Thị trường chứng khoán thế giới đã chững lại đà tăng do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp có dấu hiệu lan rộng của dịch bệnh Covid-19.
Trong khi đó, chỉ số Shanghai của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có tuần tăng hơn 4% sau khi Chính phủ tung ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ tài chính như bơm tiền vào nền kinh tế và hạ lãi suất cơ bản, điều này cũng đã hỗ trợ tích cực tâm lý của nhà đầu tư trong thời gian qua.
Trong trung hạn, nền kinh tế toàn cầu sẽ còn gặp khó khăn khi tình hình sản xuất chưa hồi phục trở lại và mức tăng trưởng GDP dự báo sẽ sụt giảm trong quý II/2020.
Ở chiều ngược lại, thị trường chứng khoán Mỹ có diễn biến tích cực trong thời gian qua, đặc biệt với kết quả kinh doanh tích cực đến từ nhóm cổ phiếu công nghệ, giúp nhóm này duy trì đà tăng xuyên suốt đại dịch.
Đồng thời, số liệu vĩ mô và dự báo của Fed cho thấy, nền kinh tế Mỹ đủ khỏe để không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cho nên Fed có thể sẽ không tiếp tục hạ lãi suất trong năm 2020.
Làn sóng dịch chuyển của dòng tiền cũng cho thấy rõ sự phân hóa giữa các thị trường, khối ngoại liên tục bán ròng ở các thị trường chứng khoán mới nổi và thị trường cận biên, trong đó bao gồm cả thị trường chứng khoán Việt Nam.
Lo ngại về sự tăng trưởng của nền kinh tế tại khu vực châu Á là nguyên nhân chủ yếu khiến dòng tiền rút ra khỏi các thị trường châu Á. Đồng thời, tổn thất nặng nề của nhóm ngành hàng không và du lịch giải trí là nhóm chịu áp lực tiêu cực nhất trong thời gian qua.
Ở chiều hướng tích cực, nền kinh tế thế giới đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, vì nơi đây được ví như xưởng gia công của thế giới.
Ngoài cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chúng tôi đánh giá dịch bệnh Covid-19 sẽ là động lực thúc đẩy mạnh hơn việc dịch chuyển nhà máy sang các khu vực khác, trong đó hưởng lợi chính là tại khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan…
Làn sóng dịch chuyển của dòng vốn đã gây khó khăn cho đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua, mặc dù mức độ ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 đã có chiều hướng giảm.
Cụ thể là khối ngoại đã bán ròng hơn 2.000 tỷ trong tháng 2/2020 và tập trung bán ròng chủ yếu trên giao dịch khớp lệnh, lượng bán ròng phần lớn chủ yếu tập trung ở cổ phiếu MSN, VIC, NVL…
Ngoài nguyên nhân yếu tố dịch bệnh, tình hình tỷ giá USD/VND tăng cũng là yếu tố khiến khối ngoại bán ròng. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá yếu tố này chỉ tác động ngắn hạn và tác động không mạnh.
Biện pháp kích thích nền kinh tế trong nước cũng là giải pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm 2020, trong đó chính sách tiền tệ có thể sẽ là công cụ để giải quyết các bài toán trước mắt như giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tuy nhiên nhà quản lý sẽ phải cân nhắc yếu tố lạm phát.
Chúng tôi nghiêng về kịch bản Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên việc giảm lãi suất ở mức vừa phải nhằm hỗ trợ và giảm áp lực từ lạm phát.
Chỉ số VN-Index đã tiến về sát vùng 940 - 950 điểm, đây là vùng cản ngắn hạn khó khăn của chỉ số này.
Nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước thận trọng, Chúng tôi đánh giá thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy, chưa thể vượt hẳn vùng 940-950 điểm trong giai đoạn tháng 2/2020.
Đặc biệt, dòng tiền sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nên chiến lược phù hợp trong giai đoạn này là lựa chọn cổ phiếu kỹ hơn và chưa nên dùng đòn bẩy ở giai đoạn hiện tại.