Nhiều khả năng sân bay Long Thành sẽ được đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2023

Nhiều khả năng sân bay Long Thành sẽ được đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2023

Tháng 10/2015: Đấu thầu lập nghiên cứu khả thi Sân bay quốc tế Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải kế hoạch triển khai Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cụ thể, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép không tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga và đài kiểm soát không lưu mà đưa nội dung thi tuyển kiến trúc này thành một tiêu chí lựa chọn nhà thầu thực hiện Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Để rút ngắn tiến độ trong công tác lựa chọn Tư vấn thiết kế nhằm kịp thời khởi công Dự án và đồng bộ trong công tác triển khai các ý tưởng thiết kế, Tổng công ty kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép chỉ định nhà thầu tư vấn lập FS tiếp tục là nhà thầu tư vấn thiết kế cho toàn bộ Dự án (sau khi được kiểm tra và đánh giá đủ năng lực, kinh nghiệm nhà thầu).

Với hạng mục đài kiểm soát không lưu, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT giao cho Tổng công ty quản lý bay Việt Nam, làm chủ đầu tư. ACV sẽ phối hợp trong công tác quy hoạch và khai thác đồng bộ sau này. Còn công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ACV đề nghị triển khai từ năm 2016 do UBND tỉnh Đồng Nai làm Chủ đầu tư.

Về tiến độ thực hiện Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, ACV đề xuất tháng 8/2015 trình phê duyệt đề cương Báo cáo nghiên cứu khả thi, tháng 10/2015 tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn lập FS; tháng 4/2016 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn; tháng 6/2016 đàm phán, ký kết hợp đồng, tháng 7/2017 trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; từ năm 2019 đấu thầu chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình và năm 2023 đưa vào khai thác giai đoạn 1.

Được biết, phạm vi công việc được lập  đề cương trong FS chia thành 5 nhóm hạng mục  gồm: 10 hạng mục do ACV làm Chủ đầu tư và sử dụng vốn của ACV; 26 hạng mục do ACV làm Chủ đầu tư, sử dụng vốn vay ODA và vốn ngân sách (các hạng mục không có khả năng sinh lời); 6 hạng mục dung vối ngân sách do Nhà nước chỉ định làm Chủ đầu tư; 2 hạng mục vay vốn ODA thương mại hoặc đối tác công tư (PPP); 17 hạng mục do các doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, sẽ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực; quy mô đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong đó giai đoạn 1: Đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Bộ trưởng trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết phía Nhật đã có đề xuất được tiếp tục làm báo cáo khả thi của dự án.

“Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ về việc giao nhà thầu làm báo cáo tiền khả thi trước đây nghiên cứu tiếp báo cáo khả thi. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan Bộ sẽ thuê tư vấn nước ngoài để tiến hành thẩm định” – Bộ trưởng khẳng định.

Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam – Ngài Fukada Hiroshi nhấn mạnh: "Nhật Bản dành sự quan tâm lớn đến Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Phía Nhật Bản sẽ xem xét viện trợ ODA cho Dự án này. Trên cơ sở đó, Nhật Bản mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào Dự án, đồng thời tạo điều kiện và cho phép JICA tiến hành nghiên cứu khả thi của Dự án".

Tin bài liên quan