Do sự nhập nhằng trong quản trị nên Trường trung cấp Y dược Văn Hiến bị tạm dừng hoạt động nhiều năm nay. Ảnh: Vietnamnet
Trước đó, từ ngày 25/8- 29/9, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp đòi tài sản giữa Tổng công ty Minh Tân - công ty cổ phần và 2 Phó hiệu trường Trường trung cấp Y dược Văn Hiến là ông Đàm Lê Đồng và ông Vũ Ngọc Kha. Do ông Đàm Lê Đồng đã mất nên người thừa kế là bà Nguyễn Thị Hinh tham gia tố tụng.
Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử quyết định hủy án sơ thẩm để xét xử lại.
Quá trình tố tụng, cấp phúc thẩm chỉ ra sai sót như Tổng công ty Minh Tân chỉ khởi kiện buộc ông Đồng và ông Kha trả lại tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc, trang thiết bị giảng dạy, trang thiết bị văn phòng của trường, nhưng bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa năm 2019 tuyên buộc trả lại cả tài sản và đất cho Công ty là không đúng….
Trường trung cấp Y dược Văn Hiến đã bị tạm dừng hoạt động hơn 5 năm nay và vướng vào rắc rối với quyết định giao đất và thành lập trường.
Theo đó, vào năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định thành lập trường là đơn vị ngoài công lập “thuộc Công ty cổ phần Minh Tân”. Còn Công ty được giao đất diện tích gần 10.000 m2 tại xã Quảng Tích, huyện Quảng Xương để xây dựng trường.
Trường có 3 cổ đông là ông Nguyễn Đức Tâm (Chủ tịch HĐQT trường kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty), ông Đàm Lê Đồng và ông Vũ Ngọc Kha.
Ông Kha và ông Đồng đã khiếu nại về tư cách pháp nhân của trường và quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Ngày 27/4/2017, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có quyết định số 619 giải quyết khiếu nại, khẳng định “Công ty Minh Tân không góp vốn xây dựng trường; trường không sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của Công ty”.
Đến tháng 6/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định sửa đổi quyết định trên ghi rõ “trường không trực thuộc Công ty Minh Tân”.
Tuy nhiên, Công ty Minh Tân vẫn khởi kiện ra tòa án vì cho rằng, Công ty là đơn vị sáng lập ra trường để buộc các cổ đông bàn giao tài sản trên đất. Đồng thời, yêu cầu hủy một phần Quyết định số 619 về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trường.
Việc nhập nhèm trong quản trị giữa công ty và nhà trường đã dẫn đến chuyện hai bên không tách bạch tài sản. Đại diện Công ty Minh Tân cho rằng, cho nhà trường “mượn đất” để sử dụng nhưng không xuất trình chứng cứ hợp đồng cho thuê đất.
Các cổ đông khẳng định, nhà trường là pháp nhân độc lập, có con dấu, tài sản riêng. Việc giao đất là để xây dựng trường. Việc ông Nguyễn Đức Tâm không họp HĐQT lấy ý kiến các thành viên, không sử dụng con dấu của trường để lập tờ trình xin giao đất là vi phạm quyền lợi của nhà trường.
Cổ đông đã yêu cầu hủy quyết định giao đất cho Công ty Minh Tân nhưng không được tòa án sơ thẩm chấp nhận.
Nếu với quyết định của bản án sơ thẩm, các cổ đông sẽ “trắng tay” vì năm 2009, Công ty Minh Tân đã thế chấp tài sản hình thành trên khu đất trên để vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vay số tiền 9 tỷ đồng. Công ty không thanh toán nợ đầy đủ nên Ngân hàng đang rốt ráo đòi phát mại tài sản. Do đó, các cổ đông của trường đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.