Các dự báo đều thiên về xu hướng tăng tiếp của giá vàng.

Các dự báo đều thiên về xu hướng tăng tiếp của giá vàng.

Tháng 8, thận trọng với giá vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá vàng đang tiến gần tới kỷ lục 8 tuần tăng giá liên tiếp. Kỷ lục này đang có cơ sở kéo dài thêm.

Giá vàng thế giới chiều ngày 29/7 theo giờ Việt Nam điều chỉnh giảm so với sáng cùng ngày, nhưng vẫn đứng ở mức 1.955 USD/ounce, vượt mức kỷ năm 2011 (mức cao kỷ lục 1.920.70 USD/ounce vào tháng 8/2011). Vàng trong nước đã có sự điều chỉnh giảm mạnh xuống dưới 58 triệu đồng/lượng.

Giá vàng chững lại để tìm chiều biến động mới, nhưng đáng nói là các dự báo đang thiên về xu hướng tăng tiếp, ngoài yếu tố dịch Covid-19 đang phức tạp, còn có nguyên nhân quan trọng khác để “vàng tăng giá tự nhiên” đó là đồng tiền để định giá vàng là USD vẫn tiếp tục suy yếu.

USD bị định giá thấp “vô tình” đẩy giá vàng tăng

Khảo sát trên Kitco cho thấy, vàng đã sẵn sàng lên mức kỷ lục 2.000 USD/ounce, 79% chuyên gia Wall Street dự báo giá vàng tuần này tăng.

Tương tự, 72% nhà đầu tư trên Main Street tham gia cuộc khảo sát cũng dự báo tăng. Các dự báo này đã đúng cho nửa đầu tuần qua khi giá vàng thực tế đã vượt đỉnh lịch sử.

Các lý do khiến giá vàng tăng đều chưa nhìn thấy giải pháp khắc phục ngắn hạn, bao gồm giá USD giảm mạnh (chỉ số Bloomberg Dollar thấp nhất trong 1 thập kỷ), xung đột Mỹ - Trung đang có dấu hiệu tăng nhiệt… Đại diện StoneX cho rằng, yếu tố duy nhất có thể làm suy yếu đà tăng của vàng lúc này là tiến triển vắc-xin phòng ngừa Covid-19.

Chuyên gia Huỳnh Trung Khánh cho rằng, chỉ số USD là yếu tố phản ánh nhanh nhất vào giá vàng vì đây là cơ sở định giá, USD yếu thì vàng tăng và ngược lại, không phụ thuộc vào cung cầu vàng vật chất.

Việc USD suy yếu thời gian qua là do Mỹ giảm lãi suất, tung gói cứu trợ kỷ lục và đặc biệt là xung đột Mỹ - Trung với các biện pháp trả đũa qua lại…

Trong tuần qua, giá của "đồng bạc xanh" còn chịu thêm sức ép khi mối lo về sự suy giảm của kinh tế Mỹ đã vượt dự báo trước đó.

Hãng Conference Board cho biết, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 7/2020 ở mức 92,6 điểm, giảm từ mức 98,3 điểm của tháng 6, đồng thời xuống sâu hơn dự báo ở mức 94 điểm.

Phòng phân tích Eximbank cho rằng, các nhà đầu tư không còn tin tưởng vào lợi nhuận hấp dẫn cũng như ổn định từ USD so với các loại tiền tệ khác do các dấu hỏi về tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong thời gian tới.

Goldman Sachs hôm 28/7 cũng cảnh báo rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng “chuyển sang theo xu hướng lạm phát”, cùng với mức nợ cao kỷ lục của Chính phủ Hoa Kỳ đang làm tăng mối “lo ngại thực sự về đồng đô-la Mỹ với vai trò là một loại tiền tệ dự trữ”.

Vàng thường hưởng lợi từ các gói kích thích trên diện rộng của các ngân hàng trung ương, vì đây được xem là kênh phòng ngừa lạm phát.

Các gói cứu trợ liên tục được Chính phủ Mỹ đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế đang trong chu kỳ suy thoái. Ngoài các gói cũ thì gần đây, một số thượng nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng về một gói hỗ trợ Covid-19 mới trị giá 1.000 tỷ USD.

