R&H Group triển khai nhiều kế hoạch hợp tác đầu tư.

R&H Group triển khai nhiều kế hoạch hợp tác đầu tư.

Tham vọng của đại gia mới nổi R&H Group

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thương vụ thâu tóm Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinanud (mã VHD), R&H Group huy động hàng nghìn tỷ đồng vốn để phục vụ cho các kế hoạch đầu tư bất động sản.

Huy động hàng nghìn tỷ đồng vốn cho nhóm công ty

Công ty cổ phần Tập đoàn R&H (R&H Group) vừa công bố phát hành thành công lô trái phiếu 650 tỷ đồng. Toàn bộ lô trái phiếu được “một nhà đầu tư tổ chức trong nước” mua hết.

Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có kỳ hạn 12 tháng 1 ngày, đáo hạn vào ngày 21/9/2022, được đảm bảo bằng 100% số cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông tại Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sơn Long, chủ đầu tư khu khách sạn, dịch vụ du lịch tại phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

R&H Group cho biết, số tiền thu được từ thương vụ sẽ được dùng để bổ sung vốn hoạt động và/hoặc hợp tác với các đối tác để phát triển các dự án bất động sản tiềm năng.

Cùng thời điểm thực hiện phát hành lô trái phiếu 650 tỷ đồng, Công ty cổ phần R&H Construction, một công ty thành viên do R&H Group thành lập từ năm 2020 cũng thế chấp toàn bộ hơn 93,4 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sơn Long cho khoản vay và nghĩa vụ có giá trị 934 tỷ đồng.

Chỉ trong ngày cuối cùng của tháng 9/2021, R&H Group trực tiếp và gián tiếp thông qua các công ty thành viên đã huy động thành công 1.584 tỷ đồng trái phiếu.

Như vậy, chỉ trong ngày cuối cùng của tháng 9/2021, R&H Group trực tiếp và gián tiếp thông qua các công ty thành viên đã huy động thành công 1.584 tỷ đồng trái phiếu thông qua việc thế chấp tài sản để huy động vốn.

Động thái huy động vốn của R&H Group gây chú ý tới các thành viên thị trường, nhất là khi doanh nghiệp này mới có 2 năm tuổi đời.

Trước đó, tháng 3/2021, R&H Group thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khi đứng sau vụ mua lại cổ phần của Vinahud (mã VHD) từ Tổng công ty cổ phần Xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex).

Vinahud vốn là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không có gì nổi trội, giai đoạn 2016 - 2018, lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 7,3 tỷ đồng, 12,5 tỷ đồng và 13 tỷ đồng. Đây cũng là giai đoạn Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh từ dự án Khu văn phòng và nhà ở 536A Minh Khai, Hà Nội. Năm 2019 và 2020, kết quả kinh doanh của Vinahud tụt dốc, chỉ ghi nhận 71 triệu đồng lãi ròng năm 2019 và 537 triệu đồng lãi ròng năm 2020.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên Vinahud tổ chức vào tháng 4 năm nay, dàn lãnh đạo mới đến từ R&H Group đã công bố chiến lược phát triển đầy tham vọng với kế hoạch lợi nhuận cho năm 2021 tăng vọt 217% so với thực hiện năm 2020.

Ngoài việc thoái vốn tại các dự án trọng điểm cũ của Vinahud không khả thi như dự án CV4.4 (dự án góp vốn với Công ty cổ phần Địa ốc dầu khí PVL, nay là Công ty cổ phần Đầu tư Nhà Đất Việt từ năm 2007, nhưng chậm tiến độ hơn 14 năm), lãnh đạo Vinahud có chiến lược “tìm kiếm dự án mới phù hợp với năng lực của Công ty”.

Ban lãnh đạo mới của Vinahud cũng trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho tối đa 15 nhà đầu tư để tăng vốn từ 70 tỷ đồng lên 380 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến dành 285,6 tỷ đồng để mua cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Xuân Phú Hải, chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng tại khối Hà My Đông A, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (sau đổi tên thành dự án Grand Mercure Hoian). Dự án trên vốn được giao cho Xuân Cầu triển khai từ năm 2012, song bị chậm tiến độ và qua nhiều lần đổi chủ.

Kịch bản “niêm yết cửa sau”?

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất trong kế hoạch kinh doanh của Vinahud sau khi được R&H Group thâu tóm là việc mua lại Công ty Xuân Phú Hải thì Vinahud sẽ phải hợp nhất kết quả kinh doanh, cũng như nghĩa vụ nợ của công ty này.

Được biết, vào tháng 1/2021, thời điểm trước khi về tay Vinahud, Công ty Xuân Phú Hải đã thế chấp bằng chính lợi tức phát sinh thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án Grand Mercure Hoian để vay thêm 350 tỷ đồng từ Ngân hàng TPBank.

Bên cạnh đó, hồi tháng 8/2021, Công ty Xuân Phú Hải cũng phải dành thêm gần 95 tỷ đồng để nộp tiền thuế đất chậm nộp của dự án theo yêu cầu của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam.

Công ty Xuân Phú Hải đồng thời đứng đầu danh sách chậm nộp thuế của tỉnh này bên cạnh nhiều dự án khác như Công ty TNHH Phát triển đô thị Bắc Hội An (chủ sở hữu Khu đô thị La Queenara) hay Công ty TNHH Đại Việt (chủ đầu tư dự án Finsion Complex City).

Đến thời điểm này, Vinahud vẫn chưa công bố báo cáo tài chính bán niên 2021, nên chưa rõ những ảnh hưởng của việc thâu tóm Xuân Phú Hải tới báo cáo tài chính của Công ty ra sao. Tuy nhiên, thương vụ này có thể chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lớn tại Vinahud.

Quan sát động thái R&H Group thâu tóm Vinahud, sau đó triển khai hàng loạt kế hoạch tăng vốn tại doanh nghiệp này cũng như các công ty khác trong mạng lưới, một nhà quan sát thị trường nêu câu hỏi: Có hay không một kịch bản “niêm yết cửa sau”?

“Niêm yết cửa sau” là hiện tượng doanh nghiệp mua thâu tóm một doanh nghiệp nhỏ, hoạt động không có gì nổi bật trên sàn chứng khoán, thậm chí “chỉ còn cái tên”, sau đó đẩy các dự án của mình vào thông qua các kỹ thuật tăng vốn, mua tài sản, hợp tác đầu tư. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp đi thâu tóm “lách” được những thủ tục, điều kiện niêm yết khắt khe, thuận lợi triển khai các kế hoạch huy động vốn đầu tư cho các dự án mới.

Tin bài liên quan