Thái Nguyên - Một xứ trà thơm
Nằm ngay sát Hà Nội, Thái Nguyên là sự lựa chọn không tồi cho giới trẻ và các gia đình đến đây vào dịp cuối tuần. Tuy không có nhiều lợi thế về cảnh quan, nhưng bù lại, xứ trà thơm nắm giữ rất nhiều điểm du lịch mang đậm bản sắc riêng có. Bên cạnh đó là vô số loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tín ngưỡng hay đặc sản hớp hồn du khách.
Theo thống kê, Thái Nguyên hiện có tới gần 1.000 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật và di tích tín ngưỡng. Các địa danh nổi tiếng gần xa phải kể đến là hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, cây đa trăm tuổi xã Phú Đình, chùa Phủ Liễn, đền Đội Cấn ATK Định Hóa… Nơi đây cũng gắn liền với thời kì lịch sử “đèo De, núi Hồng” hào hùng của dân tộc. Các di tích, danh thắng này được ví như những “mỏ vàng lộ thiên”, có thể mang lại nguồn thu lớn cho địa phương.
Ban đầu, việc ghé thăm Thái Nguyên không có trong kế hoạch của tôi, mà là sự tình cờ khi đi từ Cao Bằng về Hà Nội, anh đồng nghiệp đi cùng cứ mời mọc vào nhà bố vợ anh chơi, tiện thể đi cho biết thế nào là “chè Thái, gái Tuyên”.
Gia đình bố vợ cậu bạn rất hiếu khách, nên khi nghe tin con rể dẫn khách về chơi, các cụ đã chu đáo chuẩn bị trước cơm nước tươm tất với nhiều món đặc sản Thái Nguyên.
Cho nên khi xe chúng tôi chỉ vừa dừng lại đầu ngõ, mâm cơm thịnh soạn đã lập tức được dọn ra. Nào là dê núi tái chanh, gà đồi béo ú luộc, cá sông chiên giòn, thêm đĩa lợn mán xào xả ớt hấp dẫn…
Thoạt nhìn mâm cơm, tôi khá ngạc nhiên. Nhiều món như thế sao lại chỉ có vài bát tương bần làm đồ chấm nhỉ. Hóa ra, đó không phải loại tương bình thường, mà là tương nếp Úc Kỳ đặc sản Thái Nguyên.
Trong số các “cao lương mĩ vị” được thết đãi, tôi vẫn thích nhất là món cá sông chiên giòn. Con cá chỉ nhỉnh hơn ngón tay một chút, nhưng thịt thì chắc, dai, ngọt, thơm vô cùng.
Cá hồ Núi Cốc ngon là do nguồn nước ở đây hội tụ từ những khe nước sạch dưới chân núi Tam Đảo. Nước này nuôi cá không có mùi tanh, ăn chắc thịt, ngọt mà thơm.
Đồ ăn vừa ngon vừa lạ miệng, nên loáng cái đồ nhậu trên mâm đã vơi dần. Khi đó, bà cụ mới mang từ dưới bếp lên dăm ống cơm lam Định Hóa.
Cơm được nấu từ gạo nếp cái hoa vàng thượng hạng, lại được đựng trong ống tre non, nên cứ dẻo quánh lại. Ăn không đã ngon, nhưng nếu chấm thêm ít muối vừng, thì sự hấp dẫn lại được đẩy gấp bội.
Sau khi cơm no, rượu say, bố vợ anh mời mọi người lên nhà thưởng trà. Đỡ chén trà từ tay ông đưa, thoáng qua đã thấy mùi thơm ngọt và dễ chịu vô cùng.
Nước chè vừa trong, vừa xanh và sánh. Tôi nhấp thử một ngụm, ban đầu chè có vị chát nhẹ nhàng, dễ dịu, hài hòa như có mùi cốm trong miệng.
Uống xong lại thấy vị ngọt đọng lại rất lâu nơi đầu lưỡi khiến tinh thần sảng khoái, cảm giác nhẹ nhàng mà thanh thoát. “Chè Thái, gái Tuyên” quả không sai chút nào.
Ông cụ bảo, chén trà như vậy đạt 4 tiêu chuẩn: thanh, sắc, vị, thần. Chè mọc trên núi càng cao, vị càng đậm đà.
Thái Nguyên vốn là nơi khí hậu mát mẻ, chất đất sạch, hơi chua nhưng lại chứa nhiều vi lượng rất phù hợp cho cây chè phát triển. Kết hợp với công đoạn chế biến cầu kỳ của các người thợ lành nghề và cách pha sành sỏi mà chè đạt tới hương vị đỉnh cao.
Cũng vì tò mò, tôi vội hỏi ông cách pha trà ngon của người Thái Nguyên là gì. Ông bảo, bí quyết chỉ có một, chính do chữ Tâm. Vị ngon của trà ảnh hưởng bởi vị tâm của mỗi người. Tâm thế nào vị thế ấy. Người vô tâm với trà thì pha ngay cho có để uống.
