Tháng 11 thăng hoa, giới đầu tư hối hả chốt lời

Tháng 11 thăng hoa, giới đầu tư hối hả chốt lời

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Phố Wall kết thúc tháng 11 (30/11) với một phiên giảm điểm, song ghi nhận một trong những tháng tăng tốt nhất trong lịch sử.

Chứng khoán Mỹ chứng kiến đà bán tháo trên diện rộng vào hôm thứ Hai khi các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng mạnh trong những tuần gần đây nhờ những hy vọng đến từ sự tiến bộ của vắc-xin Covid-19, khiến tháng 11 trở thành một trong những tháng giao dịch tốt nhất từ ​​trước đến nay.

Nhóm cổ phiếu ngành năng lượng đã tăng gần 30% trong tháng 11 và tăng gần 27% kể từ tháng 4/2020. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu tài chính tăng 16,8% trong tháng. Đây là hai nhóm tăng mạnh nhất trong số 11 lĩnh vực của S&P 500.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ chứng kiến một tháng thành công khi nhà đầu tư đổ xô vào những cổ phiếu giá trị với kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh trong năm tới sau khi có vắc-xin. Chỉ số Russell 2000 đã leo dốc hơn 18% trong tháng 11, tháng tăng mạnh nhất từ trước đến nay.

Hãng dược Moderna hôm thứ Hai đã công bố dữ liệu cuối cùng trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối và cho biết họ sẽ sớm nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp lên Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA).

Trong khi đó, vắc-xin Covid-19 của hai hãng dược Pfizer và BioNTech có thể nhận được sự chấp thuận chính thức ở Anh trong vài ngày tới, truyền thông Anh đưa tin.

Ngoài động thái chốt lời của các nhà đầu tư, sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 sau kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vào tuần trước cũng góp phần đẩy thị trường lao dốc trong phiên đầu tuần.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, hôm Chủ nhật (29/11) cho biết, người dân Mỹ nên sẵn sàng đối mặt với kịch bản "sóng chồng sóng" Covid-19 với số ca nhiễm tăng vọt sau Lễ Tạ ơn.

Dịp Lễ Tạ ơn đã biến tuần trước trở thành tuần bận rộn nhất tại các sân bay Mỹ kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát tới nay. Mỹ hiện ghi nhận hơn 13,5 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 267.000 trường hợp tử vong, là ổ dịch lớn nhất thế giới.

Quá trình chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng vẫn đang tiếp tục. Hôm 30/11, ông Joe Biden đã công bố nhóm kinh tế của chính quyền nhiệm kỳ tới, bao gồm cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Janet Yellen sẽ là Bộ trưởng Bộ Tài chính và bà Neera Tanden, Giám đốc trung tâm tiến bộ Mỹ, sẽ lãnh đạo Văn phòng quản lý và ngân sách của Nhà Trắng.

Mặt khác, về dữ liệu kinh tế, chỉ số doanh số bán nhà đang chờ xử lý ghi nhận giảm 1,1% trong tháng 10 và là tháng thứ hai liên tiếp, báo hiệu nhu cầu nhà ở đang giảm dần, theo Hiệp hội môi giới bất động sản quốc gia (NAR).

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số Dow Jones giảm 271,73 điểm (-0,90%), xuống 29.638,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,72 điểm (-0,46%) xuống 3.621,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 7,11 điểm (-0,06%), xuống 12.198,74 điểm.

Trong tháng 11, S&P 500 tăng 10,8%, Dow Jones tăng 11,9% và Nasdaq tăng 11,8%.

Tương tự trên phố Wall, chứng khoán châu Âu chứng kiến tháng tăng kỷ lục nhờ những triển vọng về vắc-xin Covid-19, dù giảm điểm trong phiên kết thúc tháng do những vướng mắc xung quanh cuộc đàm phán thoả thuận thương mại Brexit.

5 tuần trước thời hạn Brexit, các cuộc đàm phán tại London giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tuần qua diễn ra "khá khó khăn" và "có sự khác biệt lớn", một nguồn tin nội bộ cho biết.

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm -101,39 điểm (-1,59%), xuống 6.266,19 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 44,52 điểm (-0,33%), xuống 13.291,16 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 79,63 điểm (-1,42 %), xuống 5.518,55 điểm.

Trong tháng, chỉ số FTSE 100 tăng 10,81%, chỉ số DAX tăng 12,75% và CAC40 tăng 17,64%.

Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ trong phiên ngày thứ Hai. Chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh song có tháng 11 tăng tốt nhất trong gần 27 năm, nhờ sự lạc quan về các loại vắc-xin Covid-19 tiềm năng.

Chứng khoán Trung Quốc giảm bị đè nặng bởi những dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ - Trung có thể gia tăng căng thẳng.

Hôm Chủ nhật, trong những nỗ lực cuối cùng trước khi chuyển giao quyền lực, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liệt thêm nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC và gã khổng lồ dầu mỏ CNOOC (Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc) vào danh sách đen xuất khẩu của Mỹ .

Kết thúc phiên 30/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 211,09 điểm (-0,79%), xuống 26.433,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 16,55 điểm (-0,49%), xuống 3.391,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 553,19 điểm (-2,06%), xuống 26.341,49 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 42,11 điểm (-1,60%), xuống 2.591,34 điểm.

Trong tháng, chỉ số Nikkei 225 tăng 14,47%, chỉ số Shanghai Composite tăng 5,17%, chỉ số Hang Seng tăng 7,69% và chỉ số KOSPI tăng 12,03%.

Giá vàng tiếp tục giảm sâu trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, bất chấp chứng khoán bị bán tháo trong phiên. Tháng 11 chứng kiến một tháng tồi tệ đối với tài sản trú ẩn an toàn.

Kết thúc phiên 30/11, giá vàng giao ngay giảm 31,90 USD (-1,78), xuống 1.776,20 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 6,20 USD (-0,35), xuống 1.775,70 USD/ounce.

Trong tháng giá vàng giao ngay giảm 5,3%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,9%.

Giá dầu lao dốc trong phiên đầu tuần trong bối cảnh OPEC+ hoãn họp đến ngày 3/12 do những bất đồng giữa các thành viên trong liên minh. Thị trường đang bấp bênh khi chưa biết chắc liệu các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới có đạt được thoả thuận cắt giảm trong cuộc họp này hay không.

Tuy vậy, tháng 11 là một tháng khởi sắc của dầu thô nhờ những hy vọng từ các loại vắc-xin sắp ra mắt sẽ kéo nền kinh tế toàn cầu vực dậy sau khủng hoảng đại dịch.

Kết thúc phiên 30/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,19 USD (-0,4%), xuống 45,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,59 USD (-1,2%), xuống 47,59 USD/thùng.

Trong tháng, giá dầu WTI tăng 26,7%, giá dầu Brent tăng 27,0%.

Tin bài liên quan