Nhận rõ những “điểm nghẽn”
Chuẩn bị để Quốc hội khóa XIV xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ vào kỳ họp cuối tháng 3 tới đây, trong phiên họp thứ 53 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến hoàn thiện báo cáo này.
Đánh giá chung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, đây là một nhiệm kỳ rất thành công, vì trong hoàn cảnh, trong điều kiện nhiều khó khăn, phức tạp, Chính phủ đã vững vàng điều hành, quản lý để đạt được những kết quả rất có ý nghĩa.
Những kết quả rất có ý nghĩa đó được Chủ tịch Quốc hội điểm lại từ hoàn thiện thể chế, cân bằng kinh tế - xã hội trong điều hành, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống và đặc biệt là thành công trong đối ngoại và hội nhập quốc tế.
“Khi đất nước đứng trước hiểm họa, thiên tai, đại dịch, Chính phủ rất thành công trong xử lý nhanh, kiểm soát được tình hình và có những giải pháp rất hiệu quả, được nhân dân trong nước tin tưởng, bạn bè quốc tế ca ngợi”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Nhưng, với tinh thần thẳng thắn, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu một số vấn đề và đề nghị Chính phủ chú ý. Đầu tiên, đó là khi lĩnh vực nào có tồn tại, khuyết điểm, thì không phải chỉ trong báo cáo của Chính phủ, mà báo cáo của các cơ quan khác cũng đổ thừa nguyên nhân là do sự bất cập, chồng chéo của pháp luật, chứ không phải do việc tổ chức thực hiện của chính cơ quan đó chưa tốt.
Trong khi pháp luật chậm sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung thì ngay bản thân cơ quan trình luật, cơ quan điều hành cũng không đề xuất Quốc hội phải sửa, mà chỉ biết nói là “do pháp luật thế này, do pháp luật thế kia”.
“Hệ thống pháp luật mà chồng chéo, thì đất nước không được như ngày nay đâu. Chúng ta đang khen Chính phủ quản lý, điều hành đất nước tốt, nếu như không quản lý, điều hành theo pháp luật, thì làm sao mà tốt được”, bà Kim Ngân phân tích.
Một hạn chế nữa cũng được Chủ tịch Quốc hội đề cập là nhiệm kỳ này, Chính phủ xử lý những tồn tại cũ còn chậm, trong khi thúc đẩy cái mới chưa được nhanh. 12 dự án cũ (12 dự án thua lỗ ngàn tỷ đồng đến nay vẫn chưa xử lý xong - PV) xử lý chậm, các công trình trọng điểm quốc gia chưa triển khai nhanh. Đường cao tốc Bắc - Nam cuối nhiệm kỳ “vắt chân lên cổ” để chạy, Quốc hội cũng phải ủng hộ cho chuyển dự án thành phần (từ PPP sang đầu tư công 100% - PV). Những việc đó phải nhận trước Quốc hội.
“Một điểm nữa tôi thấy cũng cần phải nhận, đó là tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy nhanh hoạt động kinh tế, giải quyết những điểm nghẽn chưa kịp thời, thậm chí là chậm. Nếu chúng ta làm việc này tốt thì tăng trưởng kinh tế không phải ở mức này đâu. Tôi nghe rất nhiều, đây là hậu quả từ tâm lý của một bộ phận cán bộ, công chức e ngại, lo lắng khi quá nhiều sai phạm qua kết quả thanh tra, kiểm tra phải xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự, rồi lại gần cuối nhiệm kỳ nữa, nên những vướng mắc mặc dù đúng pháp luật rồi, rõ ràng rồi, nhưng cứ chỗ này đẩy lên, chỗ kia đẩy xuống, hỏi Trung ương, Trung ương trả lời được rồi, nhưng địa phương cũng không giải quyết, nhất là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Cả năm 2019, TP.HCM cấp được có một dự án thôi, không dám làm gì hết, việc này mà chúng ta không nói thì Chính phủ tưởng việc gì cũng ngon hết”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Sẽ làm rõ thêm nguyên nhân hạn chế, thiếu sót
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm sự cân xứng hơn giữa đánh giá về kết quả đạt được với đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ làm rõ hơn 13 vấn đề, trong đó có 6 vấn đề lớn về thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng được đề nghị phân tích thêm về công tác điều hành trong thực hiện 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng); việc chỉ đạo triển khai các đột phá chiến lược, nhất là phát triển hạ tầng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, báo cáo chính thức của Chính phủ dài 58 trang, trong đó đúng như ý kiến đóng góp của Thường vụ Quốc hội, phần đánh giá thành quả là 46 trang, 2 trang đánh giá về nguyên nhân, hạn chế, thiếu sót. “Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí để hoàn thiện báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề, nhất là 13 vấn đề mà trong báo cáo của Ủy ban Pháp luật có nêu”, Phó thủ tướng cho biết.
Sau đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh dành thời gian để làm rõ hơn, nổi bật hơn về thành tựu đã được nêu trong 46 trang báo cáo. “Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chính phủ đã hoàn thành rất xuất sắc các nhiệm vụ đề ra và đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Nhìn tổng thể lại thì riêng từ năm 2016 đến năm 2021 đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP và quy mô của nền kinh tế đã đạt hơn 340 tỷ USD. Việt Nam hiện nay đứng trong Top 40 nền kinh tế thế giới lớn nhất”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Kết quả tiếp theo được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu là năng suất lao động đã cải thiện rõ nét và vượt mục tiêu đề ra 5%; đóng góp các nhân tố tổng hợp bình quân 5 năm đạt trên 45,2%, vượt mục tiêu đề ra 30% đến 35% và tăng trưởng từng bước chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân đạt ở mức 3,6 - 3,7%, đạt mục tiêu đề ra dưới 4% và giảm so với giai đoạn trước.
“Như vậy, tất cả những chỉ tiêu về kinh tế trong nhiệm kỳ của Chính phủ, trong giai đoạn vừa qua có thể nói rất đạt. Năm 2020 có những khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn là nước có phát triển dương. Đó là những điểm rất nổi bật trong việc phát triển kinh tế - xã hội”, Phó thủ tướng khái quát.
Điểm nhấn nữa được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh là, trong nhiệm kỳ, hơn 8 triệu việc làm mới đã được tạo ra và thu nhập của người dân ngày được tăng lên. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, đó là mức tăng trưởng rất ấn tượng.
“Vai trò kinh tế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định. Là một động lực quan trọng của đất nước và nhiều sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra đã gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là bước phát triển hết sức tích cực của kinh tế tư nhân”, Phó thủ tướng nói tiếp.
Vẫn với hai chữ ấn tượng, lãnh đạo Chính phủ đánh giá: an ninh lương thực được đảm bảo, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch hữu cơ đang trở thành xu hướng. Công nghiệp cũng đã chuyển biến theo chiều sâu, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 23% năm 2016 lên 50% trong năm 2020.
Báo cáo Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ nêu 5 bài học kinh nghiệm:
Một là, luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước.
Hai là, coi trọng công tác dự báo, bám sát thực tiễn; thống nhất cao trong nhận thức và hành động; đề cao tính chủ động, đổi mới, sáng tạo và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành.
Ba là, khơi dậy truyền thống, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa tốt đẹp, tinh thần nhân ái và niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển và vươn lên mạnh mẽ.
Bốn là, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng địa phương; xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường, đổi mới, hội nhập và phát triển.
Năm là, biến thách thức thành cơ hội, đổi mới tư duy, cách làm với phương châm phục vụ người dân, doanh nghiệp; tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thích ứng nhanh với bối cảnh mới.