Kết cấu giá dịch vụ bất cập
Ông Ngô Chí Dũng, Giám đốc BHXH Thái Nguyên cho biết, BHXH tỉnh hiện đang ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 46 cơ sở khám chữa bệnh.
Từ đầu năm, căn cứ vào số chi thực tế năm 2017, số thẻ đăng ký ban đầu năm 2018, BHXH Thái Nguyên đã họp với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT và thống nhất giao quỹ để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động quản lý, sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số bất cập.
Được biết, tính đến ngày 30/8/2018, tổng chi phí khám chữa bệnh của tỉnh Thái Nguyên vào khoảng 831 tỷ đồng, so với dự toán Chính phủ giao đã sử dụng 62,32%; so với quỹ khám chữa bệnh 8 tháng đầu năm ước tính mất cân đối 7,3 tỷ đồng.
BHXH Thái Nguyên dự kiến năm 2018 sẽ có khoảng 1,94 triệu lượt bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT với số tiền khoảng 1.300 tỷ đồng. Quỹ khám chữa bệnh sẽ mất cân đối khoảng hơn 70 tỷ đồng.
Nguyên nhân, theo ông Dũng là do việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong kết cấu giá dịch vụ y tế còn một số bất cập. Giường nội trú kê thêm nhưng nhân lực không đảm bảo, tỷ lệ giường thực kê/giường kế hoạch chiếm trên 200%, tỷ lệ thanh toán tiền giường năm sau cao hơn năm trước.
Nếu như năm 2015, tỷ lệ thanh toán tiền giường chiếm 16,5% trong tổng số chi BHYT, thì năm 2016 là 39%, trong khi tỷ lệ bình quân chung toàn quốc là 17,4%.
Bên cạnh đó, ngày điều trị nội trú bình quân của tỉnh còn cao là 8,2 ngày (toàn quốc là 7,04 ngày); tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú năm 2017 là 13,58% (toàn quốc là 9,16%)…
Liên thông dữ liệu nhằm ngăn chặn lạm dụng, trục lợi BHYT
Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam đánh giá, BHXH Thái Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác kiểm soát chi, năm 2017 có vượt quỹ nhưng ở mức độ thấp và dự kiến năm 2018 vượt dự toán hơn 79 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Khương cho rằng, công tác khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nổi lên một số vấn đề cần quan tâm như:
Tần suất khám chữa bệnh cao; tần suất vào nội trú cao hơn bình quân chung cả nước; các cơ sở khám chữa bệnh tích cực chỉ định vào nằm điều trị nội trú; tần suất chỉ định một số dịch vụ kỹ thuật cơ bản cao; một số chỉ định điều trị nội trú chưa hợp lý…
Hiện tại, tất cả cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh kết nối liên thông và chuyển dữ liệu đến Hệ thống thông tin giám định BHYT, nhưng các cơ sở y tế chuyển dữ liệu lên Cổng giám định điện tử còn thấp, vào khoảng 50%.
Từ đó, dẫn đến cơ cấu chi phí khám chữa bệnh thay đổi như: Ngày giường bệnh cao, chiếm 30,23%, trong khi chi phí trực tiếp điều trị cho người bệnh như thuốc lại giảm còn 24,6%...
Hiện tại, tất cả cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh kết nối liên thông và chuyển dữ liệu đến Hệ thống thông tin giám định BHYT, nhưng các cơ sở y tế chuyển dữ liệu lên Cổng giám định điện tử còn thấp, vào khoảng 50%.
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: “Hệ thống thông tin giám định BHYT thể hiện tính công khai, minh bạch, qua đó tạo niềm tin để người dân yên tâm và tích cực tham gia BHYT.
Do đó, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT cần chuyển thông tin kịp thời lên Cổng giám định, phục vụ kiểm soát thông tuyến, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi trong khám chữa bệnh BHYT”.
Lý giải về tình trạng chi phí đa tuyến cao, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên Vi Xuân Hồng cho rằng, do người dân lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh có chất lượng cao.
Trình độ chuyên môn của các trạm y tế xã chưa cao, danh mục thuốc ít và trạm y tế xã chỉ là nơi sơ cấp cứu ban đầu, còn điều trị phải chuyển lên tuyến trên. Ngành y tế Thái Nguyên đầu tư nhiều dịch vụ kỹ thuật cao phục vụ người dân cũng là một nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí.
Về tần suất khám chữa bệnh cao hơn cả nước, lãnh đạo Sở Y tế khẳng định, sẽ có biện pháp; tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra…