy động được. Điều này thay đổi hoàn toàn cục diện thanh khoản trong hệ thống.
Sự phát triển bùng nổ của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần với nhiều hình thức cạnh tranh, đặc biệt về giá, đã khiến nhóm ngân hàng này chịu nhiều áp lực từ việc khách hàng liên tục rút trước hạn để gửi vào các tổ chức tín dụng có mức lãi suất cao hơn, khiến cho doanh số tiền gửi bị rút trước hạn của nhóm này tăng mạnh trong năm 2011.
Thực tế đã cho thấy, tăng trưởng tín dụng quá nhanh, nhanh hơn huy động vốn trong một thời gian dài đã làm cho một bộ phận các tổ chức tín dụng phụ thuộc vào nguồn vốn thanh toán liên ngân hàng và từ Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2011, thị trường 2 xuất hiện nhiều hiện tượng bất ổn, tiềm ẩn rủi ro khi các tổ chức tín dụng thừa vốn và thiếu vốn đều phát sinh đồng thời nhu cầu đi vay - nhận tiền gửi và cho vay - gửi tiền. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi giữa các tổ chức tín dụng có nhiều thời điểm cao hơn lãi suất cho vay trên thị trường 1.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm cho các quan hệ vay mượn dẫn đến giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh đột ngột…
“Nguồn vốn huy động trên thị trường 1 không ổn định, thị trường 2 mất thanh khoản cục bộ buộc nhiều tổ chức tín dụng phải tìm đến thị trường 3 qua những khoản vay tái chiết khấu, tái cấp vốn để đảm bảo thanh khoản…”, TS. Hưng cho biết.
Thông tư 36 thay đổi hoàn toàn cục diện thanh khoản
Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nhận định, thanh khoản trên thị trường vào dịp cuối năm thường căng thẳng hơn so với các thời điểm khác do DN có nhu cầu trả thuế và lương, thưởng cho cán bộ nhân viên, nhưng đây chỉ là câu chuyện thời vụ, không thể kéo thanh khoản toàn hệ thống xuống.
Hiện nay, theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN ban hành ngày 20/11/2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2015, tỷ lệ cho vay trên vốn huy động (LDR) của hệ thống được quy định là 80% nên các ngân hàng đã chủ động hơn trong câu chuyện thanh khoản của mình
Ông Trung phân tích thêm, trước đây, vấn đề cơ bản nhất là các tổ chức tín dụng sử dụng vốn trên thị trường 2 cho vay thị trường 1 dẫn đến khủng hoảng thanh khoản trên hệ thống nhưng bây giờ, bản chất hoạt động là huy động thị trường 1 cho vay thị trường 1, bên cạnh đó còn phải duy trì khoảng 20% số tiền huy động được.
Điều này thay đổi hoàn toàn cục diện thanh khoản trong hệ thống và thực tế thanh khoản của hệ thống về cơ bản không có gì phải quan ngại, do đó, từ nay đến Tết Nguyên đán không có vấn đề gì về thanh khoản. Bên cạnh đó, còn có kênh thị trường mở (OMO) điều tiết lượng tiền; Ngân hàng Nhà nước bán USD rồi thu lại VND nhằm cân bằng lại thị trường…
Một lãnh đạo cao cấp OCB cho biết, thanh khoản của Ngân hàng đang tốt lên. Cụ thể, trung bình OCB huy động 500-700 tỷ VND/tháng nhưng đến giữa tháng 12 đã huy động được khoảng 200-300 tỷ đồng. Huy động thậm chí đang tốt hơn cho vay khi chỉ số LDR bình thường các tháng vào khoảng 70% thì hiện nay là 60%.
Để làm được điều này, vị lãnh đạo trên cho biết, ngoài câu chuyện lãi suất, Ban lãnh đạo Ngân hàng còn rất quan tâm đến những dịch vụ có giá trị gia tăng, cộng thêm thu hút khách hàng gửi tiết kiệm…, đặc biệt, Ngân hàng có chủ trương chung là gia tăng công cụ trung, dài hạn do vậy thanh khoản của OCB rất tốt.
Giám đốc kinh doanh tiền một ngân hàng chia sẻ, lãi suất VND liên ngân hàng qua đêm khoảng 4,7-4,8%/năm, thấp hơn cả lãi suất OMO của Ngân hàng Nhà nước là 5%/năm và mọi giao dịch đều diễn ra bình thường thể hiện thanh khoản của các ngân hàng được củng cố và ổn định.
Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đã giảm thiểu được rủi ro thanh khoản của hệ thống bằng cách phối hợp với các ngân hàng mạnh hơn cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng yếu hơn.
“Ngân hàng Nhà nước chủ động và nắm thị trường trong vấn đề thanh khoản của toàn hệ thống đã thể hiện vai trò của cơ quan quản lý. Điều này rất khác so với trước đây”, vị giám đốc trên nói.