Các hành động vì khí hậu bùng nổ
Biến đổi khí hậu và hậu quả của nó đã hiện diện rõ ràng trong cuộc sống, khiến thế giới nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của vấn đề.
Trong bối cảnh này, yếu tố phát triển bền vững đã có những chuyển biến tích cực, sâu rộng trên toàn cầu.
Cuối năm 2016, nhà hoạt động vì môi trường Greta Thunberg, 16 tuổi, trở thành “Nhân vật của năm” do Tạp chí Time bình chọn nhỏ tuổi nhất trong lịch sử.
Bắt đầu từ cuối năm 2018 cho tới nay, cô gái nhỏ bé này đã tạo nên làn sóng hành động vì khí hậu trên toàn cầu, khi nói lên sự thật một cách mạnh mẽ và đòi hỏi sự thay đổi.
Hành động của Greta Thunberg đã truyền cảm hứng để tháng 1/2019, hàng chục nghìn thanh thiếu niên Bỉ tiến hành tuần lễ tuần hành trước trụ sở chính của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels.
Tháng 3/2019, hàng triệu cuộc tuần hành vì môi trường đã diễn ra trên toàn cầu. Tới tháng 9, khi hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc được tổ chức, Greta đã tham dự và có bài phát biểu gây chấn động.
Thực tế, những người trẻ tuổi đang dẫn đầu trong chặng hành trình bảo vệ môi trường, ngăn chặn các hành vi gây biến đổi khí hậu và giới doanh nghiệp đã chú ý tới điều này.
Thế hệ Z sẽ sớm trở thành đối tượng bỏ phiếu, là khách hàng của các doanh nghiệp, khi thế hệ Z và nhóm Millenials hiện chiếm một nửa lực lượng lao động trên toàn cầu.
Đây cũng là lý do khi phong trào hành động vì khí hậu diễn ra sôi nổi từ những người lao động. Hơn 7.800 nhân viên tại Amazon đã cùng ký vào bức thư gửi CEO Jeff Bezos đòi hỏi Công ty có kế hoạch triển khai hành động vì khí hậu tích cực hơn nữa.
Nhân viên của Microsoft thực hiện chiến dịch “đình công” trong tháng 9 nhằm phản ứng trước các chính sách có thể gây nên khủng hoảng môi trường trên toàn cầu của Công ty.
Theo đó, doanh nghiệp muốn thu hút và giữ chân nhân tài buộc phải có các chính sách phát triển bền vững, bảo vệ tự nhiên mạnh mẽ.
Thiên nhiên lên tiếng gay gắt
Các nhà bảo vệ môi trường đã trải qua một cuộc chiến dài với phần còn lại của thế giới. Các bên tranh cãi liệu các hành động vì môi trường phải chăng chỉ xuất phát từ những người có suy nghĩ quá bi quan và quá khích?
Tuy nhiên, năm 2019 vừa qua, thiên nhiên đã đưa ra câu trả lời trên toàn cầu, khiến các lý lẽ của một bên trở nên nực cười.
Bên cạnh việc các thảm hoạ liên tiếp xảy ra, cộng đồng khoa học cũng công bố những con số gây rúng động. Ban biên tập của New York Times đã xuất bản báo cáo với nội dung: “Con người đã học được rằng, chúng ta thay đổi đất đai nhiều tới mức đang đe doạ tới an ninh lương thực của chính mình. Chưa kể, chúng ta không thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường đủ nhanh để có thể tránh được những hậu quả kề cận”.
Tạp chí Nature thì cho rằng, loài người đang ở điểm ngoặt của khí hậu, trong khi HSBC ước tính, chi phí cho các vấn đề sức khoẻ sẽ lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Trước những diễn biến không thể phớt lờ, số lượng người nhận thức các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng. Nhờ vậy, các số liệu kinh tế liên quan tới tổn thất mà biến đổi khí hậu gây ra cũng xuất hiện nhiều hơn.
