Giá nguyên vật liệu tăng
Cùng với sự phục hồi của giá dầu từ cuối năm 2016 đến nay, giá cao su thiên nhiên cũng có diễn biến tích cực. Trái ngược với các doanh nghiệp cao su tự nhiên đạt kết quả kinh doanh khả quan, các doanh nghiệp sản xuất săm lốp đang chật vật thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2017, bởi nguyên vật liệu của ngành săm lốp chủ yếu là cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 70%.
Theo ông Nguyễn Minh Thiện, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (CSM), giá su thiên nhiên gần đây có diễn biến giảm dần, sau một thời gian tăng mạnh từ đầu năm 2017.
Mức giá trong tháng 10/2017 đã giảm về ở tương đương mức giá tháng 12/2016, nhưng vẫn cao hơn trên 10% so với bình quân năm 2016. Bên cạnh đó, giá các nguyên vật liệu khác như cao su tổng hợp tăng 60%, than đen tăng 25% so với thời điểm đầu năm.
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, giá cao su trung bình trong quý III/2017 là 37 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 17% so với mức đỉnh 45 triệu đồng/tấn trong quý I/2017.
Mặc dù giá cao su thiên nhiên đang giảm, nhưng nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, giá nhiều khả năng sẽ khó giảm thêm, triển vọng tăng giá trong tương lai vẫn lạc quan.
Báo cáo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho thấy, nhu cầu trên thế giới đối với cao su tự nhiên trong 9 tháng đầu năm nay đã vượt sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu vào khoảng 400.000 tấn. Giai đoạn 2018 - 2024, tiêu thụ cao su thế giới dự báo sẽ tăng từ 3,4 - 3,7%/năm, động lực đến từ những thị trường mới nổi.
Giá nguyên liệu tăng, các doanh nghiệp thường tăng giá bán. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, hầu hết các doanh nghiệp săm lốp đều phải duy trì chính sách giá bán linh hoạt để đảm bảo thị phần, vì vậy lợi nhuận bị ảnh hưởng.
“Mặc dù Công ty điều chỉnh giá bán trong 9 tháng đầu năm, bình quân tăng 2 - 3%, nhưng tốc độ tăng không bằng tốc độ tăng giá của nguyên vật liệu. Do giá vốn tăng, nhưng giá bán tăng ít, nên lợi nhuận gộp của CSM giảm mạnh”, ông Thiện nói.
Đại diện CSM chia sẻ, mức giá bán hiện nay đối với sản phẩm lốp ô tô radial, bias đã dần ổn định, sản lượng tiêu thụ bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ, mặc dù có sự cạnh tranh khốc liệt từ các dòng lốp nhập khẩu, đặt biệt lốp nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong quý IV/2017, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 15 tỷ đồng. Với kế hoạch này tính chung cả năm, doanh thu CSM có thể tăng trên 15% so với năm 2016, nhưng lợi nhuận trước không đạt kế hoạch.
Tương tự, quý IV/2017, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) đặt kế hoạch doanh thu 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 23 tỷ đồng, ước cả năm đạt 3.755 tỷ đồng doanh thu và khoảng 186 tỷ đồng lợi nhuận, cách khá xa kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay là 540 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) dự kiến đạt doanh thu 230 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8,8 tỷ đồng trong quý IV. Như vậy, hoàn thành kế hoạch 93 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017 là rất khó với SRC (9 tháng mới đạt hơn 36 tỷ đồng).
Doanh nghiệp chủ động ứng phó ra sao?
Theo CSM, Công ty đang xây dựng chính sách dự trữ nguyên vật liệu, bởi dự báo giá cao su thiên nhiên khó có thể giảm hơn, do nhu cầu có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, giá than đen, nguồn nguyên liệu quan trọng sau cao su đang tăng, chủ yếu do chính sách kiểm soát môi trường của Trung Quốc. Nguyên liệu cho ngành sản xuất vải mành làm lốp xe cũng đang tăng cao, sẽ ảnh hưởng vào giá sản phẩm trong quý I/2018.
Trong bối cảnh thị trường săm lốp trong nước gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt ở một số mặt hàng với các sản phẩm ngoại giá rẻ, việc mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư cho ra đời các sản phẩm mới là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Trong đó, mặt hàng lốp radial kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp săm lốp.
Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ sử dụng lốp radial cho ô tô ước tính đạt 50 - 60%. Với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại, nhu cầu sử dụng các dòng lốp radial trong tương lai dự báo sẽ tăng. Thêm vào đó, tỷ lệ sở hữu xe ô tô trong dân cư vẫn còn ở mức thấp, trong khi thu nhập của người dân ngày càng cải thiện. Đặc biệt, Chính phủ quyết tâm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là các điều kiện tạo nền tảng cho phân khúc săm lốp ô tô nói riêng, ngành săm lốp Việt Nam nói chung tăng trưởng dài hạn.
Đại diện CSM cho biết, việc hợp tác với Tireco (Mỹ) để sản xuất sản phẩm lốp radial bán thép dành cho dòng xe du lịch (PCR) đang phát triển tốt, từ tháng 9/2017, Công ty đã sản xuất và tiêu thụ mỗi tháng hơn 40.000 lốp PRC. Công ty hiện triển khai các thủ tục để đầu tư thiết bị lẻ, hoặc thuê mua thêm thiết bị nhằm tăng công suất nhà máy. Trong giai đoạn đầu, năng suất công nhân chưa cao, cộng thêm tỷ lệ hao phí nguyên vật liệu và năng lượng còn cao, CSM đặt mục tiêu giảm dần các chi phí này.
Với DRC, trong tháng 10 vừa qua, Công ty ra mắt sản phẩm săm lốp chuyên dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco), một trong những nhà lắp ráp ô tô hàng đầu Việt Nam, đang hợp tác với MTRON, nhà sản xuất máy móc nông nghiệp lớn nhất Hàn Quốc, thực hiện dự án sản xuất xe và máy móc nông nghiệp nhằm phân phối tại Việt Nam, với thương hiệu Thaco và xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Theo đó, DRC đang hợp tác với Thaco trong việc cung cấp lốp xe trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với lốp radial toàn thép (sợi mành thép), DRC chủ trương đẩy mạnh tiêu thụ, sản xuất hết công suất giai đoạn 1, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 nhà máy sản xuất lốp radial 600.000 lốp/năm chậm nhất trong quý II/2018.
Theo DRC, dòng sản phẩm mới này được xác định là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững của Công ty trong tương lai. Khi dự án radial toàn thép đi vào sản xuất ổn định, thị trường mở rộng, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất của nhà máy lốp radial.