Ông Phạm Hồng Hải.

Ông Phạm Hồng Hải.

Thận trọng với vốn vay bằng ngoại tệ

(ĐTCK) Nhu cầu vốn vay bằng USD tăng trở lại đã phần nào làm giảm áp lực cầu trên thị trường ngoại tệ. Song theo đánh giá của ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc kinh doanh vốn và ngoại tệ của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam, vay ngoại tệ khó tránh được rủi ro. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Hải về vấn đề này.

Theo ông, thanh khoản ngoại tệ hiện được cải thiện so với những tháng trước?

Đúng vậy, điều này một phần do NHNN tiếp tục cung ứng ngoại tệ cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu. Mặt khác, do lãi suất tiền đồng được các ngân hàng điều chỉnh tăng lên nhanh trong thời gian gần đây. Khi lãi suất tiền đồng tăng mạnh khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lớn lên sẽ khuyến khích nhà xuất khẩu bán ngoại tệ lấy tiền đồng trả nợ để tránh áp lực lãi suất. Chính điều này làm giảm  áp lực lên cầu trên thị trường ngoại tệ hiện nay.

 

Cung - cầu ngoại tệ của HSBC Việt Nam hiện nay như thế nào và Ngân hàng có giải pháp gì để hỗ trợ DN mua USD?

HSBC Việt Nam chỉ là một thành viên trên thị trường liên ngân hàng, nên gặp không ít khó khăn trong việc cung ứng ngoại tệ cho DN hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi đã tiếp cận và làm việc với khách hàng của mình để đưa ra các giải pháp khác nhau. Trong đó, nhiều DN đã chuyển hóa đơn của họ từ USD sang một số ngoại tệ khác như yên Nhật, Euro…, giúp thanh khoản dễ dàng hơn.

Nhu cầu vay vốn ngoại tệ của DN tăng trở lại. Theo ông, liệu rủi ro biến động tỷ giá có quá lo ngại khi tiếp cận vốn vay bằng USD trong lúc này?

Theo tôi, vay ngoại tệ là bài toán mà DN nên thận trọng. Thực tế, do hiệu ứng từ chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, thời gian qua nhiều DN vay vốn bằng USD đã chuyển sang chọn VND, nhưng hiện bắt đầu có xu hướng chuyển dịch trở lại, vì chính sách hỗ trợ lãi suất VND nhiều khả năng không còn được duy trì trong năm tới. Tuy nhiên, việc chuyển dịch này chưa thực sự mạnh trên thị trường. Số lượng DN chuyển sang vay USD chưa phải là nhiều và chưa lên đến mức đáng lo ngại, nhưng DN phải cẩn trọng trong việc vay USD và cân nhắc kỹ về rủi ro tỷ giá.

Để tránh rủi ro có thể xảy ra, DN phải làm gì?

Cách quản lý tốt nhất là DN phải tự biết đánh giá rủi ro của mình; xem số lượng ngoại tệ cần phải mua - bán, chiến lược quản lý rủi ro như thế nào, cộng thêm tư vấn từ ngân hàng. Do đó, ngay cả khi DN không sử dụng công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá thì cũng nên phân tích và lượng hóa rủi ro để xem xét các sản phẩm có thể tiếp cận trong tương lai.

Đánh giá của ông về dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam trong thời gian tới?

Nếu dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam tăng lên trong thời gian tới sẽ là điểm khởi đầu để vốn FII xem xét đầu tư vào trái phiếu của Việt Nam. Quan điểm của NĐT nước ngoài vẫn coi Việt Nam là thị trường tiềm năng. Trong ngắn hạn, họ có thể xem xét một số thị trường trái phiếu khác có tính hấp dẫn hơn như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, nhưng Việt Nam đang dần trở lại hấp dẫn, vì lãi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng lên. Thời điểm thấp nhất rơi xuống khoảng 8%/năm thì nay lên tới gần 10%/năm, mức tăng này sẽ tạo sự hấp dẫn đối với dòng vốn FII. Dòng vốn FII vào Việt Nam sẽ ổn định và khả năng đến nửa cuối năm 2010, dòng vốn FII chảy vào Việt Nam sẽ được cải thiện.