Vẫn có thể xuống tiền

Cùng với đà tăng của giá vàng quốc tế, vàng trong nước trong 2 tháng gần đây cũng tăng giá mạnh, với mức tăng từ đầu năm lên tới xấp xỉ 30%.

Vấn đề đang diễn ra trong tuần này là nhịp tăng chững lại, có xen cài tăng giảm nhẹ, chứ không chỉ một chiều tăng như tuần trước đó, đồng thời một vấn đề mới phát sinh đó là dường như giá vàng trong nước đang tăng “hơi nhanh” khi giữ khoảng cách cao hơn thế giới trên dưới 3 triệu đồng/lượng.

Dự báo ngắn hạn, một số các chuyên gia nhận định, dù giá vàng thời gian tới sẽ khó dự báo hơn khi đan xen nhiều nhịp giảm, nhưng tổng thể sẽ tiếp tục đi lên tới đầu tháng 11/2020, trước khi có kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Vì thế, đầu tư ngắn hạn có thể có rủi ro, nhưng về tầm nhìn dài hạn thì vẫn có lời.

“Việc mua hay không mua là quyết định của mỗi người, nhưng cần phải có tính toán. Chẳng hạn, dự báo giá vàng sẽ còn tăng, nhưng chưa hẳn mức tăng đã so được với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Khi đó, nhà đầu tư sẽ bị thiệt vì hưởng chênh lệch giá không nhiều, thậm chí có thể bị lỗ khi bán ra, vì giá mua vào của các công ty vàng bạc đặt thấp hơn nhiều so với giá bán ra”, một chuyên gia khuyến nghị.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng thì cách khôn ngoan là không nên dồn vốn vào vàng hay rút hết tiết kiệm chuyển sang vàng, mà phải biết phân bổ vốn vào các danh mục đầu tư phù hợp. Trong đó, một phần vốn được rót vào thị trường vàng.

Tháng 8, vẫn có những dự báo giá vàng trong nước sẽ lập mức đỉnh so với mức 55-56 triệu đồng/lượng hiện nay, thậm chí còn được dự báo tăng lên mức trên 60 triệu đồng/lượng.   

Tháng 8, vẫn có những dự báo giá vàng trong nước sẽ lập mức đỉnh so với mức 55-56 triệu đồng/lượng hiện nay, thậm chí còn được dự báo tăng lên mức trên 60 triệu đồng/lượng.

Vì vậy, những người đang nắm giữ vàng khi mua với giá thấp trước đây có thể tiếp tục nắm giữ chờ giá lên cao hơn mới chốt lời.

Những người chưa xuống tiền cũng có thể rót một ít vốn vào vàng khi giá điều chỉnh để không mất cơ hội kiếm lời trong bối cảnh thị trường đang có biến động tăng mạnh.

Chuyên gia phân tích tài chính - đầu tư, ông Phan Dũng Khánh đưa ra nhận định, vàng sẽ chạm mức 2.000 USD/ounce, thậm chí có thể vượt qua ngưỡng này.

Do đó, những người đang nắm giữ vàng hoặc đã mua vào ở thời điểm giá 45-50 triệu đồng/lượng thì nên nắm giữ. Còn những người chưa mua vẫn có thể đầu tư vào vàng, nhưng không nên mạnh tay.

Ngoài khuyến nghị nhà đầu tư lưu ý về mức chênh lệch mua bán giá vàng niêm yết thì một vấn đề mới phát sinh được các chuyên gia khuyến nghị, đó là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Do vàng là hàng hóa không được tự do xuất nhập khẩu nên giá vàng trong nước khó liên thông kịp theo biến động của giá vàng thế giới. Mức chênh lệch từ 2-3,5 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế nên người dân mua vàng trong nước cũng có rủi ro khi giá thế giới biến động nhanh.

Chẳng hạn, với mức chênh lệch hiện nay, giá vàng trong nước có thể “sụp đổ” nhanh hơn khi giá vàng quốc tế quay đầu giảm.

Cũng theo ông Phan Dũng Khánh, một khi mặt hàng kim loại quý này tăng nóng thì việc đảo chiều là khó tránh. Mặt khác, một khi giá vàng trong nước không được liên thông với giá thế giới, rủi ro cũng sẽ gia tăng.

Tin bài liên quan