Giả định Thaiholdings phải bỏ thêm 467 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu tại Kim Lien Tourism, hoạt động kinh doanh của công ty mục tiêu vẫn phụ thuộc vào quyết định của đơn vị khác.

Giả định Thaiholdings phải bỏ thêm 467 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu tại Kim Lien Tourism, hoạt động kinh doanh của công ty mục tiêu vẫn phụ thuộc vào quyết định của đơn vị khác.

Thaiholdings: Nhiều câu hỏi trước thềm niêm yết

(ĐTCK) Có không ít câu hỏi đang được giới đầu tư đặt ra xung quanh bức tranh tài chính, kinh doanh của Thaiholdings trước ngày doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tăng vốn chóng mặt

Thành lập vào tháng 3/2011 với tên gọi là CTCP Đầu tư và phát triển Kinh Thành, đến tháng 9/2016, doanh nghiệp được đổi tên thành CTCP Thaiholdings.

Ngành nghề kinh doanh chính theo đăng ký kinh doanh là vận chuyển hàng hóa bằng ô tô chuyên dụng và một số hoạt động khác như thương mại vật liệu, thiết bị lắp đặt trong xây dựng... với vốn điều lệ đăng ký là 389 tỷ đồng.

Trong suốt 8 năm từ khi thành lập, vốn điều lệ thực góp của Thaiholdingschỉ là 136,9 tỷ đồng (tương đương 35% vốn đăng ký).

Nguyên nhân được doanh nghiệp giải thích (trong bản công bố thông tin tóm tắt  CTCP Thaiholdings) là do “nhu cầu thực tế của Công ty và thực tế khả năng thu xếp nguồn lực của các cổ đông”.

Công ty cũng không thực hiện giảm vốn điều lệ do “mới thành lập còn nhiều vấn đề trong quá trình vận hành, chưa nắm rõ quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, đến năm 2019, quy mô vốn của Thaiholdings đã tăng gần 4 lần sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu để góp đủ vốn đăng ký 389 tỷ đồng (tăng 252 tỷ đồng) cùng lúc với chào bán cổ phần cho cổ đông (không theo tỷ lệ sở hữu) thêm 150 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ lên 539 tỷ đồng với mục tiêu “bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư tài chính, hợp tác kinh doanh”.

Điểm khiến nhà đầu tư phải chú ý đến đợt tăng vốn này của Công ty là quá trình thu tiền và sử dụng tiền diễn ra rất chóng vánh.

Ngay sau Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua việc tăng vốn ngày 18/4/2019, đến ngày 25/4/2019, việc tăng vốn đã hoàn tất.

Tiếp đó, từ ngày 24/4 - 9/5/2019, Thaiholdings đã chi ra 284 tỷ đồng để thanh toán mua 14,2 triệu cổ phần (19,52% cổ phần) của CTCP Tôn Đản Hà Nội (giá 20.000 đồng/cổ phần) - đơn vị sở hữu tòa nhà văn phòng cho thuê Thaiholdings Tower tại số 17 Tông Đản - 210 Trần Quang Khải. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính của Thaiholdings.

Đồng thời, Thaiholdings cũng chi ra 365 tỷ đồng để mua lại 17,2% cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên (Kim Liên Tourism) từ 4 cá nhân với cùng mức giá mua 305.100 đồng/cổ phần. Cả hai thương vụ này đều có liên quan chặt chẽ đến CTCP Tập đoàn Thaigroup.

Cụ thể, với thương vụ mua cổ phần tại CTCP Tôn Đản Hà Nội, bên bán chính là Thaigroup. Còn Kim Liên Tourism vốn là công ty con của Thaigroup với tỷ lệ sở hữu 52,4% đến cuối năm 2019.

Việc tăng vốn và đẩy mạnh đầu tư tài chính đã khiến quy mô tài sản, nguồn vốn của Thaiholdings tăng lên nhanh chóng. Kết thúc năm 2019, tổng tài sản của Công ty đạt 850,5 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với đầu năm.

Trong đó, đầu tư tài chính dài hạn vào Kim Liên Tourism và Tôn Đản là nguyên nhân chính khi tăng từ 0 lên 637,5 tỷ đồng, các khoản mục còn lại hầu như ít biến động.