Các công ty lớn công bố báo cáo coi biến động môi trường là một rủi ro lớn, chẳng hạn, các nhà băng khó thu hồi nợ tại các khu vực lũ lụt, bão khiến thiết bị và cơ sở vật chất của AT&T bị hư hại, vấn đề thiếu hụt nguồn nước gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh của Coca-Cola…
Chính phủ và doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển bền vững
Năm 2019 chứng kiến 2 cột mốc lớn: dự luật mới về môi trường mang tên Green New Deal (Chính sách kinh tế xanh mới) tại Mỹ và EU thông qua Thoả thuận xanh lịch sử để cứu môi trường. Tất nhiên, còn nhiều tranh cãi xung quanh các chính sách mới, nhưng việc thay đổi suy nghĩ và hành động luôn là điều đáng để cổ vũ.
Không chỉ chính phủ mạnh mẽ hơn trong hành động, mà các doanh nghiệp toàn cầu cũng bắt đầu thiết lập nên những tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững.
Tín hiệu tích cực đầu tiên là số lượng các doanh nghiệp cam kết 100% sử dụng năng lượng tái tạo, thiết lập các cơ sở nghiên cứu khoa học ngày càng gia tăng. Hiện tại, đã có hơn 740 doanh nghiệp tiến hành cam kết.
Một số trường hợp đáng quan tâm là Amazon cam kết sẽ đưa lượng khí thải carbon của hãng về mức 0 cho tới năm 2040, nỗ lực tái trồng rừng với khoản đầu tư 100 triệu USD và đặt hàng 100.000 xe tải giao hàng bằng điện.
Ikea rót thêm 200 triệu euro để đầu tư cho kế hoạch giảm mức phát thải carbon về 0. Kellogg Company sẽ cải thiện cuộc sống của 3 tỷ người trên toàn cầu thông qua các chương trình cung cấp thực phẩm, chất dinh dưỡng…
Đáng chú ý, các mục tiêu ngày càng được nâng cao, cũng như lôi kéo được nhiều doanh nghiệp góp mặt.
Gia tăng đầu tư bền vững
Đầu tư bền vững ngày càng trở nên thông dụng, trở thành một dòng chính tại các thị trường tài chính.
Theo Morningstar Inc, các quỹ đầu tư chú trọng yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đã chi 16 tỷ USD vào các loại tài sản mới trong năm 2019, cao gấp 3 lần mức kỷ lục 5,5 tỷ USD được thiết lập năm 2018.
Các tổ chức đầu tư lớn chia sẻ, các khách hàng của họ đòi hỏi hoạt động đầu tư phải chú trọng hơn tới yếu tố phát triển bền vững.
Đây là lực đẩy để các quỹ đầu tư điều chỉnh chiến lược, chú trọng tới các tài sản xanh, dự án phát triển bền vững.
Một trong những thay đổi lớn của năm qua là việc hoạt động đầu tư cho năng lượng hoá thạch đã giảm sút.
Một nhóm các nhà đầu tư với khối tài sản 11 nghìn tỷ USD, Quỹ đầu tư nước ngoài của Na uy với tài sản trị giá 1 nghìn tỷ USD, nhà bảo hiểm Pháp AXA, Ngân hàng đầu tư châu Âu, nhóm nhà đầu tư có sở hữu nhà nước lớn nhất tại Trung Quốc… là những trường hợp nổi bật nhất cam kết ngừng đầu tư cho than đá hoặc năng lượng hoá thạch.
Nhiều công ty nhập cuộc
Năm 2019 chứng kiến nhiều cuộc thảm sát bằng súng, trong đó có sự kiện tại Walmart, Texas.
Theo đó, Doug McMillon, CEO Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới đã viết thư gửi tới 2,2 triệu nhân viên Công ty giải thích vì sao Walmart sẽ ngừng việc bán các sản phẩm có liên quan tới súng và đạn dược.
Các nhà bán lẻ nổi tiếng khác là Walgreens và Kroger cũng đề nghị khách hàng không được mang súng tới hệ thống cửa hàng của công ty và 145 CEO lên tiếng yêu cầu Nghị viện Mỹ thông qua luật mới về sử dụng súng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng bắt đầu nhập cuộc để giải quyết các bài toán xã hội khác. Microsoft, Google, Salesforce và Apple cam kết sẽ giúp hàng tỷ người đang chống trọi với khủng hoảng chỗ ở, tình trạng vô gia cư ngay trong khu vực trụ sở công ty.
