Tháng tư loa kèn nở
Gọi con nắng vào hè
Con ve sầu lột xác
Hàng cây rợp lá che…
Hôm rồi gặp cô em miền Nam ra Bắc công tác, trước lúc chia tay, nghe cô bảo: Sang tuần, khi Hà Nội vào mùa loa kèn nở, em sẽ ra chơi.
Quả vậy, những ngày này, đâu đó trên khắp phố phường, đã bắt đầu xuất hiện những xe hoa, mà phổ biến nhất, không gì bằng loa kèn trắng.
Nhiều năm nay, loài hoa này là đại diện cho tháng tư Hà Nội. Và cứ y như rằng, mỗi bận tháng tư về, những con phố nhiều cây xanh như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Kim Mã,… lại tấp nập những bóng áo dài, máy ảnh. Phụ kiện gần như duy nhất cũng không gì khác, là loa kèn trắng.
Loa kèn xuống phố. Ảnh: Thành Nguyễn.
Loa kèn xuất hiện vào lúc giao mùa, cuối Xuân, chớm Hạ. Cái màu trắng tinh khôi ấy chọn cho mình thời điểm xuất hiện cũng thật đặc biệt, thường là khoảng đầu tháng tư, khi cái dịu mát sớm mai của buổi thanh tân đang dần bàn giao cho cái chói chang mùa nắng.
Lại nói về loa kèn trắng. Loài hoa này có lẽ mới chỉ trở thành một thú chơi hoa theo mùa phổ biến của người Hà Nội vài năm nay, nhưng sự nổi tiếng của nó thì dường như khởi đầu từ lâu lắm.
Mùa loa kèn, cũng là lúc áo dài xuống phố để chọn cho mình những bức hình đẹp. Ảnh: Thành Nguyễn.
Năm 1943, danh họa Tô Ngọc Vân, người đứng thứ 2 trong bộ tứ thứ nhất của làng hội họa Việt Nam đã sáng tác bức họa để đời “Thiếu nữ bên hoa huệ”, tác phẩm sau này đã đóng đinh với tên tuổi của ông và được coi là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của hội họa Việt Nam đầu thế kỷ 20.
(Bộ tứ thứ nhất của làng hội họa là: “Nhất Trí, Nhì Vân, Tam Lân, Tứ Cẩn”, gồm các họa sĩ tài danh một thuở là Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn (sau này xuất hiện thêm bộ tứ thứ hai: “Nhất Sáng, Nhì Liên, Tam Nghiêm, Tứ Phái” gồm các họa sĩ: Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái).
Bức "Thiếu nữ bên hoa huệ" của danh họa Tô Ngọc Vân. Ảnh: Internet.
Một điều thú vị quanh bức sơn dầu này mà khiến không ít hậu sinh sau này thắc mắc (cả với bản thân người viết), đó là người thiếu nữ trong tranh và lọ hoa đích thị là loa kèn, nhưng tên gọi bức tranh lại là “thiếu nữ bên hoa huệ”.
Thực ra, loa kèn trắng còn có tên gọi khác là huệ Tây. Cách gọi ngắn gọn (lược bớt chữ Tây) đã khiến nhiều người thắc mắc, nhưng lại càng khiến cho bức tranh thêm nổi tiếng và thu hút nhiều sự hiếu kỳ.
Cũng theo tìm hiểu của người viết, nhiều người có tuổi từng kể rằng, người Hà Nội xưa đã có thú chơi tao nhã: cắm loa kèn trắng trong nhà mỗi mùa hoa, bởi loài hoa này khá dễ trồng, dễ chăm và quen nở đúng dịp tháng tư.
Nhưng nếu loa kèn trắng là hình ảnh đại diện cho tháng tư Hà Nội những năm gần đây, thì cũng vào độ này, loa kèn đỏ cũng đua nhau khoe sắc.
Loa kèn đỏ cũng chọn tháng tư để khoe sắc. Ảnh: Thành Nguyễn.
Loa kèn đỏ được trồng phổ biến hơn cả, nhưng loài hoa này người ta trồng chơi, trồng trong vườn nhà nhiều hơn là để kinh doanh như ở các làng hoa.
Cứ mỗi độ tháng tư về, sân vườn nhà lại ánh lên rực rỡ, những bụi loa kèn đỏ thi nhau bung nở. Chúng nở kéo dài trong khoảng chừng nửa tháng, hai mươi ngày. Cả bụi loa kèn dường như có bao nhiêu nụ sẽ cùng nhau khoe sắc.
Tháng tư về, loài hoa chung thủy, đúng hẹn với tháng tư. Nnày sẽ sản sinh ra những nụ hoa, cành hoa to, mập. Và dường như, chúng chỉ đợi con nắng biết vàng là nở tung, rực rỡ.
Loa kèn Mỹ Dancing Queen cũng chọn tháng tư để bung nở. Ảnh: Thành Nguyễn.
Cũng chẳng biết có phải vì thích tiết trời tháng tư hay không, mà vài năm trước, tôi có mua một củ loa kèn Dancing Queen (giống Mỹ) chơi Tết. Chẳng hiểu sao, từ các năm sau, cứ tháng tư là chúng lại đơm bông. Mỗi cành 4 bông, mỗi bông to như cái bát ô tô. Những lúc ấy mới thấy bõ cái công cả một năm chăm sóc, tưới tắm. Nhưng thú hơn, có vẻ như quen thói, quen nếp cùng chị em họ hàng, giống hoa từ tận nước Mỹ xa xôi lại cũng đợi chờ để tận tháng tư về bung nở.