Tham nhũng nghiêm trọng cả trong cơ quan tư pháp

Tham nhũng nghiêm trọng cả trong cơ quan tư pháp

(ĐTCK) Xử lý hành vi tham nhũng vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án,.. Tham nhũng ngay trong các cơ quan tư pháp cũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.

>> Vẫn cho phép thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội

>> Chưa nên đặt mục tiêu phục hồi tăng trưởng nhanh

>> Nhiều dự luật quan trọng sắp được thông qua

Theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trình bày trước Quốc hội, Chính phủ đã triển khai kịp thời, quyết liệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; kết quả điều tra, truy tố một số vụ án tham nhũng lớn, được dư luận quan tâm.

Cụ thể, Bộ Công an đã thụ lý, điều tra 24 vụ án, 135 bị can, trong đó khởi tố mới 5 vụ, 25 bị can; kết luận điều tra 08 vụ, 51 bị can; đình chỉ điều tra 01 vụ; chuyển công an địa phương điều tra theo thẩm quyền 02 vụ, 03 bị can. Hiện đang điều tra 12 vụ, 80 bị can. Thiệt hại khoảng hơn 735 tỷ đồng, đã thu hồi trên 329 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã ban hành Kết luận thanh tra việc hoàn thuế của Tổng cục Hải quan đối với hoạt động tạm nhập - tái xuất xăng dầu, chuyển hồ sơ một số nội dung để cơ quan điều tra xử lý; đang tiến hành thanh tra, kiểm tra một số đơn vị trong kế hoạch năm 2013 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố kết quả khảo sát xã hội học về tình hình tham nhũng, công tác phòng chống tham nhũng; xây dựng báo cáo định kỳ về công tác phòng chống tham nhũng; tổng hợp kết quả kê khai tài sản, thu nhập năm 2012 của các bộ, ngành, địa phương…

Viện KSND Tối cao đã thụ lý kiểm sát điều tra 31 vụ, 149 bị can; đã giải quyết 07 vụ, 28 bị can; đang giải quyết 24 vụ, 121 bị can. Qua đó đã kịp thời kiến nghị với các cơ quan, các ngành hữu quan khắc phục những sai phạm, những sơ hở trong công tác quản lý để xử lý và phòng ngừa vi phạm.

Đối với công tác phòng ngừa tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 5.466 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua đó phát hiện 210 vụ việc vi phạm, xử lý kỷ luật 134 người. Tổng giá trị các vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 78,5 tỷ đồng, đã thu hồi 37,3 tỷ đồng.

Về kê khai tài sản, thu nhập năm 2012, có 113.436 người kê khai lần đầu, trên tổng số 115.883 người phải kê khai (đạt 97,9%); 519.320 người kê khai bổ sung, trên tổng số 526.632 người phải kê khai bổ sung (đạt 98,6%); có 376.197 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác; có 03 trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Việc hoàn thiện thể chế chậm, tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng còn bất cập; công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp.

Đơn cử như một số vụ án nghiêm trọng như vụ Nguyễn Thế Ngọc, Công ty vận tải dầu khí Việt Nam phạm tội tham ô tài sản, gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 1.800 tỷ đồng. Vụ sai phạm tại Công ty cho thuê tài chính II – Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn gây thiệt hại cho nhà nước ước tính trên 4.000 tỷ đồng. Vụ vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng...

Qua giám sát của Ủy ban tư pháp thì trong khoảng thời gian 2 năm 6 tháng (từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2013) riêng Viện KSND Tối cao đã đình chỉ 4 vụ với 27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ án tham nhũng khác (toàn ngành kiểm sát đình chỉ 16 vụ với 91 bị can phạm tội tham nhũng, chiếm 2,11%)

Tình hình tham nhũng trong các cơ quan tư pháp cũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp . Theo Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong thời gian từ 1/10/2010 đến ngày 30/4/2013, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã phát hiện, khởi tố là 69 vụ án với 82 bị can phạm tội về tham nhũng trong hoạt động tư pháp (chiếm khoảng 10% tổng số các vụ án tham nhũng trên toàn quốc). Trong đó, ngành kiểm sát xảy ra 4 vụ với 8 bị can, ngành Công an xảy ra 27 vụ với 36 bị can, ngành Tòa án xảy ra 17 vụ với 17 bị can, Thi hành án xảy ra 19 vụ với 18 bị can.