Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tham gia Hiệp định CPTPP: Đừng để “nước đến bụng mới nhảy…”

(ĐTCK) Tuy bày tỏ ủng hộ việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng các đại biểu Quốc hội lo ngại nếu cả cơ quan quản lý, lẫn cộng đồng doanh nghiệp không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ không chỉ khó đón bắt được cơ hội, mà còn đối mặt với nhiều thách thức.

“Sẵn sàng bỏ ra mấy triệu nhậu, nhưng không bỏ ra mua phần mềm…”

Trong chương trình làm việc sáng nay (5/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.

Bày tỏ sắp tới sẽ “bấm nút” ủng hộ phê chuẩn Hiệp định CPTPP, nhưng ý kiến từ các đại biểu Quốc hội lo ngại sự chậm trễ của cơ quan quản lý trong phổ biến, tuyên truyền luật chơi của Hiệp định này tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong chuẩn bị các đối sách để đón bắt tối đa cơ hội do CPTTP mang lại, mà còn đối mặt với nhiều thánh thức.

“Không riêng gì CPTTP, ở Việt Nam hay có tình trạng ‘nước đến bụng’, chứ không phải đến chân mới nhảy. Không chỉ người dân, doanh nghiệp, ngay cả đại biểu Quốc hội còn bị rơi vào tình thế chậm được tiếp cận các nội dung của CPTPP. Ở các nước, người ta không đọc kỹ thì không thông qua, đọc thiếu 1 trang là nguy hiểm…”, Đại biểu Quốc hội Trương Quang Nghĩa (Đà Nẵng) bày tỏ.

Ở Việt Nam hay có tình trạng ‘nước đến bụng’, chứ không phải đến chân mới nhảy...

Cùng góc nhìn trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình), Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng, nếu Bộ Công thương có phương án trao đổi thông tin với Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, chia sẻ thông tin rộng rãi về CPTPP, thì sẽ thuận hơn cho đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến…

Chia sẻ mối lo ở một góc nhìn khác, Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM), cho rằng một trong những thách thức lớn mà Việt Nam đối mặt khi tham gia CPTPP là phải khắc phục những hạn chế hiện nay về sở hữu trí tuệ. Tuy hệ thống pháp luật tốt, nhưng năng lực thực thi còn hạn chế.

“Người ta sẵn sàng bỏ ra mấy triệu nhậu, nhưng không dám bỏ ra để mua phần mềm, hay sách trên mạng. Đó là chưa kể tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan…”, ông Dũng thẳng thắn.

Cần lượng hóa cụ thể được- mất

Cho rằng sẽ giúp đại biểu yên tâm hơn khi “bấm nút” phê chuẩn Hiệp định CPTPP vào ngày 12/11 tới, đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Sơn La), đề nghị Chính phủ cần kỹ lưỡng hơn trong lượng hóa được- mất khi tham gia CPTPP, tránh đánh giá vội vàng. Để lượng hóa được, thì cần có ý kiến của doanh nghiệp, của các nhà khoa học, chứ không chỉ số liệu của cơ quan quản lý nhà nước…    

Trong quá trình thẩm tra Tờ trình của Chủ tịch nước về phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, cho biết, một số ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu dự họp cho rằng, Hiệp định CPTPP có tác động toàn diện đối với kinh tế - xã hội, nhưng báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, thu ngân sách…, cũng như chưa dự kiến các chính sách để hỗ trợ các chủ thể bị tổn thất, rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực.

Mặt khác, ông Giàu cho biết thêm, tuy hầu hết các đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP, nhưng có ý kiến băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn.

GDP bình quân đầu người năm 2017 của các nước thành viên CPTPP là: Australia 56.135 USD, Singapore 53.880 USD, Canada 44.773 USD, Việt Nam 2.306 USD….

Các ý kiến còn cho rằng tuy Hiệp định mang lại nhiều cơ hội, nhưng đi cùng theo đó là những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin.

Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.  

Tin bài liên quan