Thanh khoản cuối năm: Ngân hàng cẩn trọng rủi ro

Thanh khoản cuối năm: Ngân hàng cẩn trọng rủi ro

(ĐTCK) Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nếu chạy theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cần phải cận trọng với rủi ro thanh khoản, nhất là thời điểm cuối năm.

Theo ông, nợ xấu hiện nay có còn là rào cản đối với tăng trưởng tín dụng?

Nợ xấu hiện nay là của cả nền kinh tế, nếu không giải quyết được thì sẽ không cho vay được. Tuy nhiên, muốn xử lý triệt để được nợ xấu, chỉ mỗi Nghị quyết 42/2017/QH14 là chưa đủ, mà phải cần đến sự phối hợp của các bên như Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tòa án, cơ quan công an… trong việc xử lý tài sản đảm bảo.

Lúc này, nhiều ngân hàng đã và đang mua lại nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) trước đây để có thể tự xử lý, thu hồi nợ. Bởi các ngân hàng đã nhận thấy được cơ hội đang đến nhiều hơn khi thị trường bất động sản dần ấm lên.

Mặt khác, bản thân các ngân hàng cũng đã tích cực trong việc đẩy mạnh xử lý nợ thông qua việc tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu nhờ hoạt động kinh doanh đã khởi sắc hơn.

Với việc mục tiêu tín dụng được nâng lên 21%, các ngân hàng cần phải lưu ý gì khi đẩy mạnh tăng trưởng cho vay?

Với đà tăng trưởng tín dụng như hiện tại và việc NHNN cắt giảm lãi suất trong tháng 7/2017, tôi cho rằng, mục tiêu trên có thể đạt được. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, nhất là khi vốn tín dụng được phân bổ cho các ngành công nghiệp không mạng lại nhiều hiệu quả.

Thanh khoản cuối năm: Ngân hàng cẩn trọng rủi ro ảnh 1

 Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

Chẳng hạn, các lĩnh vực liên quan đến bất động sản hiện vẫn góp phần lớn nhất cho tổng tăng trưởng tín dụng cả nước, cho dù gần đây, sự đóng góp này đã giảm dần. Trong khi đó, ngành bất động sản của Việt Nam đã mất đi vị thế sau giai đoạn bùng nổ 2006-2008. Đây cũng là một trong những lý do chính làm gia tăng nợ xấu và khủng hoảng ngành ngân hàng hồi năm 2011.

Lãi suất cho vay liệu có giảm khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thưa ông?

Thực tế, nếu nhìn vào mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng hiện nay, các ngân hàng đang cho vay ở mức tương đối thấp, khoảng 4-5%/năm. Mặt bằng này nếu so với lãi suất huy động cũng chỉ bằng lãi suất tiết kiệm.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tuy có tăng nhẹ trong thời gian gần đây, nhưng nhìn chung khá ổn định trong 4 năm qua. Như vậy, so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, biên lợi nhuận trong cho vay của các ngân hàng hiện nay rất thấp.

Mặt khác, các ngân hàng cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt, nhất là đối với những nhà băng có mức tăng trưởng không tốt. Vì thế, nếu giảm được lãi suất các ngân hàng cũng đã giảm, chứ không phải đợi đến lúc được nới room tín dụng mới giảm lãi suất đẩy mạnh cho vay.

Tuy nhiên, với room tín dụng mới, đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng đẩy mạnh cho vay, nhất là những tháng cuối năm. Do đó, lãi suất cho vay cũng có thể giảm trong thời gian tới, nhưng khó giảm mạnh.

Xu hướng lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn trong thời gian tới sẽ ra sao, theo ông?

Mục tiêu tín dụng tăng khiến các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh hơn về lãi suất cho vay để dành thị phần tín dụng. Lãi suất ngắn hạn sẽ khó có thể giảm nhiều trong thời gian tới, bởi thực tế hiện nay, các ngân hàng đang phải cạnh tranh khốc liệt trong cho vay ngắn hạn, thậm chí là chịu lỗ để dành thị phần. Bên cạnh đó, một số nhà băng chuyển sang cho vay tiêu dùng nhỏ, lẻ có biên lợi nhuận cao trong cho vay.

Đồng thời, các ngân hàng cũng chuyển vốn sang cho vay trung, dài hạn nhiều hơn để ổn định được nguồn vốn vay. Bởi nếu sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn quá nhiều sẽ vi phạm quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN. Nhưng ngược lại, lãi suất vốn cho vay trung, dài hạn có thể kỳ vọng giảm trong thời gian tới, nhất là khi được giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn từ 50% xuống còn 40% đầu năm 2018, thay vì 2019.

Mặc dù vậy, các ngân hàng cũng phải lưu ý đến thanh khoản, bởi đây cũng là bài toán tiềm ẩn rủi ro, do vốn chủ yếu được huy động từ dân và ngắn hạn, tối đa chỉ khoảng 1 năm. Trong khi đó, đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn sẽ tạo ra độ “vênh” cho ngân hàng trong việc cân đối vốn ngắn hạn cho vay ra, tạo ra rủi ro khó tránh.

Đánh giá của ông về tình hình thanh khoản của ngân hàng trong những tháng cuối năm?

Đây là một bài toán khó nếu chạy theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21-22%, bởi vốn lấy từ đâu còn chưa biết. Tôi cho rằng, tín dụng được đẩy lên 22% cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Như vậy, khả năng lãi suất huy động sẽ còn tăng trong thời gian tới, thưa ông?

Thực ra, trong nhiều thời điểm, xuất hiện nghịch lý là lãi suất huy động đứng yên hoặc tăng thì lãi suất cho vay ra sẽ không tăng. Bởi xét trên từng sản phẩm cho vay, ngân hàng nào cũng muốn giữ thị phần tín dụng của mình, nhưng huy động cũng muốn tăng, nên nhiều khi cho vay lỗ, tức giá huy động cao hơn giá cho vay.

Biên lợi nhuận trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng hiện nay đã giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, nếu ngân hàng chỉ dựa vào hoạt động tín dụng sẽ khó có thể bền vững.

Do đó, hiện các ngân hàng Việt Nam cũng luôn nhìn tổng thể trên cả các sản phẩm, dịch vụ, đi theo một gói sản phẩm – tài chính đáp ứng tốt các nhu cầu của khách hàng như cho vay tài trợ thương mại… không còn riêng lẻ. Vì vậy, xu hướng lãi suất tiền gửi tiết trong thời gian tới cũng khó có thể tăng mạnh.

Tin bài liên quan