Mở rộng thị trường xuất khẩu
Trong chương trình làm việc cuối tuần qua, sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định này (cập nhật đến ngày 30/10/2018).
“Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9/2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.
Việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp chúng ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.
Tham gia CPTPP sẽ giúp chúng ta có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
Ngoài ra, tham gia sân chơi CPTPP, theo Chính phủ là cơ hội để tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời có thêm cơ hội hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những cơ hội phát triển mới cho Việt Nam, khi sắp tới Quốc hội chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP.
“Việt Nam đã ký FTA với 7 trong số 10 nước tham gia CPTPP, nên đã có kinh nghiệm và sức đề kháng trong cuộc chơi thương mại. Thêm vào đó, 3 nước còn lại mà Việt Nam chưa ký FTA là các nền kinh tế không lớn. Qua rà soát hơn 200 văn bản, thì có 7 luật cần sửa. Việc sửa các luật này có thể tiến hành trong thời gian tới, nên việc này chủ động được. Bởi vậy tham gia CPTPP không có nhiều lo lắng đối với Việt Nam. Tôi ủng hộ việc phê chuẩn CPTPP”, đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Sơn La) chia sẻ.
Theo chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 12/11 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.
Cần sớm thẩm thấu tới doanh nghiệp
Tham gia CPTTP, theo đánh giá của Chính phủ, bên cạnh cơ hội là không ít thách thức. Do Việt Nam đã ký FTA với 7 trên 10 nước thành viên Hiệp định CPTPP, nên sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường chỉ đến từ 3 nước là Canada, Mehico và Peru.
Tuy nhiên, thực tiễn thương mại song phương với 3 nước này cho thấy sức ép sẽ không lớn, bởi cơ cấu xuất nhập khẩu của những nước này có tính bổ sung hơn là cạnh tranh với cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Hiện tại, chúng ta đang xuất siêu sang cả 3 nước này. Xét theo mặt hàng, thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Tuy nhiên, Việt Nam đã bảo lưu được lộ trình giảm thuế nhập khẩu tương đối dài cho các sản phẩm này (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm).
“Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động. Tuy nhiên, do cơ cấu xuất nhập khẩu của phần lớn các nền kinh tế trong CPTPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự báo.
Hiện tại, một vấn đề đang khiến các đại biểu Quốc hội lo ngại là việc phổ biến các nội dung của hiệp định này tới các doanh nghiệp vừa chậm, vừa không bài bản, trong khi đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong hiện thực hóa các cơ hội do CPTTP mang lại, qua đó có đóng góp lớn cho nền kinh tế.
“Các doanh nghiệp chưa tiếp cận được các nội dung của CPTPP. Điều này nếu không sớm được khắc phục, cũng như thiếu các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, thì thách thức tham gia CPTPP sẽ mở rộng hơn so với cơ hội mang lại. Nếu doanh nghiệp chậm trễ tham gia sân chơi mới này, thì là thách thức lớn”, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (TP.HCM) cho biết.
Cùng mối lo, Đại biểu Nguyễn Việt Dũng cho rằng, để tận dụng được cơ hội từ CPTPP, tư duy quản trị của cơ quan quản lý phải thay đổi để kịp với thời đại 4.0, từ đó hành lang pháp lý phải đổi mới theo hướng khuyến khích sự sáng tạo phát triển, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để đón bắt được cơ hội. Các nội dung của hiệp định này cần sớm được công khai rộng rãi để doanh nghiệp có sự chuẩn bị.