CPI được dự báo sẽ giảm trở lại trước ảnh hưởng của dịch cúm Corona.

CPI được dự báo sẽ giảm trở lại trước ảnh hưởng của dịch cúm Corona.

Thận trọng tác động dịch bệnh kéo giảm CPI

(ĐTCK) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2020 đã tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng có thể giảm trở lại trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, đặc biệt là ảnh hưởng của virut Corona… làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), CPI tháng 1/2020 tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019 - mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây.

Giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là các yếu tố chính chính giúp CPI tháng 1/2020 tăng cao.

Về các nguyên nhân tác động tới CPI tháng 1/2020, ngoài tác động của thời tiết hay giá xăng dầu giảm, cơ quan này nhấn mạnh tới yếu tố dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là dịch viêm phổi cấp do virus Corona (nCoV) đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tác động của dịch cúm NcoV có thể khiến CPI giảm mạnh trong thời gian tới do hoạt động giao thương bị hạn chế.

“Dịch này còn nguy hiểm hơn dịch cúm SARS trước đây nên chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Việc dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, đặc biệt tác động tới các ngành hàng và nhu cầu tiêu thụ nông sản.

Hiện nay thanh long, dưa hấu đang vào mùa, song do dịch bệnh làm hạn chế giao thương nên thương lái không thu mua nữa, dẫn đến giá giảm. Nếu từ nay đến cuối tháng 2 dịch bệnh chưa được xử lý thì giá nông sản sẽ còn giảm tiếp”, ông Long nhấn mạnh.

Cũng theo phân tích của chuyên gia này, giá xăng dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu đi lại, tiêu thụ giảm. Một mặt hàng chủ chốt khác trong rổ hàng hóa ảnh hưởng mạnh tới CPI là lương thực - thực phẩm cũng được dự báo giảm giá trước diễn biến phức tạp của dịch cúm Corona.

Ðối với dịch tả lợn châu Phi, theo ông Long, đến nay nguồn cung thịt lợn đã đáp ứng được nhu cầu nhờ các doanh nghiệp trong nước đã tăng sản xuất và bổ sung thêm nguồn thịt nhập khẩu, nên giá thịt lợn cơ bản không có biểu hiện tăng để gây tác động đến CPI.

“Hiện còn quá sớm để đưa ra dự báo cụ thể, song cần lưu ý tới việc dịch bệnh có ảnh hướng tới CPI cả năm hay không. Chưa tính tới tác động từ căng thẳng thương mại, kinh tế thế giới suy giảm…, thì ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế năm nay đã rất mạnh, trực tiếp làm ngưng trệ năng lực sản xuất, ảnh hưởng tới CPI.

Do đó, khả năng giữ CPI ở mức 4% trong năm nay như mục tiêu có thể sẽ khó đạt, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại”, ông Long phân tích.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 1/2020 tăng 0,76% so với tháng 12/2019 và tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 1/2020, 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng 12/2019. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất, đạt 2,29%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp Tết (lương thực tăng 0,79%; thực phẩm tăng 2,6% làm CPI chung tăng 0,59%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,26% làm CPI chung tăng 0,2%).

Nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,92%; giao thông tăng 0,69%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,65%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,25%...

Về mặt hàng gas, giá gas thế giới tháng 1/2020 tăng 130 USD/tấn, từ mức 447,5 USD/tấn lên 577,5 USD/tấn, giá gas trong nước tăng 48.000 đồng/bình 12kg, cao hơn 14,08% so với tháng 12/2019.

Về mặt hàng vàng, bình quân giá vàng thế giới tính đến 22/1/2020 tăng 5,1% so với tháng 12/2019. Tại thị trường trong nước, chỉ số giá vàng tháng 1/2020 tăng 4,37% so với tháng trước và tăng 18,64% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, chỉ số giá đô-la Mỹ tháng 1/2020 tăng 0,02% so với tháng 12/2019 và giảm 0,35% so với cùng kỳ năm 2019.

Tin bài liên quan