Về nguồn vốn, bên cạnh việc vốn chủ sở hữu gia tăng, báo cáo tài chính của Thaiholdings cũng ghi nhận tăng mạnh ở khoản mục nợ vay (tăng từ 34,4 tỷ đồng lên 63,9 tỷ đồng), người mua trả tiền trước (tăng từ 4,3 tỷ đồng lên 22,5 tỷ đồng) và đặc biệt là phải trả người bán (tăng từ 8,8 tỷ đồng lên 129,9 tỷ đồng - chiếm tỷ trọng chủ yếu là khoản trả trước cho CTCP Đầu tư xây dựng và sản xuất Vũng Áng, nhưng chi tiết hợp đồng không được thuyết minh).

Thaiholdings tăng vốn mạnh mẽ rồi chi khoản tiền lớn để mua cổ phần từ các đơn vị liên quan đến Thaigroup, nhưng đáng nói là chính Thaigroup thoái vốn tại Thaiholdings trước đó không lâu.

Cụ thể, Thaigroup vốn là công ty mẹ của Thaiholdings với tỷ lệ sở hữu lên đến 74% tính đến đầu năm 2019. Cổ đông lớn thứ hai là ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaigroup và cũng là Chủ tịch Thaiholdings khi đó, với sở hữu 24,7%.

Các cổ đông khác sở hữu chỉ 0,3%. Sau đợt tăng vốn tháng 4/2019, Thaigroup hoàn toàn thoái vốn tại Thaiholdings, ông Thụy cũng rời ghế Chủ tịch.

Các cổ đông lớn thoái vốn hoặc giảm mạnh tỷ lệ sở hữu nhưng không có cổ đông lớn nào mới xuất hiện tại Thaiholdings. Tính đến đầu năm 2020, ông Nguyễn Đức Thụy vẫn là cổ đông lớn duy nhất, với sở hữu 20%.

Biên bản họp Đại hội cổ đông thường niên 2020 của Thaiholdings tổ chức ngày 29/2/2020 cho biết, Công ty có tổng cộng 122 cổ đông, trong đó có 17 cổ đông dự họp với tổng tỷ lệ sở hữu 85,57% cổ phần của Công ty.

Như vậy, ngoại trừ phần nắm giữ 20% của cổ đông lớn, bình quân mỗi người trong 16 cổ đông còn lại chỉ sở hữu và đại diện cho 4,09% cổ phần.

Điều này khiến cơ cấu cổ đông của Thaiholdings được đánh giá là khá “loãng”. Tuy vậy, các cổ đông còn lại có sự đồng thuận rất cao khi cũng tại đại hội cổ đông này, tất cả các tờ trình với những nội dung quan trọng đều được thông qua với tỷ lệ tuyệt đối 100%, điều ít thấy ngay cả tại những doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông cô đặc.

Dấu hỏi kế hoạch 2020

Tại Đại hội cổ đông 2020, một loạt kế hoạch quan trọng như tăng vốn điều lệ, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán hay mục tiêu doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm nay đã được cổ đông thông qua.

Về kế hoạch tăng vốn, Công ty dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 539 tỷ đồng hiện tại lên mức 3.089 tỷ đồng thông qua phát hành 255 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cổ phần.

Tờ trình cho biết, các cổ đông có thể góp vốn bằng tiền, tài sản. Do phát hành cho cổ đông hiện hữu nên số cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Tăng vốn khủng, tuy nhiên kế hoạch sử dụng vốn của Thaiholdings đặt ra lại khá chung chung khi toàn bộ số tiền dự kiến sử dụng để “đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển doanh thu và lợi nhuận”.

Báo cáo kế hoạch 2020 được Tổng giám đốc Thaiholdings, ông Vũ Ngọc Định nêu ra tại Đại hội đã hé lộ phần nào kế hoạch đầu tư này.

Đó là mua cổ phần của Thaigroup, Dự án Khu phức hợp Enclave Phú Quốc và mở rộng quy mô cải tạo, xây dựng lại Khách sạn Kim Liên.

Nếu như kế hoạch mua cổ phần của Thaigroup gây chú ý vì mối quan hệ chặt chẽ từ lâu giữa hai doanh nghiệp này thì Dự án Khu phức hợp Enclave Phú Quốc (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) có diện tích 199,7 ha với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.962 tỷ đồng cũng từng được một số trang thông tin giới thiệu do Thaigroup làm chủ đầu tư nhưng đến nay, thông tin về việc triển khai, tiến độ dự án hầu như không được cập nhật.

