Tháng 9, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư về mở tài khoản eKYC

Tháng 9, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư về mở tài khoản eKYC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là thông tin được Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết trong hội nghị triển khai kế hoạch của ngành tổ chức sáng nay (10/9).

Cụ thể, tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 10/9, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàn Nhà nước) thông tin, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh đã chỉ đạo Vụ Thanh toán trong tháng này (tháng 9) cố gắng ban hành thông tư về mở tài khoản eKYC (định danh điện tử).

"Nếu không có tài khoản chúng ta không thể làm được gì, vì đây là cái vé gửi xe để vào cung ứng dịch vụ”, ông Dũng cho biết.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết thêm, nếu trong tháng 9, nếu trình được Nghị định sẽ có 3 điểm lớn.

Thứ nhất, ngân hàng đại lý trong lĩnh vực thanh toán có thể được thông qua.

Thứ hai, tiền điện tử có thể được định nghĩa và đưa vào trong hoạt động thanh toán.

Thứ ba, thanh toán quốc tế với những khái niệm mới với những quan điểm mới về ví điện tử được đưa vào trong thanh toán quốc tế.

Ngoài ra, Mobile Money với câu chuyện của các nhà mạng tham gia vào cung cấp dịch vụ này.

“Đây là những vấn đề đang làm để hoàn thiện pháp lý”, ông Dũng nói

Chia sẻ thêm thông tin về kết quả phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, ông Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2019 về tài khoản cá nhân và tổng số dư trong tài khoản đạt 10,26% và 25,41%. Dự kiến đến cuối năm 2020, khoảng 70% người Việt trưởng thành có tài khoản.

Đến cuối năm 2019, số lượng điểm cung cấp dịch vụ tăng gấp 7,2 lần, số lượng khách hàng tăng 31,5 lần và giá trị giao dịch tăng 34,5 lần so với cuối năm 2015 (chiếm 26,5% so với giao dịch thanh toán qua ATM/POS).

Trong 5 năm qua, số lượng và giá trị giao dịch qua Internet tăng trung bình tương ứng là 50,2%/năm và 46,8%/năm. Số lượng và giá trị thanh toán qua điện thoại di động tăng trung bình tương ứng là 84,8%/năm và 158,5%/năm.

Đối với hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động thanh toán 19.500 ATM, 266.300 POS, 78 ngân hàng thực hiện Internet Banking, 49 ngân hàng thực hiện Mobile Banking, 30 ngân hàng, 6 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp triển khai thanh toán với 80.000 điểm QRCode; 37 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như các dịch vụ Ví điện tử có 34 tổ chức, Cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ có 33 tổ chức, Chuyển tiền điện tử có 9 tổ chức.

Tin bài liên quan