Người có tâm với trà thì bình tĩnh cảm nhận sự thay đổi trong mỗi ấm trà, kịp thời điều chỉnh lượng trà và thời gian hãm sao cho hợp vị nhất. Người uống trà thì thích bình phẩm, đánh giá. Duy chỉ có trà luôn im lặng tỏa hương thơm và lặng lẽ cho đi.
Đời người ngẫm ra cũng giống như việc thưởng trà. Bình thản trước những chát đắng rồi sẽ đến lúc tận hưởng ngọt ngào thôi. Cho nên, hãy bỏ qua hết những cách hưởng trà cầu kỳ để ổn định lại một chữ Tâm kia. Những giây phút thư giãn bên chén trà mới thực là những giây phút thư thái.
Nhấp thêm một ngụm sau khi nghe ông nói vậy, tôi thấy chén trà trên tay ngọt và ấm lòng. Người Thái Nguyên trọng tình người và hiếu khách đến thế là cùng.
Những điểm đến hấp dẫn
Hôm sau thức dậy là sáng Chủ nhật. Thời gian khám phá Thái Nguyên chỉ còn lại vài tiếng đồng hồ. Vì không thể ghé hết những địa danh du lịch, nên chúng tôi quyết dành nhiều thời gian cho đồi chè Tân Cương trải rộng 3 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu.
Chậm rãi, khoan thai, thong thả đi dạo trên những cánh đồng chè xanh ngút tầm mắt, trong lòng lâng lâng như vừa trào lên một thứ cảm giác khác lạ và ngọt ngào.
Nơi đây không chỉ nổi tiếng với sản phẩm chè ngon hảo hạng, mà còn có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Những con sông dài, những ngôi nhà sàn hai bên, một ai đó chèo thuyền giữa dòng trong làn sương mờ ảo...
Tất cả những nét chấm phá đó tạo nên một nét đẹp rất riêng. Đặc biệt, đồi chè rất gần với Khu du lịch hồ Núi Cốc cảnh sắc đẹp như tranh vẽ.
Rời khỏi đồi chè thấy thời gian vẫn còn nhiều, tôi quyết định đi thêm hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà. Hang Phượng Hoàng là kiểu hang casto tương đối lớn, gồm có 3 tầng: Tầng thượng là hang Dơi, giữa gọi là hang Sáng, cuối gọi là hang Tối.
Không khí bên trong hang rất mát vì đáy hang có nước lạnh. Đồng thời, có bờ cát nhỏ mịn chạy dọc con nước dưới hang. Sừng sững giữa lòng hang chính là khối nhũ đá khổng lồ có hình chim phượng hoàng trong tư thế giương cánh oai hùng.
Ngoài ra, hang còn có rất nhiều khối đá nhũ với vô vàn cảnh sắc như cột chống trời, mẹ bồng con, vũ nữ, voi chầu, móng vuốt đại bàng… Ánh sáng ở cả 3 cửa hang chiếu vào nhũ đá tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo hấp dẫn.
Sau khi đi bộ khám phá hang Phượng Hoàng đã mệt, tôi dừng chân bên suối Mỏ Gà để thỏa mình đắm chìm trong dòng nước mát lành gạn ra từ hang động phía trong.
Trên đường trở về Hà Nội, chúng tôi ghé thăm cả làng nhà sàn Thái Hải - một điểm đến mới nổi gần đây. Nhân viên trong này đều là người dân tộc và thái độ của họ vô cùng chuyên nghiệp, thân thiện và lịch sự. Đồ ăn thức uống cũng do người địa phương tự nuôi trồng nên an toàn, sạch sẽ và rất ngon. Ở đường vào, tôi phát hiện có một ruộng lúa rộng lớn tha hồ sống ảo. Nếu thời gian thong thả có thể thuê nhà sàn ngủ lại để xem người dân tộc làm bánh chưng, bánh dày, thăm quan bản làng…
Hơn một ngày ở vùng đất “nửa đồng, nửa núi” Thái Nguyên, đến đâu tôi cũng thấy tài nguyên phục vụ cho ngành công nghiệp không khói phát triển. Tuy nhiên, khách đến một ngày rồi về vẫn còn chiếm đa số. Các hoạt động ăn, uống, ngủ, nghỉ và mua sắm của du khách còn đơn điệu, chưa tạo thành một tour khép kín. Nhiều đơn vị du lịch vẫn hoạt động đơn lẻ, tự lo đi tìm “thượng đế” của riêng mình.
Ngẫm ra, du lịch Thái Nguyên không hề thiếu tài nguyên sẵn có. Cái thiếu ở đây là cách sử dụng “chiếc chìa khoá vàng” mở cửa kho báu mà thôi.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com