Về dự án Khách sạn Kim Liên, thông tin đáng chú ý là tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 19/1/2020, Kim Liên Tourism đã lên kế hoạch tăng vốn từ 69,57 tỷ đồng lên 2.786 tỷ đồng, nhằm đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư cho dự án bất động sản triển khai trên khu đất của Khách sạn Kim Liên (ước tính 615,8 triệu USD, tương đương 14.287 tỷ đồng).

Giả định Thaiholdings sẽ góp vốn để duy trì tỷ lệ sở hữu như hiện nay, số tiền cần phải bỏ thêm cho riêng khoản đầu tư này là 467 tỷ đồng - khoản vốn không hề nhỏ so với quy mô của Công ty, nhưng hoạt động kinh doanh của công ty mục tiêu lại phụ thuộc vào sự quyết định của đơn vị khác do tỷ lệ sở hữu tại công ty này thấp.

Cũng tại Đại hội, các cổ đông đã thông qua tờ trình về việc ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định các khoản đầu tư, bán tài sản có giá trị lớn hơn 35% tổng tài sản của Công ty. Đây có thể xem là bước thủ tục để Hội đồng quản trị Thaiholdings rộng đường đầu tư sau khi Đại hội thành công.

Cổ đông Thaiholdings cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu 3.500 tỷ đồng và 450 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 4,5 lần về doanh thu và 7,5 lần về lợi nhuận so với kết quả 2019.

Trước đó, Công ty cũng đã báo cáo kết quả kinh doanh cả năm 2019 với doanh thu  780,9 tỷ đồng, cao gấp 6,8 lần năm trước, vượt 2,5 lần kế hoạch đề ra; lợi nhuận trước thuế tăng gấp 5,6 lần so với năm 2018, đạt mức 60,23 tỷ đồng.

Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng tốt sẽ là sự hỗ trợ quan trọng cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu của Thaiholdings trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), dự kiến trong quý II/2020.

Tuy vậy, điều khiến nhà đầu tư không khỏi đặt câu hỏi là động lực tăng trưởng trong kết quả kinh doanh này khi báo cáo của Công ty hầu như không đề cập đến nguyên nhân tăng trưởng đột biến của “doanh thu bán hàng hóa”.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính của Công ty hiện nay là khách sạn, du lịch và quản lý bất động sản (cho thuê văn phòng) được đánh giá cao về tính ổn định của dòng tiền, nhưng có nhiều hạn chế về khả năng tăng trưởng.

Có một điều chắc chắn, động lực tăng trưởng không đến từ hai thương vụ mua cổ phần đầu tư lớn (chiếm tới 74% tổng tài sản của Thaiholdings đến cuối năm 2019) bởi đây đều là các khoản đầu tư tài chính, đồng nghĩa với doanh thu, lợi nhuận không được hợp nhất vào kết quả kinh doanh năm 2019.

Thậm chí, khoản đầu tư vào CTCP Tôn Đản đã phải trích lập dự phòng 11,6 tỷ đồng, làm suy giảm lợi nhuận trong năm qua.

Một điểm cũng đáng chú ý là doanh thu của Thaiholdings có tỷ trọng khá lớn từ bên liên quan. Năm 2018, bên liên quan góp đến 99,9% doanh thu, chủ yếu là từ Công ty TNHH Xây dựng Vinakanto.

Năm 2019, dù tỷ trọng đã giảm xuống, nhưng bên liên quan vẫn đóng góp 128 tỷ đồng, chiếm 17,2% doanh thu.

Một triển vọng khả quan cho kế hoạch 2020 là Thaiholdings sẽ tiếp tục M&A và phát sinh các công ty con hợp nhất vào báo cáo của Công ty bởi định hướng hoạt động của Công ty cũng được xác định là mở rộng kinh doanh thông qua mô hình đầu tư tài chính và hợp tác kinh doanh.

Tuy nhiên, với việc mục tiêu M&A chưa được xác định rõ ràng, sẽ rất khó để nhà đầu tư bên ngoài đánh giá triển vọng của kế hoạch này.

Tăng vốn khủng, doanh thu lợi nhuận tăng đột biến ngay trước khi chuyển thành công ty đại chúng và tiếp tục lên kế hoạch tăng trưởng mạnh trong năm nay, nhà đầu tư cần hiểu rõ hơn về Thaiholdings trước thềm niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Tin bài liên quan