Tháng 10/2015 sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về bảo hiểm xây dựng

(ĐTCK) Sáng nay (4/6), Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo “Xây dựng Nghị định quy định về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng”.
Tháng 10/2015 sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về bảo hiểm xây dựng

Hội thảo nhằm triển khai thi hành khoản 4, Điều 9 Luật xây dựng: “Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc, điều kiện, mức phí, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện”.

Tham dự hội thảo có đại diện của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế, Vụ Đầu tư), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm .

Theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng trong thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng, là một trong những biện pháp đảm bảo cho quá trình thực hiện công trình, dự án làm cho các chủ đầu tư yên tâm về nguồn vốn mà mình đã đầu tư và giúp ổn định hoạt động của các tổ chức kinh tế cũng như đời sống của nhân dân trong trường hợp không may gặp phải rủi ro trong quá trình xây dựng, lắp đặt các công trình, dự án.

Theo báo cáo từ các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giá trị tài sản được bảo hiểm lên tới gần 10 triệu tỷ đồng. Một số công trình lớn đã và đang được bảo hiểm bao gồm Thủy điện Sơn La (15.066 tỷ đồng), Nhà máy lọc dầu Dung Quất (3.300 triệu USD).

Tổng số tiền bồi thường cho các chủ đầu tư công trình năm 2014 là gần 2.000 tỷ đồng, trong đó đa phần là các công trình của Nhà nước. Như vậy, bảo hiểm đã thể hiện vai trò là một công cụ, giải pháp tài chính hữu hiệu giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác.

Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít những hạn chế khi triển khai nghiệp vụ bảo hiểm xây dựng như các bên không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm tại hợp đồng bảo hiểm hay hợp tác chưa tốt giữa các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như với các chủ đầu tư, nhà thầu dẫn tới ảnh hưởng đến quyền lợi của chính các bên tham gia bảo hiểm, người lao động và bên thứ ba.

Đó cũng là lý do rất cần một hành lang pháp lý hoàn chỉnh quy định về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng. Từ đó,  phát huy vai trò của bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng, giảm thiểu các tác động tiêu cực, thực hiện mục tiêu xây dựng hành lang pháp lý thống nhất cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tất nhiên, việc xây dựng dự thảo Nghị định phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tế triển khai bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trao đổi tại Hội thảo, các thành viên tham dự đều đồng thuận về cách thức tổ chức, định hướng xây dựng dự thảo Nghị định. Ngoài ra, các thành viên tham dự cũng đã trao đổi về kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ về điều khoản, biểu phí bảo hiểm, loại trừ bảo hiểm, phạm vi và đối tượng được bảo hiểm, tái bảo hiểm để làm căn cứ cho bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện.

Kết luận tại Hội thảo, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bên và cho biết sẽ phối hợp hoàn tất các thủ tục cần thiết để trong tháng 10/2015 hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành.

Tin bài liên quan