Walmart kêu gọi chính sách lương trung bình cao hơn, trong khi gần 200 CEO cho rằng, các chính sách nhập cư thắt chặt đang tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh.
Thực phẩm chay có vị thế quan trọng hơn trong hệ thống thức ăn
Nếu như trước đây, thực phẩm chay chỉ xuất hiện tại một số nhà hàng riêng biệt thì hiện tại đã trở nên phổ biến hơn ở thực đơn của nhiều nhà hàng nổi tiếng như Burger King, McDonald’s, Dunkin’ Donuts, Subway, White Castle, KFC và Carl’s Jr…, cũng như trên kệ hàng của hàng nghìn cửa hàng bán thực phẩm.
Nhờ việc bán thêm thực phẩm chay, Burger King vừa ghi nhận quý bán hàng với kết quả tăng trưởng tích cực nhất trong 4 năm qua.
Beyond Meat, thương hiệu thịt chay thành công bậc nhất hiện nay đã niêm yết vào tháng 5/2019, trở thành thương vụ IPO lớn nhất trong năm.
Các loại thực phẩm cung cấp protein thay thế thịt cũng trở thành làn sóng mới trên toàn cầu, tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành này, trong đó có Omni Pork, công ty đang cung cấp thịt chay cho toàn châu Á.
Sự chuyển biến này là quan trọng bởi ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm truyền thống đang góp phần tạo nên ít nhất 1/4 lượng khí thải carbon trên toàn cầu.
Chưa kể cách thức sản xuất hiện tại là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Với những chuyển biến mới, ngành công nghiệp thực phẩm, chuỗi kinh doanh thức ăn bắt đầu quan tâm hơn tới việc cải tạo hệ thống, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Các phương thức sản xuất mới được nghiên cứu và áp dụng để đảm bảo tạo ra thức căn, hạn chế khí thải carbon, làm giàu hơn cho đất và giảm các tác động tiêu cực tới môi trường.
Tại diễn đàn thường niên của Liên hiệp quốc, ông Emmanuel Faber, CEO Danone lên tiếng: “Hệ thống thức ăn chúng ta xây dựng trong những thế kỷ qua là dấu chấm hết cho tương lai”.
Đây là lời cảnh báo sớm, nhưng thực tế, những biến động khí hậu và môi trường đều diễn ra nhanh hơn so với những gì chúng ta dự báo.
Công nghệ sạch tăng trưởng
Công nghệ sạch ngày càng trở nên rẻ hơn. Với việc chi phí xây dựng toà nhà sử dụng năng lượng gió và mặt trời đi xuống, chúng ta đã tiến tới giao điểm khi 3/4 các công trình sử dụng than đá có chi phí hoạt động đắt hơn so với sử dụng các loại năng lượng mới.
Trong tháng 4/2019, lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn than đá và các công trình năng lượng mới tại các quốc gia như Anh, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Bồ Đào Nha… đã vượt qua năng lượng hoá thạch.
Một điểm nhấn đáng chú ý là lĩnh vực xe điện không ngừng mở rộng. Một trong những lý do giá năng lượng hoá thạch chịu áp lực là bởi công nghệ sạch đã chuyển hướng người dùng.
Hiện tại, xe điện chỉ chiếm một phần nhỏ số lượng xe đang lưu thông, nhưng các mẫu xe điện mới đang tăng trưởng rất nhanh.
Trung Quốc đã có hơn 400.000 xe bus điện đang hoạt động, 60 triệu người dân Ấn Độ đang sử dụng xe điện mỗi ngày…
Các sáng tạo công nghệ sẽ cung cấp giải pháp hiệu quả hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, và ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực, không chỉ ngành giao thông, vận tải.
Chẳng hạn, nhà sản xuất thép Thyssenkrupp đang thử nghiệm sử dụng hydrogen trong sản xuất, hay công nghệ mới giúp năng lượng mặt trời đạt tới sức nóng 1.000 độ C, đủ để sử dụng trong các ngành sản xuất xi măng, thép, kính…